Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kinh tế học của khí hậu

(18:45:49 PM 22/11/2021)
(Tin Môi Trường) - Nếu có tác nhân đơn lẻ nào ảnh hưởng lớn nhất lên việc định hình các nền kinh tế, thì đó chính là năng lượng.

Cách nơi diễn ra Hội nghị toàn cầu về khí hậu COP26 ở Glasgow tuần trước chỉ chừng 60 cây số, trên đảo Bute, có một trong những nhà máy dệt sợi bông đầu tiên của Anh, bắt đầu hoạt động từ năm 1779, sử dụng sức nước của hồ Fad để chạy các máy xe sợi sẽ làm thay đổi bộ mặt nước Anh và cả thế giới. 

 
Nhưng dòng nước không ổn định và không đủ lực. Tới năm 1800, nhà máy này chạy bằng động cơ hơi nước theo thiết kế của James Watt. Nhưng việc chở than ra đảo rất đắt đỏ và nhọc nhằn. 
 
Một kỹ sư tên là Robert Thom đã xoay chuyển tình thế khi vào những năm 1810, ông tăng sức nước bằng cách xây một đập kèm cống xả gần đó. Sức nước tăng gấp đôi, vì thế người ta không cần các động cơ hơi nước nữa.
Kinh tế học của khí hậu
Ảnh: Vox

Lược sử nhiên liệu hóa thạch
 
Cho tới giờ khắp thế giới, phiên bản sách giáo khoa về cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên đều nói là do động cơ hơi nước dẫn đầu. Vào cuối thế kỷ 19 thì điều đó đúng. 
 
Nhưng riêng động cơ hơi nước không thể giải thích cho việc sử dụng than đá thống trị toàn cầu vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. (Ở Việt Nam, than đá đã được khai thác với quy mô đáng kể từ thời Minh Mạng, vào khoảng năm 1840, nhưng chỉ thực sự trở thành một ngành công nghiệp sau khi người Pháp xuất hiện, vào cuối thế kỷ 19).
 
Nhiều sử gia đã tìm hiểu kỹ để dựng lại lịch sử này, bao gồm Andreas Malm ở Đại học Lund, Thụy Điển, với cuốn Tư bản hóa thạch (Fossil Capital, 2015). Theo Malm, tới tận những năm 1830, hoạt động công nghiệp vẫn chưa khai thác quá 10% thủy năng có sẵn ở vùng miền trung Anh. 
 
Dù các động cơ chạy sức nước là công nghệ cũ, chúng rõ ràng “thân thiện với môi trường” và có thể cải tiến không mấy khó khăn, như kỹ sư Thom đã chứng minh. Nhưng không như động cơ hơi nước (chạy bằng than đá), chúng chưa bao giờ thực sự bùng nổ.
 
Vấn đề là động cơ hơi nước có nhiều lợi thế trong mắt nhà đầu tư. Quan trọng nhất có lẽ là khả năng xây một nhà máy mới ngay cạnh nhà máy cũ ở những đô thị đã tồn tại ngành dệt may hoặc có nguồn than đá gần bên: lao động và nhiên liệu, thế là cỗ máy chạy thôi. 
 
Những đô thị công nghiệp lớn kiểu này cũng khuyến khích dòng chảy ý tưởng và kỹ năng. Những phát kiến của Watt, không giống của Thom, có thể áp dụng đại trà, cho mọi động cơ hơi nước.
 
Để rồi suốt thế kỷ 19, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi việc theo đuổi và ứng dụng một cách có hệ thống tri thức kỹ thuật với động cơ hơi nước là mô hình có tính hệ thức, lặp đi lặp lại. 
 
Có thể nói không ngoa rằng than đá đã tạo ra cách mạng công nghiệp, khi nó giúp “phổ cập hóa” các nhà máy, mang chúng đi khắp thế giới, để rồi khi tăng trưởng đòi hỏi ngày càng nhiều năng lượng hơn, các loại nhiên liệu hóa thạch khác, đáng chú ý nhất là dầu mỏ và khí đốt, cũng được đưa vào sử dụng.

Chủ nghĩa tư bản và khí hậu
 
Một số người, như Malm, nhìn thấy hàng thế kỷ đan cài chặt chẽ của nhiên liệu hóa thạch và hệ thống tư bản chủ nghĩa bắt đầu từ các nhà máy dệt ở Anh, tới mức không thể loại bỏ cái này mà giữ lại cái kia. 
 
Với họ, đó là một lựa chọn “hoặc là tư bản chủ nghĩa, hoặc là môi trường”, như lời nhà tranh đấu và tác giả Naomi Klein cho cuốn sách ăn khách của bà Điều này thay đổi tất cả: Chủ nghĩa tư bản đối đầu khí hậu (This Changes Everything: Capitalism vs. the Climate, 2014). 
 
Theo quan điểm này, lợi nhuận của ngành năng lượng hóa thạch không chỉ cản trở chính sách khí hậu phù hợp, mà còn là dấu hiệu cho sự bất lực có tính hệ thống của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
 
Nhưng đòi hỏi tăng trưởng vẫn là rất thật và rất chính đáng ở ít ra là 2/3 thế giới, bao gồm Việt Nam. 
 
Để phát triển mà vẫn giảm được sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - động cơ tăng trưởng duy nhất có tương lai thật sự - các nước nghèo sẽ cần công nghệ và những khoản đầu tư mới. Và để có điều đó, họ cần chủ nghĩa tư bản.
 
Thật ra, hầu hết các kinh tế gia lớn đều nhất trí về việc chấm dứt thời kỳ nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề là làm sao để tăng trưởng không gắn với việc làm tăng mức CO2.
 
Câu hỏi đó được tổng kết gọn ghẽ qua công thức của kinh tế gia năng lượng người Nhật Bản Yoichi Kaya: CO2 = dân số x (GDP đầu người) x (năng lượng / GDP) x (CO2 / năng lượng). 
 
Phát thải là sản phẩm của dân số tăng, GDP tăng, năng lượng tiêu tốn cho một đơn vị tăng GDP, và lượng phát khí thải cho lượng năng lượng đó.
 
Để giảm phát thải, ta sẽ phải giảm tối thiểu một trong bốn yếu tố trên. Hành động của cả các tổ chức tư nhân và nhà nước nhắm chủ yếu vào hai yếu tố sau: khí thải carbon trên một đơn vị năng lượng và năng lượng tiêu tốn cho một đơn vị GDP. 
 
Tình hình là một số người cho rằng đã tới lúc phải xem xét hai yếu tố đầu: dân số và GDP.
 
Lịch sử thế kỷ 20 cho thấy việc giảm dân số không khả thi cho lắm. Nên câu hỏi còn lại là GDP.

Cuộc tranh luận về tăng trưởng
 
Kể từ hiệp định khí hậu Paris 2015, thảo luận về giảm tốc độ tăng trưởng đã trở thành đề tài nóng trong giới chuyên môn. Thật dễ hiểu, nhiều người nhanh chóng chỉ ra đó là giải pháp có lợi cho các nước giàu, vốn đã no đủ và đằng nào cũng đang tăng trưởng chậm lại.
 
Đây trước hết là một vấn đề đạo đức. Một cá nhân có quyền tiết giảm mức sống của mình như họ muốn, nhưng không được áp đặt điều đó lên người khác. 
 
Với các quốc gia cũng vậy. Về mặt chính trị, điều này cũng khó lòng khả thi. Các chính phủ có thể và thực sự có lúc chủ ý tìm cách kìm hãm tăng trưởng (dù rất nhiều khi là do vô tình!), nhưng một chính sách công khai như vậy đồng nghĩa với tự sát về mặt chính trị.
 
Thêm nữa, thế giới không phải là những quốc gia sống tách biệt. Phần lớn sự thịnh vượng gia tăng ở các nước đang phát triển 20 năm qua, bao gồm Việt Nam, có động cơ không ít là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các nước giàu. 
 
Nghèo đói hơn khó có thể là cách để chống biến đổi khí hậu tốt hơn. Rốt cuộc, để giảm khí thải nhanh chóng, các nước nghèo sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ cho năng lượng tái tạo, mà tiền bạc chỉ có thể tới từ các nước giàu. 
 
Những nhà tư bản cũng sẽ đầu tư, nhưng họ sẽ chỉ chọn lọc các dự án nào mang lại lợi nhuận tốt và nhanh chóng.
 
Điều đó dẫn tới việc để đáp ứng mục tiêu về phát thải, các cách tân công nghệ tương lai, từ lưu trữ năng lượng, sưởi ấm, làm mát, công nghiệp chế tạo, canh tác nông nghiệp, vận hành máy móc, sản xuất đồ nhựa... đều cần những mục tiêu cụ thể và rộng hơn chỉ là chạy theo lợi nhuận. 
 
Tesla và ông chủ nhiều tranh cãi Elon Musk của nó có thể là một ví dụ: một công ty sản xuất xe điện và kiếm được tiền bằng cách chứng minh rằng nếu họ thành công, các hãng khác sẽ phải làm theo.
 
Một tương lai năng lượng không phát thải sẽ còn gây nhiều đảo lộn hơn bước tiến của than đá hai thế kỷ trước. Trong một thế giới “điện hóa”, những nguồn năng lượng sẽ trở nên giống nhau hàng loạt: phích cắm không cần biết ổ cắm lấy điện từ đâu. 
 
Một ví dụ khác nhắc lại thời than đá lan tràn: sự xuất hiện gần như đồng loạt của những cánh đồng điện gió và điện mặt trời trong khoảng 20 năm trở lại đây.
 
Vấn đề lớn của những loại năng lượng đó là nó gần với sản xuất nông nghiệp hơn là công nghiệp: điện năng thay đổi khi một đám mây lững lờ trôi ngang, một trận mưa đổ xuống, Trái đất chuyển từ ngày sang đêm, mùa gió thay đổi, và cũng tùy theo năm mà “được mùa” hay “mất mùa” điện. 
 
Câu hỏi là làm sao cân bằng được dòng chảy năng lượng đó, cũng như lưu trữ chúng tốt hơn. Như Robert Thom đã giải bài toán ở hồ Fad, ta cần cả khả năng lưu trữ (nước) và năng lực chi phối dòng chảy của nó. 
 
Những nguyên tắc vẫn vậy, chỉ có điều giờ chúng sẽ được áp dụng trên toàn cầu. Các lưới điện phải lớn hơn và thông minh hơn.
 
Tóm lại, năng lượng sạch không nhất thiết đồng nghĩa với việc tiêu diệt hệ thống tư bản chủ nghĩa và thủ tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều nhất trí rằng thời gian để tìm ra một giải pháp lý tưởng như vậy không còn nhiều. ■
 
CHIÊU VĂN
(Nguồn: TTCT)