Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Chi phí xã hội liên quan đến sản xuất và xử lý nhựa lên đến 3,7 nghìn tỷ USD
(11:17:37 AM 28/09/2021)
(Tin Môi Trường) - Chi phí xã hội của lượng nhựa được sản xuất ra trong năm 2019 lên đến 3,7 nghìn tỷ đô la Mỹ - cao hơn cả GDP của Ấn Độ. Các chi phí đối với nhựa sản xuất vào năm 2040 sẽ tăng lên 7,1 nghìn tỷ đô la Mỹ, trừ khi các biện pháp cấp bách được triển khai.
Ảnh minh hoạ: IE
Chi phí xã hội, môi trường và nền kinh tế đối với nhựa được sản xuất trong năm 2019 được công bố là 3,7 nghìn tỷ đô la Mỹ¹, cao hơn GDP của Ấn Độ, theo một báo cáo của Dalberg do WWF – Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên - uỷ thác. Nếu không có hành động cấp thiết nào được triển khai, các khoản chi phí này sẽ tăng lên gấp đôi đối với lượng nhựa sản xuất vào năm 2040 và có thể đạt 7,1 nghìn tỷ đô la Mỹ², tương đương với 85% chi tiêu toàn cầu cho y tế trong năm 2018, và cao hơn GDP của Đức, Canada và Úc năm 2019 cộng lại. Báo cáo cho thấy Chính phủ và người dân các quốc gia đang vô tình sa lầy vào một hệ thống sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa gây ra vô số tác động tiêu cực đến con người và môi trường.
Báo cáo “Nhựa: Chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế” nêu bật lên một thực tế rằng các tiếp cận quản lý rời rạc, các biện pháp khuyến khích chưa phù hợp, hạn chế trong phối hợp năng lực kỹ thuật, thiếu các hỗ trợ tài chính và thiếu thống nhất về dữ liệu nhựa thất thoát ra môi trường đang khiến Trái Đất chịu nhiều tổn thương. Giới hạn về nhận thức và hiểu biết, cũng như bù đắp các khoản chi phí thực tế của nhựa sẽ còn tiêu tốn nhiều hơn trong tương lai. Theo một kịch bản phát triển thông thường, ước tính sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào 2040 và lượng rác thải nhựa thất thoát ra đại dương sẽ tăng gấp ba với 29 triệu tấn, nâng tổng khối lượng rác nhựa trong đại dương lên tới 600 triệu tấn. Phát thải khí nhà kính (KNK) xuyên suốt vòng đời của nhựa sẽ chiếm tới 20% toàn bộ lượng các-bon trên toàn cầu, góp phần đẩy nhanh cuộc khủng hoảng về khí hậu.
Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách hệ thống và giảm thiểu chi phí xã hội của nhựa, WWF đang kêu gọi Chính phủ các quốc gia bắt đầu đàm phán một hiệp ước toàn cầu mang tính ràng buộc về pháp lý đối với vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương tại kỳ họp lần thứ năm của Đại Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2022.
Những số liệu mới được công bố từ các cuộc thảo luận diễn ra tại Hội nghị Bảo tồn thế giới IUCN (IUCN World Conservation Congress) nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa nhằm ứng phó một mối lo ngại đang leo thang về sự thiếu phối hợp toàn cầu trong các hành động về nhựa. Cho đến nay, hơn hai triệu người đã ký vào bản kiến nghị và hơn 75 doanh nghiệp đã tán thành lời kêu gọi thiết lập một hiệp ước toàn cầu (the call for a global treaty) về ô nhiễm nhựa đại dương. Đa số các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (119 quốc gia) đã ủng hộ rõ ràng việc thiết lập một thoả thuận toàn cầu mới nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Marco Lambertini, Tổng giám đốc của WWF Quốc tế chia sẻ: “Lần đầu tiên chúng ta có thể thấy một đánh giá rõ ràng như vậy về một số chi phí chưa được tính đến do ô nhiễm nhựa gây ra đối với xã hội, và đây là một gánh nặng quá lớn đối với con người và môi trường. Cuộc khủng hoảng về ô nhiễm nhựa chưa có dấu hiệu chậm lại, nhưng các cam kết nhằm giải quyết vấn đề này đã đạt mức chưa từng có tiền lệ. Chúng ta cần một hiệp ước cấp Liên Hợp Quốc về ô nhiễm nhựa nhằm tập hợp Chính phủ các quốc gia, các công ty và người tiêu dùng với những mục tiêu rõ ràng về giảm thiểu, thu gom, tái chế, và các giải pháp thay thế bền vững nhằm ngăn chặn vấn đề rác nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2030.”
Các phân tích cho thấy chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế cao hơn ít nhất 10 lần so với giá thị trường của nhựa nguyên sinh, và cách tiếp cận hiện nay để giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa đang gặp thất bại. Các cộng đồng yếu thế trong xã hội đang phải gánh chịu chi phí không cân xứng theo vòng đời của nhựa và biến đổi khí hậu, trong đó vòng đời nhựa đang góp phần gây ra những ảnh hưởng bất bình đẳng đến các cộng đồng này.
Chi phí xã hội có thể định lượng được của nhựa hiện nay là đáng kể, tuy nhiên đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đặc biệt, chi phí từ các tác động đã được biết đến và tác động tiềm ẩn đối với sức khoẻ con người cũng như tác động đến các hệ sinh thái trên cạn vẫn chưa được định lượng hoặc vẫn còn khó xác định tại thời điểm này.
Tại Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về rác thải biển và ô nhiễm nhựa diễn ra trong hai ngày 1-2 tháng 9/2021, đa số các quốc gia đã ủng hộ mạnh mẽ việc tiến tới các vòng đàm phán hiệp ước. Trong Hội nghị, 15 quốc gia khác cũng đã tán thành việc xây dựng hiệp ước mới cấp Liên Hợp Quốc về ô nhiễm nhựa, nâng tổng số lên 119 quốc gia ủng hộ. WWF đang thúc đẩy tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc bắt đầu đàm phán về một hiệp ước toàn cầu trong đó phải giải quyết mọi giai đoạn trong vòng đời của nhựa, nhằm ngăn chặn sự rò rỉ của rác nhựa vào môi trường đại dương vào năm 2030.
Tạ Anh Tuấn, Quản lý truyền thông, Chương trình Giảm Rác nhựa, WWF-Việt Nam