Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Nội, thành phố sáng tạo hay thành phố cho người giàu?

(08:54:52 AM 10/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Để Hà Nội trở thành thành phố sống tốt, chúng ta không nên lặp lại những sai lầm tương tự mà các quốc gia khác đã gặp phải trong những năm 1960, bằng cách phát triển một thành phố phân khu theo chức năng và khuyến khích phát triển phương tiện cá nhân.

 


Thành phố cho... người giàu?

 

Tại HealthBridge (Canada), chúng tôi tin tưởng ở các thành phố sống tốt - một thành phố xanh cung cấp đủ không gian để chơi, các hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội, và phục vụ tất cả mọi người trong xã hội.

 

Trong khi đó, đề xuất "Giải pháp giao thông Hà Nội: Thành phố sáng tạo?" của nhóm tác giả Trường ĐH Thăng Long lại cho thấy điều ngược lại. Nó đưa ra một Hà Nội mới dựa vào "phân khu chức năng" và mật độ thấp, và có vẻ như chỉ đang nói về việc xây dựng một thành phố cho "người giàu".

 

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Hà Nội trong tương lai chỉ có thể phát triển thành một thành phố sống tốt khi chúng ta tập trung vào việc đa dạng hóa mục đích sử dụng (thay vì phân khu chức năng), mật độ dân cư phù hợp để phát triển hệ thống giao thông công cộng. Và đó phải là một thành phố được thiết kế không chỉ dựa trên nhu cầu của người giàu, mà của tất cả mọi người.

 

Cụ thể: Trước tiên, thành phố có điều kiện sống tốt phải dành cho tất cả mọi người trong xã hội, không chỉ những người giàu có, mà cả những người nghèo, tầng lớp trung lưu, và thậm chí cả những người nhập cư không chính thức. Họ cũng có quyền đối với các nhu cầu cơ bản như nhà ở và dịch vụ.

 

Trong thực tế những người nghèo thường chiếm đa số hơn là những người giàu có. Đề xuất về "Thành phố sáng tạo" nhắc nhiều đến các từ "văn minh", "hiện đại", "đầy đủ tiện nghi" của các khu dân cư, và kêu gọi các đại gia chủ các dự án lớn như Ecopark, Royal city cùng tham gia đầu tư những khu dân cư đó.

 

Nhưng những khu vực kín cổng cao tường kiểu như Ciputra, liệu có dành cho đại bộ phận người dân, hay chỉ có những người giàu mới có khả năng hưởng thụ cuộc sống tại đây?

 

Thứ hai, thành phố có điều kiện sống tốt là thành phố xanh, với đủ không gian công cộng để con người vận động thể chất, đi bộ, nghỉ ngơi, và tăng cường giao tiếp xã hội. Điều này chỉ có thể có được khi quy hoạch và thiết kế đô thị dựa trên các khu vực đa dạng về chức năng, tập trung phát triển giao thông công cộng.

 

Ý tưởng về phân khu chức năng trong đề xuất được dựa trên một ý tưởng rất cũ, đó là phương pháp đã được sử dụng trong giai đoạn 1930-1960 trên toàn thế giới.

 

Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào đầu những năm 1970, người ta đã phải thừa nhận rằng thành phố không phải là một cỗ máy khổng lồ, và người dân sống trong đó cũng không phải là một bộ phận của cỗ máy. Thành phố phải phục vụ đời sống người dân, phải hỗ trợ nâng cao sức khỏe và gắn kết các giao tiếp xã hội của họ.

 

ha noi

Thành phố có điều kiện sống tốt là thành phố xanh

 

Thế nào là một thành phố sống tốt?

 

Cách thiết kế đô thị theo các phân khu theo chức năng và phát triển xe hơi riêng đã không còn là mô hình lý tưởng cho các nhà thiết kế đô thị theo đuổi. Thay vào đó, người ta hướng tới những thành phố có sự hòa trộn đa dạng và phát triển giao thông công cộng. Điều này được hiểu cụ thể với các lý do:

 

1) Giao thông công cộng chỉ có thể vận hành tốt trong một lượng mật độ dân số nhất định. Tại Hà Nội, mật độ dân số nên được điều tiết thấp hơn hiện tại, nhưng cũng nên được tính toán ở tầm dài hạn là không quá thấp so với mức đủ để duy trì hệ thống giao thông công cộng.

 

2) Cần phát triển sự sự đa dạng về chức năng tại mỗi khu vực để hỗ trợ hội nhập xã hội, hạn chế giao thông cơ giới trong thành phố và để phát triển một thành phố năng động, sáng tạo. Khi không gian sống, làm việc và giải trí được thiết kế trong cùng một khu vực, người dân không phải "chạy đua" quá nhiều đến các địa điểm khác nhau trong thành phố.

 

Nhằm cung cấp thêm ý tưởng về một thành phố được thiết kế hợp lý, Tổ chức HealthBridge (Canada) đã khuyến nghị sử dụng phương pháp 3D - dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Mật độ (density), đa dạng (diversity), thiết kế (design). Các yếu tố này phối hợp cùng nhau, để tạo ra một môi trường tốt cho vận động thể chất khỏe mạnh, đi bộ, đạp xe và giao thông công cộng, qua đó phát triển đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân.

Điều này, quay trở lại sẽ hỗ trợ giao tiếp xã hội, tạo ra một môi trường năng động hơn mà cuối cùng sẽ hỗ trợ sự sáng tạo trong thành phố. Nó cũng sẽ góp phần giúp cư dân cảm thấy gắn bó và an toàn hơn khi ở trong môi trường quen thuộc của mình.

 

Để minh họa thêm điều này, hãy lấy ví dụ một khu vực chỉ toàn nhà ở, trong đó mọi người ra đi từ sáng sớm để làm việc và về nhà vào chiều tối. Vào ban ngày các khu vực này trở nên bị cô lập. Vì thiếu các chức năng khác hơn so với nhà ở trong khu vực - nơi không có công việc, giải trí hay mua sắm - các khu vực này thường được gọi là "thị trấn ngủ".

 

Người dân sống những khu đô thị này hầu như không biết nhau. Trong thực tế, tại nhiều thành phố trên thế giới những khu đô thị kiểu này thường hay xảy ra các tội phạm.

 

Để đi lại, người dân sống trong các khu dân cư đó phải sử dụng phương tiện cơ giới riêng. Sự phát triển phương tiện cá nhân gây ô nhiễm môi trường và sự căng thẳng cho người dân đô thị.

 

Vì vậy, để Hà Nội trở thành thành phố sống tốt, chúng ta không nên lăp lại những sai lầm tương tự mà các quốc gia khác đã gặp phải trong những năm 1960, bằng cách phát triển một thành phố phân khu theo chức năng và khuyến khích phát triển phương tiện cá nhân. Thay vào đó, chúng ta cần hướng tới ý tưởng về thành phố có chức năng phức hợp, thiết kế giao thông công cộng hợp lý.

 

Nhằm cung cấp thêm ý tưởng về một thành phố được thiết kế hợp lý, Tổ chức HealthBridge (Canada) đã khuyến nghị sử dụng phương pháp 3D - dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Mật độ (density), đa dạng (diversity), thiết kế (design). Các yếu tố này phối hợp cùng nhau, để tạo ra một môi trường tốt cho vận động thể chất khỏe mạnh, đi bộ, đạp xe và giao thông công cộng, qua đó phát triển đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân.

 

Cách tiếp cận này đã được chứng minh ở nhiều thành phố khác trên thế giới là có thể cải thiện các điều kiện sống, tăng cường sự gắn kết xã hội, tạo ra một môi trường năng động và sáng tạo.

 

(Đối với các câu hỏi, hoặc bài viết giải thích đầy đủ cách tiếp cận này để thiết kế thành phố sống tốt, xin vui lòng liên hệ:

 

TS. Stephanie Geertman - Chuyên gia tư vấn chương trình "Thành phố sống tốt" - HealthBridge Canada tại Việt Nam
stephanie@healthbridge.org.vn

 

Kiều Hà - Quản lý dự án "Thành phố sống tốt" - HealthBridge Canada tại Việt Nam
hatran@healthbridge.org.vn
)

 

Tác giả: Debra Efroymson (Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge Canada)