(Tin Môi Trường) - Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các nhà khoa học trên thế giới vẫn có nhiều phát hiện thú vị về thế giới tự nhiên mà chúng ta có thể đã bỏ lỡ trong một năm đầy biến động như năm 2021.
Dưới đây là những phát hiện ấn tượng về thế giới tự nhiên trong năm 2021 do tạp chí National Geographic bình chọn.
Loài bò sát nhỏ nhất thế giới
Tháng 2-2021, Đài CNN đưa tin tắc kè hoa Madagascar Brookesia nana, đến từ các khu rừng nhiệt đới phía bắc Madagascar, được xác định là loài bò sát nhỏ nhất thế giới. Chúng chỉ dài khoảng 13,5mm, và nằm gọn trên đầu ngón tay người.
Tuy được tìm thấy trong khu vực được bảo vệ, nhưng do tác động tiêu cực từ nạn phá rừng và phạm vi cư trú quá nhỏ hẹp, nhiều nhà nghiên cứu lo ngại loài tắc kè hoa Brookesia đặc hữu đang rơi vào nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Tắc kè hoa Madagascar Brookesia nana, sinh sống ở phía bắc Madagascar, hiện được ghi nhận là loài bò sát nhỏ nhất trên trái đất - Ảnh: FRANK GLAW
Nhân bản vô tính chồn sương chân đen
Tháng 3-2021, các nhà khoa học Mỹ đã nhân bản thành công chồn sương chân đen nguy cấp từ tế bào được bảo quản đông lạnh của một con khác đã chết hơn 30 năm trước.
Cá thể chồn con có tên là Elizabeth Ann và đang được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi chồn sương chân đen của Dịch vụ cá và động vật hoang dã ở Fort Collins, Colorado, Mỹ.
Thành tựu này được tạp chí National Geographic mô tả là “bước đột phá lớn” trong công tác bảo tồn loài chồn bản xứ duy nhất ở Bắc Mỹ.
Con chồn sương chân đen Elizabeth Ann được ba tuần tuổi, hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo tồn chồn sương chân đen quốc gia - Ảnh: REVIVE & RESTORE
Nhà của gần 500 loài ong trên thế giới
Tháng 4-2021, một công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Hymenoptera Research đã phát hiện 497 loài ong khác nhau cùng sinh sống trong khu vực 15km2 tại thung lũng San Bernardino, nằm giữa Arizona và Mexico, phía tây nam nước Mỹ.
Thung lũng này hiện đang được ghi nhận là nơi có mật độ đa dạng loài ong cao nhất trên thế giới. Phát hiện thú vị trên cho thấy công tác bảo tồn thung lũng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đàn ong Svastra Duplocincta nghỉ ngơi qua đêm trên một cành cây - Ảnh: BRUCE D TAUBERT
Trinh sản ở loài chim hiếm
Tháng 10-2021, giới nghiên cứu bất ngờ phát hiện hiện tượng trinh sản ở thần ưng California. Được biết, nạn đầu độc, săn bắt trái phép và các hoạt động tàn phá môi trường sống đã đẩy loài chim này đến bờ vực tuyệt chủng vào giữa thế kỷ 20. Toàn bộ quần thể loài chim này giảm xuống còn 22 con vào năm 1982.
Sau nỗ lực nhân giống nuôi nhốt suốt nhiều thập kỷ, năm 2021 ghi nhận số lượng thần ưng California trong tự nhiên hiện tăng lên đến hơn 500 con.
Trinh sản có thể được xem như giải pháp bảo vệ các loài quý hiếm khi các cặp sinh sản hạn chế về số lượng, nhưng về cơ bản, đây vẫn là một dạng giao phối cận huyết có khả năng gây ra nhiều bất lợi cho loài.
Sau nỗ lực nhân giống nuôi nhốt suốt nhiều thập kỷ, năm 2021 ghi nhận số lượng thần ưng California trong tự nhiên đã tăng trở lại - Ảnh: MINDEN PICTURES
Voi tiến hóa mất ngà
Các nhà nghiên cứu phát hiện sau giai đoạn nội chiến và săn trộm với quy mô nghiêm trọng ở Mozambique, nhiều quần thể voi ở quốc gia này đang có xu hướng không mọc ngà để thoát khỏi lưỡi cưa tàn ác của con người.
Công trình nghiên cứu do tạp chí Science công bố vào tháng 10-2021 cho thấy các loài voi châu Phi đã có phát sinh đột biến tại hai gene mang nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của ngà.
Xu hướng tiến hóa không mọc ngà có thể bảo vệ các cá thể voi khỏi những kẻ săn trộm, nhưng lại tiềm ẩn nhiều hậu quả lâu dài cho quần thể và có khả năng tác động tiêu cực đến toàn bộ mạng lưới thực vật và động vật ở đồng cỏ châu Phi.
Đàn voi không ngà trong công viên quốc gia Gorongosa (Mozambique) - Ảnh: JEN GUYTON
Ngựa và lừa đào “giếng” lấy nước trên sa mạc
Khảo sát nhiều địa điểm trên sa mạc Sonoran trải dài qua bang Arizona và California, Mỹ, nghiên cứu đăng trên tạp chí Science vào tháng 4-2021 cho biết lừa và ngựa thường dùng chân trước đào các hố sâu gần 2m tới mạch nước ngầm trên sa mạc.
Các “giếng” nước này trở nên đặc biệt quan trọng vào những thời điểm khô hạn và nắng nóng trong năm vì chúng là nguồn nước sẵn có duy nhất cho nhiều loài động vật hoang dã khác như chim, gấu…
Theo nhà nghiên cứu Erick Lundgren tại ĐH Aarhus (Đan Mạch), hành vi này phù hợp với tập tính chủ động thay đổi môi trường sống của động vật hoang dã.
Với tập tính chủ động thay đổi môi trường sống, ngựa và lừa thường tự đào "giếng" lấy nước trên sa mạc - Ảnh: HORSE TALK
Loài sên biển tự “rụng" đầu khỏi cơ thể
Tháng 3-2021, nhóm các nhà khoa học Nhật đã phát hiện hai loài sên biển có khả năng tự mọc lại toàn bộ cơ thể, bao gồm cả tim, sau khi chủ động "rụng" thân thể và sống với mỗi phần đầu.
Sau khi tự "rụng" phần thân, hai loài sên biển này sẽ ăn một loại tảo giúp chúng có khả năng quang hợp và hô hấp tương tự thực vật trong khoảng 10 ngày. Nhờ đó, các cá thể sên biển trưởng thành dài đến 15cm có thể tiếp tục sống mà không cần máu và dưỡng chất.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu khả năng ứng dụng cơ chế tái tạo cơ thể đặc biệt của loài sên biển này vào điều trị cho người bệnh.
Loài sên biển này có khả năng tái tạo cơ thể mới sau khi tự "rụng" đầu, một đặc điểm hiếm gặp trong giới động vật - Ảnh: NATIONAL GEPGRAPHIC
Loài kiến có khả năng tăng, giảm kích thước não
Tháng 4-2021, các nhà khoa học tại ĐH Y khoa New York và ĐH Arizona phát hiện khi kiến chúa chết, thay vì tan đàn như những loài kiến khác, các cá thể thuộc đàn kiến nhảy Ấn Độ có khả năng chủ động giảm kích thước não để giành ghế thủ lĩnh tạm thời và tiếp tục duy trì đàn kiến.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sau khi “nhậm chức”, khối lượng não của kiến chúa giảm đi 19% so với những cá thể khác trong đàn vì nhiệm vụ hằng ngày của chúng không đòi hỏi quá trình xử lý nhận thức cao.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng tám tuần, não bộ của những con kiến chúa “lâm thời" sẽ trở lại kích thước ban đầu. Giới khoa học dự đoán đây là loài côn trùng đầu tiên có khả năng tăng, giảm kích thước não có chủ đích.
Loài kiến nhảy Ấn Độ có thể tăng, giảm kích thước não có chủ đích - Ảnh: NATIONAL GEPGRAPHIC