(Tin Môi Trường) - Thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát khiến tỉnh Bình Dương phát sinh nhiều khu cách ly, khu phong tỏa, do vậy lượng rác thải y tế cũng tăng đột biến. Với mục tiêu không để ù ứ, tồn đọng rác thải y tế, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch. Đồng thời, tỉnh cũng đã áp dụng một số giải pháp để giải quyết lượng rác nói trên.
Ảnh minh hoạ: IE
* Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 21 cơ sở điều trị (bao gồm 5 bệnh viện dã chiến), 143 cơ sở cách ly y tế tập trung và 1.601 điểm/khu vực phong tỏa. Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương có hơn 30.000 ca mắc COVID-19.
Mỗi ngày từ sáng sớm đến đêm muộn, các công nhân của Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) đều có mặt tại các khu cách ly, bệnh viện, khu điều trị trên địa bàn tỉnh để phun khử khuẩn, thu gom, phân loại hàng chục tấn rác thải y tế, rác thải độc hại... được thải ra mỗi ngày. Để thu gom, vận chuyển hết lượng rác có nguy cơ lây nhiễm về nhà máy xử lý an toàn, đội ngũ công nhân môi trường đã phải huy động hàng chục phương tiện chuyên dụng và áp dụng nghiêm ngặt quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý để bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân tham gia.
Anh Phạm Khắc Tâm, công nhân Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương cho biết, đã hơn một tuần nay anh vẫn chưa về nhà vì sự an toàn cho gia đình. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, lượng rác thải phát sinh tại các khu cách ly ngày càng lớn, chủ yếu là rác thải y tế độc hại, rác thải sinh hoạt. Có những ngày, anh và các đồng nghiệp phải mất nhiều tiếng để dọn sạch toàn bộ. Tuy có đồ bảo hộ an toàn, nhưng các công nhân môi trường vẫn lo lắng khi hằng ngày phải làm việc, tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Nhiều công nhân đã thực hiện "3 tại chỗ" tại công ty để giữ an toàn cho gia đình. Công ty cũng có hệ thống khử khuẩn, tuân thủ nghiêm ngặt Thông điệp 5K của Bộ Y tế nên anh Tâm luôn cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao.
Theo thống kê từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, hiện nay tổng khối lượng chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 40 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung là 18-20 tấn/ngày; chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 (được phân loại từ các hộ gia đình nhiễm F0, F1) của các khu phong tỏa là 20 tấn/ngày.
Toàn bộ chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế tập trung, điểm/khu vực phong tỏa trên địa bàn tỉnh hiện nay được thu gom lưu chứa trong các thùng chứa chất thải có thành cứng, có nắp đậy, chịu được va đập để không lây nhiễm. Sau đó, rác thải được Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương sử dụng phương tiện chuyên dụng vận chuyển về Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương để xử lý bằng phương pháp thiêu đốt trong lò đốt chất thải y tế, lò đốt chất thải nguy hại theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cho biết, Công ty là đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có xử lý chất thải y tế với cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Công ty đã được đầu tư các máy móc hiện đại, bảo đảm đầy đủ chức năng để tiếp nhận và xử lý các chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Công suất tối đa xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại của công ty là 300 tấn/ngày; hiện Công ty đang thu gom, xử lý chất thải từ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với khối lượng khoảng 40 tấn/ngày, chỉ bằng 13,3% so với năng lực xử lý đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Ông Nguyễn Văn Thiền cho biết thêm, riêng về Chi nhánh xử lý chất thải thuộc công ty có khoảng 800 người lao động. Về khâu xử lý rác, rác được đưa về Công ty đều có những máy móc chuyên dụng, hệ thống dây chuyền tự động tiếp nhận, khử khuẩn xử lý đốt, người lao động không phải đụng tay. Khâu nguy hiểm nhất ở đây là người lao động phải đi thu gom rác. Vì vậy, ngoài việc cung cấp đồ bảo hộ thường xuyên, tổ chức "3 tại chỗ", Công ty còn định kỳ kiểm tra SARS-CoV-2, khử khuẩn khu vực làm việc và nơi ở cho người lao động 3 lần/ngày.
* Đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường
Ông Trần Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Bình Dương cơ bản được bảo đảm theo quy định nên hiện tại Sở chưa có ý kiến hoặc kiến nghị với cơ quan Trung ương.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước cũng như tại Bình Dương; do vậy lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch cũng gia tăng đáng kể, đặc biệt là chất thải y tế từ các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế tập trung, điểm/khu vực phong tỏa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngoài Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương đang thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19, còn có 5 đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép có chức năng xử lý chất thải nguy hại và chất thải y tế.
Theo giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng công suất có khả năng thu gom, xử lý của 5 đơn vị này khoảng 80 tấn/ngày, cùng với công suất xử lý của Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương là 300 tấn/ngày (hiện mới thu gom, xử lý khoảng 10,5% công suất) nên hoàn toàn bảo đảm việc xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản hướng dẫn và đề nghị 5 đơn vị trên chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị…; phối hợp cùng Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương trong thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.