Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Doanh nghiệp ”kêu trời” vì phải thu gom ô tô để tái chế, Bộ trưởng TN-MT nói gì?

(20:52:01 PM 22/10/2021)
(Tin Môi Trường) - Đối thoại với Bộ trưởng TN-MT, các doanh nghiệp "kêu trời" vì dự thảo quy định buộc họ phải thu gom ô tô, xe máy hết niên hạn để tái chế, góp phần bảo vệ môi trường.

Ngày 18.10, Bộ TN-MT có cuộc làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp về xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ Môi trường 2020.

 

Doanh nghiệp 'kêu trời' vì phải thu gom ô tô để tái chế, Bộ trưởng TN-MT nói gì?

Ông Lê Văn Vệ cho rằng, quy định cứng tỉ lệ thu gom, tái chế ô tô, xe máy là làm khó doanh nghiệp- LÊ QUÂN
 
Doanh nghiệp nói bị làm khó
 
Ông Lê Văn Vệ, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy, "kêu trời" bởi quy định doanh nghiệp phải có tỷ lệ thu gom, tái chế nhất định đối với sản phẩm như trong dự thảo Nghị định hướng dẫn luật Bảo vệ Môi trường 2020 đưa ra.
 
“Đặc thù của ô tô, xe máy là thời gian sử dụng dài. Đây lại là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng của công dân, được pháp luật bảo vệ chặt chẽ. Nhưng dự thảo đề xuất là nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu gom, tái chế với tỷ lệ bắt buộc. Như vậy là làm khó, vì không thể thu gom được nếu người tiêu dùng không có nhu cầu thải bỏ tài sản”, ông Vệ nói.
 
Cũng theo ông Vệ, quy định về tái chế sản phẩm ô tô, xe máy trước đây cũng đã được Bộ TN-MT nêu ra nhưng không khả thi vì một số lý do về không có quy định về niên hạn phương tiện cũng như trách nhiệm của người sử dụng. Tại sao trong dự thảo lần này lại tiếp tục đưa ra?
 
“Vấn đề thu gom, tái chế sản phẩm đối với ô tô, xe máy cũng có thể gây bất công, vì hiện nay có thực tế là một số nhà nhập khẩu ô tô, xe máy chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi dừng. Như vậy, trách nhiệm thu gom những phương tiện do các đơn vị này nhập về phân phối sẽ ra sao? Trong khi những nhà sản xuất, nhập khẩu hoạt động lâu dài thì buộc phải tuân thủ. Điều này gây ra sự bất công giữa các doanh nghiệp”, ông Vệ nói thêm.
 
Doanh nghiệp 'kêu trời' vì phải thu gom ô tô để tái chế, Bộ trưởng TN-MT nói gì?
Xe máy cũ nát tham giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí cần được xử lý -Vảnh: Ũ PHƯỢNG
 
Một ý kiến khác cũng nêu, trong một sản phẩm ô tô, xe máy khi được sản xuất, đưa ra thị trường tiêu thụ có hàng trăm, hàng nghìn bộ phận lắp ráp với nhau, đến từ nhiều đơn vị khác nhau.
 
Trong khi đó, nền tái chế ở nước ta chưa có công nghệ, trình độ phát triển để xử lý được toàn bộ các bộ phận của ô tô, xe máy. Đơn cử như ắc quy, việc tái chế không hề dễ dàng, phải đưa ra nước ngoài mới đủ trình độ tái chế. Như vậy, nếu đưa ra lộ trình tái chế thì đúng là làm khó cho doanh nghiệp, Bộ TN-MT cần cân nhắc.
 
Vị đại diện này đồng ý trách nhiệm bảo vệ môi trường nhưng ô tô, xe máy có đặc thù là tài sản, cần cân nhắc khi quy định cứng về trách nhiệm thu gom, tái chế. Vấn đề tái chế có thể thực hiện được ở mức độ nào đó, nhưng thu gom thì không dễ do thiếu cơ chế pháp luật. Đây là mấu chốt, mong được Bộ TN-MT xem xét lại và cần phải xem xét lại quy định về niên hạn sử dụng ô tô, xe máy.
 
Bộ trưởng TN-MT nói gì?
 
Trả lời các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, nhiều nước đã đẩy mạnh tái chế ô tô, xe máy và nước ta không thể nằm ngoài xu hướng. Vấn đề là tìm ra cách tốt nhất chứ không thể đứng ngoài xu hướng. Đây cũng là thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, vì cộng đồng của các doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp 'kêu trời' vì phải thu gom ô tô để tái chế, Bộ trưởng TN-MT nói gì?
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, không thu gom, tái chế ô tô, xe máy cũ là đi ngược với xu hướng thế giới, gây bất công đối với doanh nghiệp các lĩnh vực khác- ảnh LÊ QUÂN
 
Theo Bộ trưởng Hà, để tái chế thì trước hết phải thu gom được. Trong luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định lộ trình không cho hoạt động tiêu thụ nhiên liệu, dừng các loại phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
 
Hiện nay, thực trạng phương tiện giao thông, trong đó có rất nhiều ô tô, xe máy cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải nhưng vẫn hoạt động nên phải thu hồi, dừng hoạt động để tái chế. Điều này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông.
 
“Đã đến lúc mỗi người một phải chung tay để hành động, trong đó, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu ô tô, xe máy không thể đứng ngoài cuộc. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ có thời điểm khó khăn hay thuận lợi, nhưng dù thế nào thì cũng đã đến lúc cần phải hành động thiết thực. Do vậy, cần phải thảo luận góp ý thêm về cơ chế, làm sao để thực hiện được về thu gom, tái chế ô tô, xe máy cũ, góp phần bảo vệ môi trường...”, Bộ trưởng Hà nói.
 
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, để tạo ra công bằng thì không thể để tình trạng các hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, giấy, nhựa… đẩy mạnh thực hiện thu gom, tái chế sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu ô tô, xe máy lại đứng ngoài cuộc.
 
Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, để thu gom, tái chế sản phẩm ô tô, xe máy thì các nhà sản xuất, nhập khẩu không phải không có cách nào, cũng không nhất thiết phải quy định pháp luật cứng rắn. Đơn cử có thể dùng cơ chế thị trường như khuyến khích đổi cũ lấy mới. Đồng thời, nhà nước đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế đăng ký đăng kiểm… kết hợp tuyên truyền để người dân nhận ra rằng như vậy là mang lại nhiều lợi ích thì sẽ thu gom được ô tô, xe máy cũ để tái chế.
 
Vấn đề trước hết là làm sao để mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải thấy rõ được trách nhiệm bảo vệ môi trường, vì cộng đồng, phát triển bền vững. Cơ chế chính sách hay cách làm sẽ từ từ cùng nhau chung tay thực hiện.
 
Bộ trưởng Bộ TN-MT yêu cầu Tổ biên tập tiếp nhận những ý kiến đóng góp của các hiệp hội để tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ Môi trường 2020 trước khi trình Chính phủ xem xét.
TNO