(Tin Môi Trường) - Dự án thi công không đặt biển cảnh báo an toàn, không có hàng rào che chắn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, môi trường bị ô nhiễm...". Đó là những bức xúc mà người dân sinh sống tại Thôn 1- Thôn 2, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội phản ánh đến Tòa soạn Tin Môi Trường về Dự án Nâng cấp cải tạo đường khoanh vùng Tân Xa, xã Vạn Phúc.
\Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới giao thông huyện Thanh Trì, ngày 26/11/2020, UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật Công trình Nâng cấp cải tạo đường khoanh vùng Tân Xa, xã Vạn Phúc. Với tổng kinh phí là 14.986.000.000 từ nguồn ngân sách huyện. Đơn vị thi công dự án là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Biển Xanh.
Công trường không có xe tưới nước dập bụi
Việc nâng cấp tuyến đường vùng Tân Xa, xã Vạn Phúc là một trong những việc làm hết sức cấp thiết, được người dân kỳ vọng sẽ có một con đường mới rộng rãi, sạch đẹp, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế việc thi công nâng cấp tuyến đường đã và đang tồn tại nhiều bất cập khiến người dân không khỏi lo lắng, bức xúc.
Tìm hiểu thực tế trên tuyến đường này vào ngày 10,11,12/12/2021, phóng viên nhận thấy đến thời điểm hiện nay, dự án vẫn đang thi công phần đắp nền đường. Tại công trường có 1 xe ủi và 1 xe lu đang thi công. Đặc biệt, mặt đường lổm nhổm đất đá. Mỗi khi phương tiện giao thông của người dân đi qua, bụi từ mặt đường bay mù mịt, ảnh hưởng tầm quan sát của người điều khiển phương tiện.
Ở ven đường có rất nhiều miệng cống từ các ngã 3 khu dân cư, đấu nối ra tuyến đường đang thi công. Cống có đường kính khoảng 1,2m, ngập nước sâu nhưng lại không có nắp đậy, không có rào chắn an toàn. Đáng lo ngại hơn, hàng ngày, có rất nhiều các em nhỏ ra đây tụ tập vui chơi. Nếu không may các em ngã xuống những miệng cống này thì thực sự nguy hiểm đến tính mạng.
Các cháu nhỏ chừng 3 - 4 tuổi vui đùa trước miếng cống
Một phụ huynh ở Thôn 1, xã Vạn Phúc bức xúc chia sẻ: "Đây là khu vực đông dân cư, có rất nhiều trẻ con. Dịch Covid-19 các cháu không đi học nên chỉ ở nhà. Hàng ngày, bố mẹ đi làm các cháu tự chơi nên rất nguy hiểm. Tôi cũng có con nhỏ 3 tuổi, đang tuổi hiếu kỳ, thích nô đùa cùng các bạn, nhà lại cạnh miệng cống, nước sâu nên lo lắm".
Học sinh vui chơi tại công trường trong khi huyện Thanh Trì chưa cho các cháu Học sinh tiểu học trở lại trường
Từ ngày thực hiện dự án khiến việc đi lại của người dân còn khó khăn hơn trước. Bởi đường đang trong quá trình thi công, mù mịt khói bụi. Hàng ngày không có xe tưới nước dập bụi. Người dân chỉ biết đóng kín cửa, để hạn chế bụi bay vào nhà... Việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân ven đường cũng gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, một số vị trí đào cống thoát nước, đơn vị thi công không đặt biển cảnh báo an toàn, dây phản quang, còi hú... Không có biển hướng dẫn đầy đủ khiến nhiều người đi qua tuyến đường này không có sự cảnh giác, nhất là vào ban đêm gây tiềm ẩn tai nạn giao thông rất lớn.
Chia sẻ nỗi lo lắng này, một người dân cho biết: “Chúng tôi chỉ mong công trình sớm hoàn thành để việc đi lại của người dân nơi đây được thuận lợi, an toàn".
Người dân xã Vạn Phúc đo độ sâu của nước cống
Theo quan sát của PV, trong suốt quá trình thi công, không hề có tư vấn giám sát. một cán bộ kỹ thuật tại công trường cho biết, tư vấn giám sát thỉnh thoảng mới đến. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến dự án thi công ẩu, đơn vị thi công coi thường pháp luật. Một số vị trí đắp đất nền không đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn A, người dân sinh sống tại xã Vạn Phúc bức xúc cho biết: "Đất đắp nền đường không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Toàn là đất kém chất lượng, đất lẫn cả đá, vữa, gạch, áo mưa, túi bóng, củi cây... Thế mà họ vẫn cho lu lèn, tư vấn giám sát để làm gì".
Đất đắp nền đường bao gồm túi bóng, áo mưa, rác thải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và tuổi thọ công trình
Trao đổi về vấn đề này, ông Chử Mạnh Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì cho biết, ngày 11/3/2021. Xã đã thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng do ông Phạm Văn Dũng – TT UBMTTQ xã làm Trưởng ban. Ban giám sát chịu trách nhiệm giám sát thi công, nghiệm thu công trình, thanh toán , quyết toán đúng thủ tục và các quy định hiện hành của nhà nước về đầu tư xây dựng, luật đầu tư công, nghị định 84/2015/NĐ-CP.
Trả lời về việc xã có nhận được phản ánh của người dân hay không ông Thắng cho biết có nhận được ý kiến của người dân về dự án, tuy nhiên chủ yếu người dân phản ánh đường chỗ to chỗ bé.
Điều này càng khiến dư luận băn khoăn, một tuyến đường được đầu tư với nguồn vốn ngân sách lớn, đang được thi công nhưng đã bộc lộ dấu hiệu kém chất lượng, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống của người dân. Phải chăng do Ban giám sát cộng đồng của xã đã lơ là quản lý, bỏ mặc chất lượng công trình cho đơn vị thi công ?
Trước những tồn tại của dự án, kính đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì và các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ các sai phạm và giám sát chặt chẽ các hoạt động thi công.