(Tin Môi Trường) - 8 người chết đuối, 58.000 ngôi nhà bị ngập, nhiều công trình và hạ tầng hư hỏng nghiêm trọng, thiệt hại sơ bộ hơn 370 tỉ đồng là những hậu quả ban đầu của trận lũ lớn hôm 30-11 tại Phú Yên.
Ảnh: Ngã Ba Quán Cây Xoài Xã Phước Thuận
Tại cuộc họp chỉ đạo công tác khắc phục lũ lụt do Thủ tướng điều hành chiều 5-12, ý kiến nhiều đại biểu đều cho rằng nguyên nhân trận lũ này là do mưa thượng nguồn sông Ba đặc biệt lớn khiến các hồ thủy lợi, thủy điện trên bậc thang sông Ba xả lũ dồn dập làm cho nhiều vùng ở hạ du ngập nặng.
Những nguyên nhân đó, tiếc thay, không có gì mới so với những cuộc họp rút kinh nghiệm phòng chống mưa lũ ở sông Ba trong nhiều năm qua.
Câu hỏi đặt ra là tại sao trận lũ nào cũng chỉ bấy nhiêu nguyên nhân ấy mà hết năm này sang năm khác vẫn cứ lặp lại và đáng nói hơn, trận lũ hôm 30-11 còn khốc liệt ở chỗ tốc độ của lũ quá lớn, quá nguy hiểm như vậy?
Trong cuộc họp nêu trên, lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nêu rõ công tác dự báo mưa lũ có độ "vênh" lớn so với thực tế.
Nghe báo cáo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành bức xúc: "Tôi thấy dự báo chưa đạt yêu cầu. Dự báo lũ 1m thì lên 2,5m, dự báo tổng lượng mưa 500mm thì lên 700 - 800mm. Dự báo mà không chính xác thì làm sao ứng phó kịp!".
Thủy điện xả lũ gây ngập lụt hạ du sông Ba đã diễn ra từ nhiều năm trước, Chính phủ nhìn thấy nên năm 2018 đã ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Ba thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên để đảm bảo an toàn hồ đập mà vẫn cắt giảm lũ cho hạ du.
Nhưng trận lũ vừa rồi cho thấy có quy trình mà không có sự tuân thủ, không phối hợp nhịp nhàng nên lũ dữ vẫn nhấn chìm hạ du.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - nhận định quy trình này nghiêng về bảo vệ hồ đập hơn là cắt giảm lũ cho hạ du.
Quy trình trên cũng quy định trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai khi phát lệnh vận hành xả lũ hồ phải báo cho người đồng cấp tại Phú Yên biết để chủ động chỉ đạo phương án ứng phó bên dưới nhưng việc này lâu nay Gia Lai không thực hiện, khiến lãnh đạo Phú Yên bị động trong việc chỉ đạo vận hành các hồ chứa bên dưới.
Để giải quyết câu chuyện xả lũ gây ngập nặng hạ du, cùng với giải pháp lâu dài là nghiên cứu đề án phòng chống lũ miền Trung, những giải pháp trước mắt như số hóa bản đồ ngập lụt lưu vực các sông để cảnh báo cho chính quyền và người dân; lắp nhiều cảm biến tự động để lãnh đạo các tỉnh trên cùng một lưu vực có thể biết được hồ nào đang xả lũ, lưu lượng bao nhiêu, mức độ ngập thế nào… mà đưa ra chỉ đạo ứng phó hiệu quả nhất; tham mưu xây dựng lại quy trình vận hành liên hồ lưu vực một số con sông ở miền Trung và nâng cao chất lượng dự báo thiên tai tiệm cận ở mức chính xác nhất.
Nguyên nhân đã rõ, giải pháp đã có nhưng thực hiện thế nào cho đúng, cho nghiêm mới là câu chuyện đáng quan tâm.
Cùng với đó phải quy định rõ mức độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm, không để người dân vùng hạ du cứ phải sống trong sợ hãi, canh cánh tư thế chạy thoát thân mỗi khi nghe mưa lớn, thủy điện xả lũ!