Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Voọc quần đùi trắng sinh cá thể đầu tiên tại di sản thế giới Tràng An

(10:26:37 AM 07/11/2021)
(Tin Môi Trường) - Sau hơn một năm sinh sống tại đảo Ngọc trong vùng di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình), mới đây gia đình voọc quần đùi trắng đã đón một thành viên mới nặng khoảng 300 gr.

Thông tin từ Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới) và Ban quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) cho biết, sau hơn một năm tái thả về khu đảo Ngọc, gia đình voọc mông trắng (còn gọi là voọc quần đùi trắng) đã sinh sản cá thể đầu tiên.

 

Voọc quần đùi trắng sinh cá thể đầu tiên tại di sản thế giới Tràng An 

Gia đình voọc mông trắng gồm cá thể bố mẹ và con mới sinh tại khu vực đảo Ngọc, trong Quần thể danh thắng Tràng An (Ảnh: Thái Bá).
 
Các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã cho hay, cá thể voọc mông trắng được sinh khoảng ngày 24/10 vừa qua. Cân nặng gần 300 gr. Cá thể voọc con này hiện chưa rõ được giới tính do nó được mẹ bao bọc rất kỹ.
 
"Để biết rõ chính xác giới tính của cá thể này phải chờ hơn một tháng nữa, khi con non tách khỏi mẹ để bắt đầu cuộc sống tự lập mới. Khi đó có thể phân định được giới tính của nó dễ dàng hơn", một nhân viên theo dõi chăm sóc gia đình voọc mông trắng tại di sản Tràng An cho hay.
 
Voọc quần đùi trắng sinh cá thể đầu tiên tại di sản thế giới Tràng An
Ông Tile Nadler nhiều năm sinh sống tại Việt Nam nghiên cứu, bảo tồn động vật hoang dã đã rất vui mừng khi gia đình voọc mông trắng ở di sản Tràng An đón thành viên mới (Ảnh: Thái Bá).
 
Theo ông Tilo Nadler (quốc tịch Đức) - chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã, cũng là chuyên gia Nhóm tái hòa nhập linh trưởng của liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, việc cá thể voọc mông trắng đầu tiên được sinh ra tại môi trường đảo Ngọc (Tràng An) là một tín hiệu đáng mừng.
 
"Các thể voọc con được sinh ra đã góp phần lớn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở khu du lịch sinh thái này (Tràng An), tạo cơ sở để khôi phục, thiết lập ở di sản này một quần thể mới về loài linh trưởng đặc hữu đã được liệt kê cực kỳ nguy cấp trong danh sách các loài bị đe dọa của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế" - ông Tilo Nadler cho hay.
 
Voọc quần đùi trắng sinh cá thể đầu tiên tại di sản thế giới Tràng An
Cá thể voọc con sinh khoảng ngày 24/10 vừa qua, nặng gần 300 gr, hiện nay chưa rõ giới tính đực hay cái do được cá thể mẹ bao bọc kỹ (Ảnh: Thái Bá).
 
Được biết, loài linh trưởng quý hiếm voọc mông trắng khi được 4 - 5 năm là đến tuổi trưởng thành và có thể cho sinh sản. Chúng có thời gian mang thai khoảng 6 tháng, mùa sinh sản tập trung vào mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 3, và chỉ đẻ một con.
 
Trước đó, vào ngày 27/8/2020, vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp với Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Việt) đã tổ chức chuyển giao và tái thả 3 cá thể voọc mông trắng về với tự nhiên tại khu Đảo Ngọc thuộc Quần thể danh thắng Tràng An.
 
Voọc quần đùi trắng sinh cá thể đầu tiên tại di sản thế giới Tràng An
Các cá thể voọc mông trắng được tái thả vào khu đảo Ngọc ở Tràng An tháng 8/2020 (Ảnh: Thái Bá).
 
Ông Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An chia sẻ, việc chuyển giao voọc mông trắng về quần thể danh thắng Tràng An có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, góp phần làm giàu các giá trị của di sản, đặc biệt là các giá trị về đa dạng sinh học…
 
Voọc mông trắng có tên gọi khoa học là Trachypithecus delacouri, là một loài linh trưởng cỡ lớn, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng. Chúng được xác định là loài đặc hữu của Việt Nam, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, xếp hạng rất nguy cấp.
 
Hiện nay, Voọc mông trắng chỉ còn tồn tại khoảng 300 cá thể ngoài tự nhiên và được phân bố chính tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long tỉnh Ninh Bình (khoảng 200 cá thể) và gần 100 cá thể ở vùng rừng thuộc tỉnh Hà Nam. Ngoài ra loài này còn phân bố tự nhiên rải rác với số lượng không đáng kể.
Thái Bá