(Tin Môi Trường) - Ngày 24/09 tại Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo có nội dung trên. Điểm cầu chính tại Trung tâm phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Hải Phòng, cùng tham dự có nhiều đầu cầu khác ở Hà Nội và một số doanh nghiệp, địa phương có biển khu vực miền bắc. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng; Sở NN&PTNT, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam; Công ty Cổ phần nhựa Super Trường Phát đồng chủ trì tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo trực tiếp tại Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hải Phòng.
Khai mạc và phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KHCN cho biết: “Thực hiện kết luận số 75 của Thành ủy về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08 được ban hành ngày 16 tháng 05 năm 2013 của Thành ủy Hải Phòng về phát triển Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030, theo đó lĩnh vực nông- lâm - thủy sản được Hải Phòng xác định phát triển theo hướng thông minh, từng bước đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị, tăng năng suất lao động, sản lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao, mở rộng thị trường xuất khẩu,…Do vậy, nhiều phương án, chương trình hợp tác, chính sách ưu đãi doanh nghiệp đã được mở rộng, triển khai áp dụng...”
Mục đích của Hội thảo nhằm tiếp tục mở rộng tìm kiếm các giải pháp khoa học công nghệ, đưa ứng dụng thông minh vừa hiệu quả kinh tế, gìn giữ được môi trường biển từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp vào đầu tư, triển khai tại vùng biển Hải Phòng. Đồng thời, đẩy mạnh chuỗi liên kết các bên để có đầu ra cho sản phẩm đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế.
Ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Sở KHCN Hải Phòng khai mạc hội thảo.
Đại diện Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Hữu Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản chia sẻ: Hải Phòng là địa phương lợi thế rất lớn về nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản với diện tích tiềm năng để phát triển là 42.000 hecta. Trong đó, nuôi nước ngọt trên 10.000 hecta, nuôi nước lợ khoảng 15.000 hecta, và nuôi nước mặn trên 17.000 hecta.. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của tỉnh đang tăng lên, và trình độ nuôi trồng – sản xuất của bà con ngày càng tăng. Về sản lượng, NTTS đạt trên 71 tấn, giá trị ước đạt trên 2.500 tỉ đồng giống thủy sản và dịch vụ ước đạt trên 2.400.000 giống các loại. Về ô lồng nuôi cá, hiện Hải Phòng đang có 9.462 ô lồng trên 440 bè với đối tượng chủ lực là cá song, cá giò, và cá vược. Kèm theo đó là 3,72 hecta nuôi nhuyễn thể như hàu, ngao và tu hài. Và hiện nay, đang có 1 số mô hình nuôi lồng áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, phần lớn, ngư dân vẫn đang áp dụng các loại lồng bè truyền thống được làm từ gỗ, phao xốp theo mô hình truyền thống đã, đang gây ô nhiễm môi trường. Để thực hiện lợi ích kép, vừa phát triển nuôi biển vừa đảm bảo được môi trường, Hải Phòng đã ban hành NQ số 05/2021 về việc quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở NTTS trên khu vực quần đảo Cát Bà, và kèm theo đó là ban hành hướng dẫn thay đổi sang sử dụng các vât liệu và trang thiết bị nuôi trồng phải đảm bảo chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu sóng gió, chất hóa học, không ảnh hưởng tới cảnh quan và an toàn với môi trường như dòng nhựa HDPE. Để làm được như vậy, Hải Phòng đã đề ra Nghị quyết số 14/2017 thông qua quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho KHCN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Ủng hộ chủ trương này của Hải Phòng, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã đề nghị, để phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, giai đoạn 2021-2025 Hải Phòng cần: Tổ chức điều tra hiện trạng nuôi biển của thành phố; Xây dựng đề án phát triển nuôi biển 2021 – 2030; Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển công nghiệp; Xây dựng một số mô hình nuôi biển công nghiệp bền vững; Tiến hành đào tạo nhân lực nuôi biển chuyên nghiệp; Thiết lập hê thống bảo hiểm nuôi biển; Thiết lập chương trình kiểm soát và giám sát môi trường biển; Thiết lập chương trình bảo đảm an ninh biển; Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực; Xây dựng các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ nuôi biển.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Bà Nguyễn Thị Hải Bình- Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần nhựa Super Trường Phát đã cũng mong muốn các cấp quản lý, người dân địa phương Hải Phòng cùng đồng lòng thực hiện kế hoạch, nghị quyết đã đề ra và tiếp tục xây dựng những định hướng cụ thể có lộ trình để người dân, doanh nghiệp bắt tay cùng nhà quản lý đồng hành làm nên những vùng biển hiệu quả trong nuôi trồng và đẹp về cảnh quan, gìn giữ màu xanh của biển. Nguyện vọng của Super Trường Phát đó chính là đưa vật liệu HDPE tiêu chuẩn quốc tế vào NTTS nhằm bảo vệ biển đảo tỉnh Hải Phòng, hướng người ngư dân tới các công nghệ tiên tiến và làm kinh tế biển bền vững.
Toàn cảnh hội thảo trực tuyến tại Công ty cổ phần nhựa Super Trường Phát.
Tại hội thảo trực tuyến, bà Bình đã giới thiệu về công nghệ của mình đã và đang được ứng dụng rộng dãi trong nuôi biển ở nhiều địa phương trong cả nước, gần nhất là Quảng Ninh. Các lồng nuôi được làm bằng công nghệ nhựa HDPE hiện là giải pháp tối ưu để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Khi sử dụng công nghệ ống, lồng bằng nhựa HDPE, người nuôi có thể đánh chìm lồng khi sóng biển dâng cao, tích hợp nuôi đa tầng hay nuôi hải sản kết hợp du lịch...giảm áp lực cho người nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường nước biển. Bà Bình cũng khẳng định, Super Trường Phát đã đưa ra rất nhiều giải pháp tối ưu về công nghệ theo 4.0, đưa mã QR vào bảo hành cho các sản phẩm lồng nổi, phao nổi HDPE, vừa chống hàng giả, vừa đảm bảo thời gian bảo hành lên tới 10 năm. Đặc biệt là chính sách được cam kết cho ngư dân Hải Phòng như: Thu mua lại sau 10 năm (khi bà con không có nhu cầu sử dụng); Bảo hành 10 năm, bảo trì vĩnh viễn; Hỗ trợ thi công, lắp đặt, hàn nối ngay tại địa phương, ngay cả trên biển; Hỗ trợ trả góp; Xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp mang lại lợi ích lớn cho ngư dân (theo Nghị định 98).
Cùng chia sẻ và tham luận tại Hội thảo có nhiều doanh nghiệp địa phương và các doanh nghiệp khác như: AmBio – Công ty cổ phần sản xuất công nghệ mới Việt Nam); Công ty REECOTECH giới thiệu về giải pháp đo đạc, giám sát chất lượng môi trường trong thu hoạch, vận chuyển cá...
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi – Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Năm, Đại biểu QH khoá XV đoàn Hải Phòng mong muốn và hy vọng Hải Phòng sẽ quyết tâm trở thành thành phố biển có quy mô, phát triển kinh tế đô thị bứt phá từ cảng, hệ sinh thái, du lịch, NTTS,… Với tiềm năng nuôi biển gần bờ và xa bờ với hệ sinh thái đặc thù, Hải Phòng sẽ làm tốt. Nhưng để biến được tiềm năng thành hiệu quả kinh tế thực sự, thì cơ chế chính sách của tỉnh cần phải thông thoáng để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Ông rất tin tưởng rằng trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ thành công trong việc công nghệ hóa NTTS dù còn nhiều khó khăn. Trong đó, bảo vệ môi trường biển cần được xem là chỉ tiêu ngang bằng với các chỉ tiêu về kinh tế để phát triển nuôi biển bền vững.