Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nói 'không' với thịt chó, mèo: Hội An lên tiếng, cả nước sẽ trả lời?

(16:15:58 PM 15/12/2021)
(Tin Môi Trường) - Thành phố du lịch Hội An đã tiên phong có hành động nhằm chấm dứt nạn buôn bán, tiêu thụ thịt chó mèo. Hội An đã lên tiếng, nếu mọi người cùng chung câu 'trả lời' thì có thể chấm dứt một vấn nạn đau lòng.

 

Nói 'không' với thịt chó, mèo: Hội An lên tiếng, cả nước sẽ trả lời?

Chó là con vật gần gũi với người - Ảnh: LÊ TRUNG
 
Nhà tôi hơn 10 năm nay đã không còn nuôi mèo bởi nuôi chỉ thêm tội nghiệp vì chắc chắn sẽ bị mất.
 
Trộm chó mèo hoành hành khắp nơi
 
Đâu đó bên ngoài thường có bẫy giăng sẵn vào ban đêm bẫy "tiểu hổ" để phục vụ cho thực khách thích món lạ. Hàng rào nhà có thể ngăn chó không đi ra ngoài, chứ với mèo thì bó tay. 
 
Gia đình anh tôi có nuôi hai con mèo để bắt chuột, ba tháng trước mất một con, nay mất thêm con còn lại. Trẻ nhỏ mất thú cưng bầu bạn, còn gia đình phải lo lắng vì chuột cắn phá máy móc...
 
Việc trộm cắp chó mèo diễn ra dai dẳng lâu nay. Một chút lơ là là mất ngay. Bi hài khi ngày xưa nuôi chó để giữ nhà, nay người ta lại phải giữ chó bên trong sân nhà có rào. Có những vụ kẻ trộm rất táo tợn đột nhập vào sân nhà chủ vào ban đêm để bắt trộm chó.
 
Tại huyện Chợ Mới (An Giang) quê tôi hồi đầu năm 2021, một nam sinh viên 19 tuổi (ngụ xã Long Điền B), từ Cần Thơ về quê ăn Tết cùng gia đình đã cùng cha truy đuổi 2 kẻ trộm chó nhà mình và bị kẻ trộm hung hãn dùng nỏ tự chế bắn tên trúng ngay cổ. Thật may mắn ca phẫu thuật suốt 3 giờ đã lấy ra mũi tên an toàn, giữ được tính mạng. 
 
Đâu chỉ ở nông thôn heo hút, cũng vào đầu năm nay, trong lúc phát hiện hai thanh niên có biểu hiện nghi vấn trộm chó, anh H. (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) bị xịt hơi cay và bị bắn nỏ điện tự chế vào người...
 
Đi đến đâu người ta cũng có thể dễ dàng nghe câu chuyện về nạn trộm chó và những việc đau lòng do hậu quả của việc trộm này. Có những vụ người trộm chó bị đánh thừa sống thiếu chết, thậm chí thiệt mạng vì bị dân làng không kiềm chế đánh chết. 
 
Người đánh chết người vì một con vật. Nỗi bức xúc tích tụ lâu ngày và nạn trộm chó vẫn còn ngang nhiên hoành hành.
 
Nên ủng hộ một việc làm văn minh
 
Khuyến cáo không "tiêu thụ" thịt chó, mèo là chuyện nên làm từ lâu. Bên cạnh khuyến cáo về sức khỏe, chúng còn là những con vật thông minh, giàu cảm xúc, sống bên cạnh, gần gũi với con người nhất so với các con vật. 
 
Nhà tôi nuôi chó nhiều nên không bao giờ nghĩ tới món thịt nghe đồn ngon, bổ. Còn người ăn thịt chó, mèo thì sẽ còn nạn trộm và sẽ còn những chuyện đau lòng với chính con người với con người.
 
Một số nước phát triển từ lâu, và nay ở nước ta, đã có luật về ngăn chặn ngược đãi thú vật, về cái chết nhân đạo (giảm bớt đau đớn cho vật nuôi khi chết bằng việc làm ngất xỉu, làm chết nhanh...) nhằm thể hiện sự nhân văn. Còn loài chó hay mèo từ lâu chỉ luôn là vật nuôi, thú cưng trong gia đình, thậm chí là "bạn" của người, ăn thịt chó thành chuyện kỳ quặc và lạc hậu trong mắt nhiều người.
 
Đời sống cải thiện hơn trước nhiều rồi, không thiếu thực phẩm, sao cứ phải ăn thịt con vật không đáng ăn thịt? Chính lối suy nghĩ muốn thử món độc, lạ, động vật gì cũng muốn nếm thử khiến một số động vật bị tôn lên hàng đặc sản, bị giết thịt phục vụ nhu cầu thể hiện sành ăn.
 
Hội An hôm nay lên tiếng, cả nước có sẽ trả lời? Hy vọng sẽ nhận được phản hồi tích cực. Cần ủng hộ quyết định văn minh bằng một việc làm văn minh, không tiêu thụ thịt chó mèo.
 
Văn hóa, lối sống văn minh phải biến chuyển phù hợp với thời đại, hướng đến giá trị nhân văn của nhân loại. Tập thói quen dần dần "quên", rồi đến lúc bỏ hẳn việc giết, ăn thịt chó, mèo làm thực phẩm là việc nên được mọi người ủng hộ.
 
Hội An hôm nay lên tiếng, cả nước có sẽ trả lời? Hy vọng sẽ nhận được phản hồi tích cực. Cần ủng hộ quyết định văn minh bằng một việc làm văn minh, không tiêu thụ thịt chó mèo.
 
Văn hóa, lối sống văn minh phải biến chuyển phù hợp với thời đại, hướng đến giá trị nhân văn của nhân loại. Tập thói quen dần dần "quên", rồi đến lúc bỏ hẳn việc giết, ăn thịt chó, mèo làm thực phẩm là việc nên được mọi người ủng hộ.
Cần phạt nặng người giết mổ chó mèo
 
Pháp luật cần quy định rõ thế nào là hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi? Đánh đập là vi phạm, giết thịt có bị xem là vi phạm không? Mức phạt thế nào?
 
Tháng 4-2021, Chính phủ ban hành nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định hành vi bạc đãi vật nuôi sẽ bị phạt tiền lên đến 3.000.000 đồng. Đối với các tổ chức có hành vi vi phạm tương tự, mức phạt có thể tăng gấp đôi. Mức phạt khi có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn chó mèo cũng chính thức được áp dụng.
 
Tuy nhiên, việc giết mổ chó mèo rồi bày bán tràn lan mà không bị xử lý thì "lệch pha" vô cùng! Không có quy định nào cấm ăn, cấm bán thịt chó mèo nên người nào thích vẫn có thể mua, người nào muốn kinh doanh tiếp vẫn có thể giết để bán.
 
Nhiều người đã từ bỏ thói quen, sở thích ăn thịt chó mèo và coi chúng là thú cưng. Giảm giết mổ chó mèo, không tiếp tay cho nạn trộm chó mèo chắc chắn sẽ thay đổi những thói quen ăn thịt những vật nuôi này.
 
Theo ước tính từ Tổ chức Human Society International, trên toàn châu Á, mỗi năm có 30 triệu con chó bị giết lấy thịt, trong đó Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10 triệu con, Việt Nam 5 triệu con, Hàn Quốc 2 triệu con.
 
Theo Ian Cooks, bác sĩ và người chỉ huy Chương trình nghiên cứu trầm cảm và lâm sàng ở Đại học UCLA, Mỹ: "Tiếng của mèo hoặc cái vẫy đuôi của chó có thể giúp cơn trầm cảm của bạn khá hơn. Thú cưng thường mang tình yêu vô điều kiện và điều này có thể rất có ích cho tâm lý người mắc trầm cảm".
 
Theo ông, nhiều nghiên cứu cho thấy động vật có thể giúp con người giảm căng thẳng và cải thiện khí sắc khi dành thời gian bên chúng.
 
Tình yêu dành cho loài động vật này ở nhiều nước phát triển và có trình độ dân trí cao trên thế giới như Mỹ, Nhật, Úc, Đức... dường như đã được nuôi dưỡng từ rất lâu và trở thành tự nhiên như thể họ chào đón một thành viên mới trong gia đình.
 
Những nơi đó, người ta không ăn thịt chó mèo và có luật bảo vệ khi có người đánh đập, làm tổn hại đến quyền được sống của chúng. Ở các nước châu Á, người ta cũng đã dần xem chó mèo là bạn, là thú cưng.
 
Chỉ còn rất ít quốc gia chấp nhận tình trạng buôn bán thịt chó mèo trên thế giới. Ở châu Á, Hong Kong, Philippines, Đài Loan, Singapore, Thái Lan có lệnh cấm tiêu thụ thịt chó từ nhiều năm trước.

DƯ VĂN
Khôi Nguyên