(Tin Môi Trường) - Đại công trường với hàng chục phương tiện san ủi, cạo trọc đồi Hòn Rơm, dù chủ đầu tư đã bị xử phạt trước đó do chưa có phép.
Gần đây, người dân địa phương và du khách đến Mũi Né ngỡ ngàng khi nhìn thấy cả ngọn đồi Hòn Rơm bị ủi trọc, lòi đất đá lởm chởm, so với tháng 5/2020, thời điểm chưa bị Công ty cổ phần Thiên Hải tác động để làm dự án khu biệt thự cao cấp.
Hòn Rơm vốn là ngọn núi nhỏ nhô ra biển ở làng chài Long Sơn, phường Mũi Né, có thảm thực vật và loài cỏ ống đặc trưng, ngả vàng vào mùa khô như một đống rơm khổng lồ khi nhìn từ ngoài khơi vào. Nơi đây được nhiều du khách biết đến sau khi Mũi Né là nơi quan sát rõ nhất hiện tượng nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995.
Mỗi ngày, tại đây có hơn chục phương tiện cơ giới đào bới từ sáng sớm đến chiều. Từ xa, có thể trông thấy thảm thực vật trên đồi đã bị ủi trọc. Khu vực đồi nhô ra gần biển bị hạ cốt lõm sâu 3-5 m. Hiện trường cho thấy, một khối lượng lớn đất đá đã bị đào múc, dời đi nơi khác.
Tiếng xe xúc va vào đá nghe lộc cộc, lẻng kẻng. Mặt đồi bị đào bới theo từng khoảnh từ dưới chân lên tới đỉnh nham nhở.
Phía chân đồi gần đường Mũi Né – Hòa Thắng, một đống đất đá khổng lồ đã được tập kết từ nhiều ngày qua, chưa rõ sẽ được chở đi nơi khác hay trữ tại chỗ để san lấp mặt bằng.
Xe ben chở đá cục lớn từ trên đồi xuống đổ trong khu vực đang thi công đường nội bộ với các hàng trụ điện đã được trồng lên kiên cố.
Một công nhân đang đứng giữa khu vực bị san ủi, cầm một thiết bị kính ngắm, đo đạc các vị trí trên đồi Hòn Rơm, sáng 16/12.
Trong khi đó, trên đồi, những chiếc xe múc vẫn tiếp tục làm việc, dồn đất đá thành từng đống nhỏ, chờ vận chuyển đến vị trí khác.
Xung quanh Hòn Rơm là làng chài Long Sơn, người dân sống bằng nghề đánh bắt cá gần bờ. Họ cho biết đã thấy công trình thi công gần cả năm nay.
Dự án Khu biệt thự cao cấp và du lịch – nghỉ dưỡng đồi Hòn Rơm (Hon Rom Hills) rộng hơn 85 ha, do Công ty cổ phần Thiên Hải làm chủ đầu tư với tổng vốn 500 tỷ đồng, được UBND Bình Thuận cấp chủ trương đầu tư từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Dự án được rào chắn kín mít, không ai được phép ra vào, ngoại trừ người của công ty và công nhân xây dựng.
Ông Đỗ Văn Thái, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết, các hoạt động triển khai xây dựng tại đây hoàn toàn trái phép. Hồi tháng 5, chủ đầu tư đã bị xử phạt 300 triệu đồng và đình chỉ hoạt động triển khai xây dựng trong vòng 6 tháng do dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mới đây, ngày 18/11, chủ đầu tư tiếp tục bị Thanh tra Sở Xây dựng Bình Thuận 50 triệu đồng do thi công 24 khối trụ móng trên Hòn Rơm khi chưa có giấy phép xây dựng.
Bị xử phạt và buộc đình chỉ hoạt động, nhưng đến tháng 12, chủ đầu tư vẫn bất chấp, tiếp tục cho san ủi, phá núi. "Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường", ông Đỗ Văn Thái, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết.
Bảng cảnh báo nguy hiểm màu đỏ được đặt trước cổng công trường cho thấy khu vực này có tiến hành nổ mìn phá đá trong hai khung giờ: sáng (11h-12h30) và chiều (16h30-17h30).
Hòn Rơm nhìn trên Google maps hiện nay và 10 năm trước.
Trước tình trạng dự án tiếp tục thi công, lãnh đạo UBND Bình Thuận cho biết sẽ chỉ đạo sở ngành, địa phương kiểm tra để có hướng xử lý.