(Tin Môi Trường) - Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về việc phối hợp cho ý kiến trong việc sáp nhập một số đơn vị, tổ chức theo Công văn số 7073/BTNMT-TCCB ngày 19/11/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lấy ý kiến đối với Đề án “thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo”, sau khi nghiên cứu dự thảo Đề án, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đã có nhiều ý kiến khác nhau.
TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo đã nêu quan điểm của ông trong bối cảnh thực tế sáp nhập hiện nay.
TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo
- Xin ông cho biết quan điểm của mình trong thời điểm đang lấy ý kiến đối với Đề án “Thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo” và vai trò của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo đối với sự phát triển bền vững của đất nước ?
TS. Nguyễn Lê Tuấn: Trong bối cảnh Việt Nam và thế giới hiện nay, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đồng thời bảo vệ môi trường biển và hải đảo là xu thế tất yếu trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã báo cáo Bộ TN&MT về sự cần thiết phải tiếp tục duy trì mô hình Tổng cục để thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Trong trường hợp không tiếp tục duy trì mô hình Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ thì việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp khoa học của Bộ cần xem xét, nâng cấp đơn vị sự nghiệp khoa học trong lĩnh vực biển và hải đảo thành đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT để đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về biển và đại dương trong tình hình hiện nay. Việc nâng cấp này cũng đã được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam báo cáo, đề xuất với Bộ TN&MT trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị của Bộ thời gian qua.
-Vậy cơ sở pháp lý nào cho thấy việc nâng cấp Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thành đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Bộ là cần thiết trong bối cảnh tiến ra biển theo hướng bền vững, thưa ông?
-TS. Nguyễn Lê Tuấn: Việc nâng cấp Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cũng đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch hành động số 646 - KH/BCĐTNMT ngày 23/4/2020 của Ban cán sự Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, theo đó định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ “Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ TN&MT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xem xét nâng cấp Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thành viện cấp quốc gia, đáp ứng yêu cầu, tình hình mới”.
Trên thực tế, để phục vụ công tác quản lý nhà nước tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo của Bộ TN&MT, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, cung cấp dịch vụ, tư vấn về khoa học, công nghệ biển, quản lý biển, hải đảo. Kết quả nghiên cứu của Viện trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiểu biết về biển, cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ công tác hoạch định chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã được phổ biến rộng rãi, đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học, hội nghị khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị trị khoa học công nghệ biển của Việt Nam, góp phần đa dạng hóa các giải pháp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Do vậy, việc nâng cấp Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo thành Viện trực thuộc Bộ TN&MT là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới và tình hình thực tế của Việt Nam, nhất quán với các văn bản của Chính phủ và Bộ TN&MT.
- Nếu trong trường hợp phải tổ chức lại 2 Viện trực thuộc là Tổng cục Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam như Đề án đã nêu, vậy nhiệm vụ chính của Viện mới này là gì và vì sao, thưa ông?
-TS. Nguyễn Lê Tuấn: Theo phân tích ở trên, cần lấy nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực biển và hải đảo là nhiệm vụ chính của Viện mới này vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực biển và hải đảo đã bao gồm các nội dung về môi trường biển, một thành phần môi trường có phạm vi rộng gấp 3 lần môi trường lục địa, đòi hỏi trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, đầu tư lớn và hoàn toàn do nhà nước thực hiện, mức độ và khả năng xã hội hóa rất thấp vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực tế, việc tăng cường trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã và đang được nhà nước quan tâm đầu tư.
Thứ hai, thực tiễn cho thấy, công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ đối với môi trường trên lục địa hiện nay đã được xã hội hóa rộng rãi, nhiệm vụ chính của đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Bộ TN&MT là nghiên cứu các vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT, hiện đang được các đơn vị khác trực thuộc Bộ thực hiện.
Thứ ba, biển và đại dương có vai trò chi phối nhiều quá trình tự nhiên, tương tác giữa các quá trình này với nhau trên lục địa. Do vậy, nghiên cứu khoa học về biển và đại dương sẽ góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường nói riêng, phát triển bền vững nói chung.
-Trong bối cảnh hiện nay và xuất phát từ tính cần thiết cho phát triển sự nghiệp biển- đảo, vậy Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo có những đề xuất gì để hoàn thiện Đề án thành lập Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, thưa ông?
-TS. Nguyễn Lê Tuấn: Trên cơ sở các phân tích nêu trên, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo có một số đề nghị đến đơn vị xây dựng Đề án nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thành lập Viện Khoa học môi trường, Biển và Hải đảo, cụ thể như sau:
Về sự cần thiết và căn cứ pháp lý: Rà soát và lược bỏ những nội dung không liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trong lĩnh vực môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ TN&MT, bao gồm rút gọn các nội dung về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; lược bỏ các mô hình đơn vị nghiên cứu về công nghệ, đổi mới sáng tạo trên thế giới và trong khu vực không liên quan đến lĩnh vực môi trường, biển và hải đảo. Đồng thời, đề nghị rà soát và bổ sung những căn cứ pháp lý có liên quan. Trong quá trình rà soát cần lưu ý đến thực tế các mô hình trên thế giới đã tham khảo cho thấy các viện nghiên cứu (cấp bộ) trong lĩnh vực khoa học, công nghệ biển luôn tồn tại độc lập, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mang tính liên ngành, hướng tới xuyên ngành phục vụ khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đồng thời bảo vệ môi trường biển, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền hợp pháp khác trên các vùng biển.
Về phương án tổ chức lại các viện, đối với mục tiêu, phạm vi hoạt động, đề nghị rà soát và chuẩn hóa các lĩnh vực nghiên cứu chính của viện. Đối với phạm vi nghiên cứu về biển, hải đảo, đề nghị xem xét bổ sung các lĩnh vực nghiên cứu.
Về tên gọi của Viện, đề nghị sử dụng tên gọi “Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo Việt Nam”;
Về loại hình đơn vị: Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
Về chức năng, nhiệm vụ chính trong lĩnh vực biển và hải đảo, đề nghị bổ sung các nhiệm vụ (i) nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ứng phó biến đổi khí hậu; (ii) thực hiện vai trò kết nối công tác nghiên cứu khoa học biển trong nước và quốc tế; (iii) kết nối, phối hợp hoạt động nghiên cứu biển và hải đảo với các bên liên quan, phục vụ nhu cầu xã hội; (iv) cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo; (v) cung cấp luận cứ khoa học và phản biện xã hội nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo; (vi) đào tạo trình độ tiến sỹ các ngành được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Về cơ cấu tổ chức, đối với lãnh đạo viện, đề nghị xem xét tăng số lượng Phó Viện trưởng để phù hợp với tình hình của 2 Viện hiện nay cũng như cần có lộ trình thực hiện phù hợp. Đối với bộ máy giúp việc, đề nghị số lượng đơn vị trực thuộc bao gồm 09 đơn vị như sau: Văn phòng; Phòng Kế hoạch và Tài chính; Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; Phòng Khoa học môi trường biển và lục địa; Phòng Công nghệ và Kỹ thuật môi trường, biển và hải đảo; Phòng Nghiên cứu quy hoạch và quản lý tổng hợp biển; Phòng nghiên cứu hải đảo; Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn biển và rác thải nhựa đại dương; Trung tâm Tư vấn, dịch vụ môi trường, biển và hải đảo. Đối với số lượng nhân sự, trước mắt đề nghị số lượng nhân sự khoảng 100 người để phù hợp với số lượng nhân sự hiện có của 2 viện cũng như cần có lộ trình thực hiện phù hợp với 150 người làm việc vào năm 2025.
-Vâng, trân trọng cảm ơn Viện trưởng!