(Tin Môi Trường) - Mười năm, bảy vụ cháy rừng thông. Mồ mả lộn xộn bao vây bốn phía. Hè năm ngoái rừng núi vừa cháy, chưa kịp trồng lại thì hè năm nay lại cháy.
Núi Ngự cùng với nghĩa địa dưới chân núi đã nằm trong lòng đô thị Huế - Ảnh: M.TỰ
Núi Ngự Bình, thắng cảnh thiêng liêng nổi tiếng hàng thế kỷ của xứ Huế, đang là phế cảnh tiêu điều.
Ngọn núi đó là tiền án, là bức bình phong che chắn, phòng vệ cho kinh thành Huế. Vua Gia Long đã đặt tên núi Ngự Bình và cho trồng thông phủ xanh ngọn núi tiền án.
Từ đó, núi Ngự trở thành thắng cảnh nổi tiếng trải suốt mấy trăm năm của xứ Huế. Vì vậy, du khách thập phương sẽ hết sức bất ngờ nếu đứng trước núi Ngự bây giờ.
"Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự"
Từ con đường cửa ngõ phía tây nam thành phố Huế nhìn về trung tâm thành phố, sẽ thấy giữa đất bằng nổi lên một ngọn núi hình thang cân đối như bức bình phong án ngữ ngay trước kinh thành. Đó là núi Ngự Bình.
Và đập vào mắt là một mảng rừng đỏ ối, như một miếng vá nham nhở trên thảm thông xanh bao phủ ngọn núi. Phía bên sườn trái là một mảng rừng xám, thưa thớt vài cây khô. Phía bên sườn phải là một mảng rừng lưa thưa, trơ màu đất vàng.
Nếu đứng ở chân núi phía trong thành phố nhìn ra, sẽ thấy thêm một mảng rừng trống trải ở sườn phải, trơ trụi vài gốc thông đã mục. Đó là vết thương từ những vụ cháy liên tục trong những năm qua.
Chúng tôi tiếp cận chân núi và leo lên đỉnh để chứng kiến tận mắt từng cây thông chết cháy.
Trước mắt chúng tôi là một mảng rừng thông cao lớn, tán lá cháy đỏ, dưới gốc thì cháy đen. Vụ cháy này phát hỏa lúc sẩm tối 27-7 vừa qua, thiêu cháy gần 1ha rừng thông 45 tuổi.
Nhìn rừng cây chết đứng dưới nắng hè, bất giác tôi nhớ đến câu thơ năm xưa: "Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự/ Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương". Câu thơ diễn tả nỗi lòng của hoàng phi Nguyễn Thị Định - vợ vua Thành Thái và là mẹ của vua Duy Tân - khóc chồng con bị đày biệt xứ, mà sao nghe như đang khóc cho rừng thông núi Ngự bây giờ!
Chúng tôi xuống núi và tìm một điểm cao khác từ trung tâm thành phố để nhìn về Ngự Bình. Nếu khoảng 20 năm về trước, nhìn từ đây sẽ thấy ngọn núi ấy nằm ở ngoại ô thành phố. Còn bây giờ, đô thị đã phát triển mạnh về phía nam.
Phố xá, nhà cửa đã mọc lên và núi Ngự Bình cùng với nghĩa địa dằng dặc mồ mả ấy đã nằm hẳn trong lòng thành phố. Cũng tại vị trí quan sát này, đã từng có những vị du khách thắc mắc với chúng tôi: sao lại lập nghĩa trang trong lòng thành phố?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là nghĩa địa tự phát, ra đời từ sau năm 1945 khi nhà Nguyễn đã cáo chung. Khi tái chiếm Huế (1946 - 1954), quân đội Pháp đã đốn trụi thông núi Ngự.
Mồ mả bắt đầu mọc lên trong suốt thời gian hai cuộc chiến tranh, chen chúc cùng những bãi rác và hàng rào kẽm gai.
Đến sau 1975, vùng chân núi Ngự Bình mặc nhiên thành nghĩa địa. Người ta tiếp tục đốn trộm thông, lấn chiếm đất rừng để bán cho người cần mai táng. Đến khi chính quyền thành phố Huế ban hành quy định cấm chôn cất mồ mả thì chẳng còn một chỗ đất nào trống nữa.
Vụ cháy đêm 27-7 thiêu rụi mảng rừng chính diện của núi Ngự - Ảnh: QUANG PHONG
Ngự Bình, cấm địa thiêng liêng
TS Trần Đình Hằng - phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN tại Huế - cho biết núi Ngự Bình đã là tiền án của Huế từ thời chúa Nguyễn Phúc Thái, khi dời phủ từ Kim Long về Phú Xuân vào năm 1687.
Đến thời Gia Long, khi xây dựng kinh thành, vua lại chọn ngọn Bằng Sơn này làm tiền án, ban tên là Ngự Bình và quy định việc trồng cây thông trên núi.
Thời Minh Mạng cho trồng nhiều hoa cỏ, thường tổ chức lễ hội "đăng lâm" (lên núi cao ngắm cảnh) vào ngày tết trùng cửu, mùng 9 tháng 9 âm lịch hằng năm.
Đồng thời cho khắc hình núi Ngự Bình và cây thông lên cửu đỉnh - biểu tượng của giang sơn nước Đại Nam. Vua Thiệu Trị xưng tụng núi Ngự Bình là một trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh.
Thời Thành Thái, tháng 11-1897, vua ban dụ sai giữ gìn cây thông trên núi Ngự Bình bởi vì "núi Ngự Bình là tiền án kinh thành, hơi lành nghi ngút". Đến thời Khải Định, vua sai Bộ Công trồng thêm thông, cốt cho tiền án luôn xanh tươi.
Năm 1939, vua Bảo Đại ban chỉ dụ thiết lập tại núi Ngự Bình một "vùng bảo vệ" gọi là "ngoại cấm", nghiêm cấm đào đất, khai thác đá, đốt lửa, đào giếng, chặt thông.
"Với chức năng cấm địa của kinh thành, của quốc gia, núi Ngự Bình được bảo vệ bằng phương thức đặc biệt, được thực thi bởi những lực lượng đặc biệt. Đáng tiếc là lâu nay cấm địa này ít được quan tâm, làm cho Ngự Bình mất đi vai trò, vị thế của một thắng cảnh đặc biệt", TS Hằng nói.
Những mảng rừng thông xanh đẹp đẽ giờ chỉ còn thế này - Ảnh: M.TỰ
Cách nào để cứu núi Ngự?
Chúng tôi đặt câu hỏi đó với chủ rừng là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tiền Phong. Chủ tịch kiêm giám đốc công ty, ông Tôn Thất Ái Tín, cho hay có nhiều nguyên nhân gây cháy rừng, tựu trung là do đặc điểm dễ phát hỏa của rừng thông (lá kim, tinh dầu thông gây khô nóng, thảm lá rụng dày), trong khi ý thức của con người lại rất kém (thắp hương, đốt vàng mã bừa bãi và cả cố tình đốt rừng).
Riêng rừng thông núi Ngự còn có một khu nghĩa địa bao quanh bốn phía. Chỉ một cây hương, tàn lửa vàng mã bay ra là đã thiêu rụi một khoảng rừng.
Để bảo toàn rừng thông Ngự Bình, theo ông Tín, cần phải có những biện pháp đồng bộ và căn cơ lâu dài. Phải tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, cụ thể là tăng thêm nhân lực, trang thiết bị và kinh phí.
Phải quy hoạch lại rừng, bổ sung các đai xanh (trồng cây lá rộng bản địa) và đai trắng (không trồng cây) để đám cháy không thể lan rộng. Mở đường rộng tiếp giáp rừng cây và xây dựng hệ thống nước chữa cháy để xe cứu hỏa phát huy tác dụng...
Trong khi đó, một chuyên gia quy hoạch nói với chúng tôi: chỉ cần làm một việc di dời toàn bộ mồ mã dưới chân núi. Làm được việc này thì khỏi phải làm những việc khác. Ngày nào còn nghĩa địa cùng hương khói dưới chân thì ngày đó rừng vẫn còn cháy, cảnh quan vẫn hoang tàn.
Giải tỏa xong nghĩa địa thì không cần phải mở đường, kéo ống nước cứu hỏa, khỏi phải tăng thêm người, tốn thêm tiền bạc mà rừng lại đẹp hơn. Nhưng với 100.000 ngôi lăng mộ, chi phí đền bù hơn 1.000 tỉ đồng, có giải tỏa nổi không?
Tôi đứng nhìn ngọn núi tiền án ngổn ngang mồ mả và rừng thông xơ xác mà lòng dạ xót xa. Ngự Bình thiêng liêng ngày nào đang hoang lạnh, tiêu điều bao giờ mới hồi sinh?
Chủ tịch nước đã ra lệnh trồng lại rừng thông
Ngay sau ngày thống nhất, tháng 10-1975, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã vô thăm Huế và yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp phải tổ chức trồng lại rừng thông ở núi Ngự Bình.
Phó thủ tướng Hoàng Anh yêu cầu "phải hết sức tôn trọng giá trị lịch sử của Ngự Bình và không nên có những tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo của núi Ngự".
Cuối tháng 1-1976, công việc hoàn tất. Sau 45 năm cây đã vươn cao, chính là rừng thông bây giờ, nhưng thật tiếc thay lại đang xác xơ, tiêu điều...
5 năm nữa gắng di dời xong
Ông Trần Song, phó chủ tịch UBND TP Huế, cho biết thành phố đang lập quy hoạch chi tiết toàn khu vực và phân chia giai đoạn di dời nghĩa địa.
Trước mắt đã chụp ảnh hiện trạng khu vực, cắm biển báo cấm xây mộ, lập dự án di dời một phần mồ mả ngay dưới chân núi Ngự Bình. Dự kiến thực hiện trong thời gian từ năm 2022 - 2025.
Sau khi giải tỏa xong mồ mả thì xây dựng công viên văn hóa Ngự Bình. 100.000 ngôi mộ chiếm đến hơn 38,4ha, sẽ được di dời đến nghĩa trang mới ở vùng núi phía nam và bắc thành phố Huế. Kinh phí cho việc này lấy từ nguồn khai thác các quỹ đất trên địa bàn thành phố.