Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bàn thờ Phật ngoài trời làm bằng hai tấm ván cửa. Phía sau là chùa tạm và đống gỗ thờ của chùa - Ảnh: V.Đ. |
Formosa là siêu dự án với mức đầu tư giai đoạn đầu hơn 7,8 tỉ USD, diện tích sử dụng trên 33 triệu m2, di dời hơn 3.000 hộ dân và đồng nghĩa hàng chục công trình kiến trúc tâm linh buộc phải giải tỏa. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Tĩnh đã tiến hành khảo sát thực địa về đền chùa, miếu mạo tại năm xã (Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh) của huyện Kỳ Anh nằm trong diện di dời và thống nhất với các sở ban ngành về năm ngôi đền, chùa ở xã Kỳ Phương cần được di dời, tu bổ, tôn tạo.
Đền, chùa tập kết trong kho
“Năm ngôi đền, chùa ở xã Kỳ Phương tương đối quy mô cần được bảo tồn và đầu tư xây dựng. Đây là một quần thể di tích được xây dựng thời Lê, thời Nguyễn liên quan đến các nhân vật lịch sử đã được khảo sát, nghiên cứu” - ông Nguyễn Trí Sơn, trưởng phòng quản lý di sản Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Tĩnh, cho biết.
Sau hơn một năm giải tỏa đền, chùa nhường đất cho dự án, về khu tái định cư xã Kỳ Phương, chúng tôi ngạc nhiên thấy các vật dụng, đồ thờ cúng tôn nghiêm của đền Quan Tấn, chùa Phúc Phương, đền thờ Lê Mạnh Công, đền Thành Hoàng, chùa Thần Đầu vẫn đặt trong những hội quán thôn hay nằm trong những ngôi nhà ngói thấp lè tè...
Mở cánh cửa hội quán thôn Nhân Hòa (xã Kỳ Phương), ông Lê Thế Phong - người trông coi ở đền Quan Tấn - chỉ tay về cuối hội quán đang đặt bàn thờ, bài vị tướng quân Lê Huy Tích (một vị quan cuối Lê - đầu Nguyễn) buồn rầu: “Dân đã lên khu tái định cư (dưới chân núi Hoành Sơn - PV) mà đền Quan Tấn vẫn chưa xây. Để hương khói, thờ tự, dân làng chúng tôi tạm rước tướng quân vào hội quán”.
Theo ông Phong, trước khi bị giải tỏa, đền Quan Tấn tọa lạc trên đồi đất cát khoảng 1.000m2. Đền có kết cấu ba gian nhà gỗ bằng lim và táu, được trang trí hoa văn rất đẹp, phía sau có thượng điện bêtông lợp ngói. Theo người dân, ngôi đền này rất thiêng, vì thế khi giải tỏa người dân không nỡ lòng leo lên đền tháo dỡ từng viên ngói, cạy từng khúc gỗ.
Nhìn ngôi nhà ngói lụp xụp nằm trên bãi đất trống hoác của thôn Hồng Hải (Kỳ Phương), ít ai ngờ bên trong đặt ba bức phù điêu bằng gỗ chạm hình Phật và những câu đối bằng chữ Hán được treo, giắt quanh mái ngói. Bên ngoài ngôi nhà, một đống gỗ nát đang nằm hong nắng.
Ông Hoàng Văn Hải, người trông coi chùa Phúc Phương, cho biết số gỗ này là của chùa Phúc Phương được giải tỏa từ năm 2010, rồi đưa về tập kết thành đống. Thấy chưa có chùa, người dân góp gạch ngói, ximăng xây thành một ngôi nhà tạm bợ hơn 10m2 để đến ngày rằm, mồng 1 có nơi thắp hương cúng Phật.
Trước khi tháo dỡ, kiến trúc chùa Phúc Phương là ba gian nhà gỗ lim chạm khắc tinh xảo, có tường xây bao quanh. Nhìn bức ảnh chụp lại chùa do ông Hải lưu giữ, chúng tôi nhận ra một ngôi chùa rất cổ kính, trang nghiêm với kết cấu còn nguyên vẹn.
Ngoài chùa Phúc Phương, thôn Hồng Hải còn có đền Thành Hoàng có quy mô lớn nhất huyện nay cũng biến thành đống gỗ nát, nằm trong nhà kho. Trải qua bao biến cố lịch sử, năm gian nhà gỗ bằng lim, táu vẫn vững chãi với đầy đủ bài vị, long kiệu. Đây là điểm tâm linh thu hút người dân trong vùng.
Ông Phùng Văn Hoàng - trưởng thôn Hồng Hải - tiếc nuối: “Chủ trương di dời đền là đúng. Nhưng ai ngờ người ta lại biến đền Thành Hoàng thành phế tích”.
Chậm trễ... vì giá đền bù
Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Phương Lê Văn Chương không khỏi chạnh lòng trước đống gỗ thờ, bài vị, long kiệu... của đền, chùa đang nằm trong kho, rồi phơi giữa mưa, nắng: “Khi chưa dời thì tỉnh và huyện bảo cứ dời lên tạm. Dời lên hơn một năm rồi mà di tích vẫn nằm ở mấy nhà kho chưa được xây dựng lại”.
Ông Hoàn Minh Lâm - cán bộ văn hóa xã Kỳ Phương - day dứt: “Có lẽ từ nay đền, chùa của làng chỉ ở trong ký ức mà thôi”.
Thừa nhận năm ngôi đền, chùa chưa được xếp hạng nhưng rất quy mô, có thần tích rõ ràng, ông Nguyễn Hoài Sơn - phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiêm chủ tịch hội đồng đền bù tái định cư giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh - cho rằng nguyên nhân của việc chậm trễ triển khai xây lại đền, chùa trên khu tái định cư xã Kỳ Phương để người dân bức xúc, đảng bộ địa phương cũng bức xúc là vì kinh phí đền bù chỉ hơn 1,1 tỉ đồng không đủ trang trải.
Trong khi đó, hồ sơ tư vấn về việc di dời tu bổ của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Tĩnh đề xuất trên 7 tỉ đồng nhưng UBND tỉnh không chấp nhận nên mới kéo dài đến ngày hôm nay. Việc này huyện Kỳ Anh đã đề xuất lên tỉnh Hà Tĩnh phải hỗ trợ giá, đồng thời chỉ đạo các sở ban ngành giúp địa phương thúc đẩy, sớm phục dựng năm di tích nói trên.
“Trước mắt, tỉnh thẩm định cho đầu tư xây dựng lại bốn di tích ở xã Kỳ Phương dựa trên bản thiết kế thu nhỏ của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh. Ngoài nguồn kinh phí bồi thường, tỉnh sẽ hỗ trợ 30%, huyện 20%, xã 10%. Nhưng quy mô xây dựng lại đền, chùa nhỏ hơn trước nhiều, khó giữ được kiến trúc cũ” - ông Sơn khẳng định.
Không thể dựng lại hồn di tích
Ông Nguyễn Hoài Sơn - phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiêm chủ tịch hội đồng đền bù tái định cư giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh - lấy làm tiếc trong khi “cấp tốc” giải phóng mặt bằng, Formosa đã không lưu lại những giá trị kiến trúc, văn hóa cổ, lâu đời quý giá của các đền, chùa nên “để bảo tồn, phục dựng nguyên trạng những di tích ở Kỳ Phương là quá khó, không làm được”.
Trong khi đó, ông Võ Hồng Hải, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Tĩnh, cho biết trong quá trình giải tỏa đền, chùa, sở đã cho người khảo sát thực địa, ghi chép các tài liệu, hiện vật và tham mưu cho tỉnh về việc xây dựng lại một số công trình di tích tâm linh của người dân.
“Về mặt quản lý di tích là của sở. Chậm trễ xây dựng, hoàn trả lại đền, chùa cho nhân dân là do chính quyền địa phương, nhưng sở cũng có phần trách nhiệm trong đó” - ông Hải nói. |