Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bài học môi trường từ mỏ vàng Bồng Miêu

(09:12:09 AM 05/10/2021)
(Tin Môi Trường) - Sau khi khai thác hàng tấn vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (thuộc Tập đoàn Besra - Canada) tuyên bố phá sản, mang theo số nợ khoảng 800 tỉ đồng của các doanh nghiệp, người lao động và hơn 100 tỉ đồng tiền thuế của nhà nước.

Cay đắng thêm là đã hơn 5 năm trôi qua, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể đóng cửa mỏ vàng này vì phải mất hơn 19,1 tỉ đồng mới có thể đóng cửa mỏ trong khi số tiền công ty này ký quỹ để hoàn thổ, đóng cửa mỏ sau khi khai thác chỉ 6,4 tỉ đồng.
 
Để bù vào số tiền thiếu, tỉnh Quảng Nam đã chi từ ngân sách hơn 12,6 tỉ đồng nhưng do vướng quy định tài chính nên chưa thể triển khai. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã gửi 7 văn bản kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng việc đóng cửa mỏ vẫn nằm trên giấy. Hệ lụy là người dân thường xuyên kéo lên núi khai thác vàng trái phép gây nguy hiểm đến tính mạng, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự…
 
Bài học môi trường từ mỏ vàng Bồng Miêu
Sau 5 năm ngừng khai thác, môi trường ở mỏ vàng Bồng Miêu vẫn chưa thể phục hồi vì số tiền ký quỹ của doanh nghiệp quá ít ỏi
 
Sự việc tại mỏ vàng Bồng Miêu không phải là ví dụ duy nhất cho thấy bất cập trong công tác quản lý khai thác khoáng sản tại tỉnh Quảng Nam.
 
Theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh là tổ chức tài chính duy nhất của địa phương được phép tiếp nhận tiền ký quỹ bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tại tỉnh Quảng Nam, từ năm 2018 trở về trước, chủ đầu tư các dự án khai thác khoáng sản thực hiện việc ký quỹ tại kho bạc cấp huyện trong khi kho bạc cấp huyện không có chức năng quản lý việc ký quỹ này, dẫn đến tình trạng cơ quan nhà nước thiếu cơ chế để tổ chức quản lý trong trường hợp chủ dự án không thực hiện hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường như đã cam kết.
 
Theo thống kê đến năm 2013, tổng số tiền phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 68,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền đã nộp tại kho bạc nhà nước cấp huyện chỉ 20,3 tỉ đồng, chưa nộp 48,4 tỉ đồng. Giai đoạn 2014-2018, tổng số tiền ký quỹ phải nộp là 73,9 tỉ đồng nhưng mới nộp 20,1 tỉ đồng. Giai đoạn 2019-2020, tổng số tiền ký quỹ phải nộp 10,5 tỉ đồng nhưng mới nộp hơn 2 tỉ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
 

Bài học môi trường từ mỏ vàng Bồng Miêu

 
Sau khi nhận bài học đắng ngắt từ mỏ vàng Bồng Miêu, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh thông qua việc phân bổ 10 tỉ đồng cấp vốn điều lệ ban đầu để thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh. Trong tờ trình, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh được thành lập sẽ khắc phục các tồn tại về việc quản lý, giám sát việc ký và nộp quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các chủ dự án khai thác khoáng sản từ trước đến nay. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ môi trường là địa chỉ pháp lý để thu hút, tiếp nhận các nguồn tài trợ cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
 
Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh còn có nhiệm vụ hỗ trợ cho vay tài chính với lãi suất ưu đãi đối với các chương trình, dự án, các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường mang tính địa phương, liên ngành, liên vùng hoặc giải quyết các vấn đề môi trường cục bộ nhưng phạm vi ảnh hưởng lớn. Quỹ cũng sẽ tài trợ kinh phí cho việc tổ chức giải thưởng môi trường, hình thức khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường và các hoạt động khác vì cộng đồng liên quan đến môi trường…
(Trần Thường /NLĐ)