Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Báo động tình trạng tận diệt giun đất, gây mất cân bằng sinh thái

(17:10:21 PM 26/07/2021)
(Tin Môi Trường) - Nhiều năm qua, tại tỉnh Hòa Bình xuất hiện tình trạng người dân ở một số địa phương vùng cao như Kim Bôi, Tân Lạc, Cao Phong, Đà Bắc... dùng máy kích điện bắt giun đất, thậm chí còn xây lò sấy, sau đó bán lại giun sấy khô cho thương lái. Việc dùng máy kích điện bắt giun đất, đặc biệt trên đất nông nghiệp với số lượng lớn làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng…

Báo động tình trạng tận diệt giun đất, gây mất cân bằng sinh thái
Ảnh: TTXVN
 
Có mặt tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, theo chân đại diện chính quyền địa phương đến thôn Thung Dao Bắc, chúng tôi bắt gặp một số người dân đang xẻ thịt giun đất, mùi hôi tanh bốc ra nồng nặc quanh vùng. Người dân khu vực này bức xúc cho biết, chủ lò sau khi thu gom giun đất từ các đối tượng đánh bắt trộm và một số nơi khác đưa về rồi nhốt trong thùng, thuê người mổ sạch nội tạng, giữ phần vỏ, đưa vào lò sấy. Điều đáng nói, các phần nội tạng bỏ đi từ giun đất đổ thẳng xuống suối, mương, gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Ngoài ra, lúc đốt lò để sấy giun, mùi hôi bay đi khắp nơi, làm ô nhiễm không khí. 
 
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, các chủ lò bán giun sấy khô cho thương lái đến thu mua với giá khoảng 700.000 đồng/kg. Các đối tượng đánh bắt trộm giun đất đầu tư máy kích điện với giá 6-7 triệu đồng/máy, mỗi đêm bắt được từ 5-7kg giun đất tươi. Cách thức để bắt giun, người săn chỉ việc bật máy xung điện, cắm 2 que sắt dẫn điện xuống đất, đằng sau là sợi dây điện nối với máy kích để luồng xung điện phát ra. Trên khoảng gần 2m2, hàng trăm con giun lớn, bé ngoi lên khỏi mặt đất, người săn chỉ việc bỏ vào xô mang về.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Bạch Công Dương cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 6-7 lò sấy giun đất đang hoạt động. Chính quyền xã đã có công văn thông báo nhiều lần yêu cầu dừng hoạt động đánh bắt giun đất bằng kích điện, hóa chất, thu mua đối với chủ lò, người kinh doanh loại hàng này. 
 
Anh Bùi Văn Trọng, cán bộ Công an xã Tú Sơn cho biết, lực lượng Công an đã tổ chức nhiều đợt tuần tra. Tuy nhiên, các đối tượng kích điện đánh bắt giun đất thường hoạt động vào lúc nửa đêm, trời mưa, địa bàn đồi núi, đi lại rất khó khăn. Do đó, để bắt quả tang các đối tượng này mất rất nhiều thời gian. Thời gian qua, lực lượng Công an đã phát hiện một số đối tượng vi phạm, thu giữ dụng cụ dùng để khai thác, đánh bắt giun đất, lập biên bản vụ việc... 
 
Ông Triệu Văn Hồng, Phó Trưởng thôn Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn, cho biết trong các buổi họp thôn, ông thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đánh bắt giun đất, giải tỏa các lò sấy... nhưng các hộ vẫn tái diễn hoạt động này. 
 
UBND huyện Kim Bôi đã có các văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xác minh làm rõ hoạt động thu mua, chế biến giun đất cũng như tình trạng ô nhiễm do hoạt động mổ, sấy giun đất trên địa bàn. 
 
Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết, con giun đất rất có lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nó được ví như một lưỡi cày sinh học của nhà nông, làm cho đất tơi xốp, đồng thời là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tạo điều kiện để sinh ra các chất hữu cơ có lợi cho cây trồng, giúp cây trồng phát triển tốt. Bởi vậy, việc đánh bắt giun đất là hoạt động hủy diệt làm ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, ảnh hưởng tới môi trường. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần có sự kết hợp của nhiều ngành từ cơ sở, chia các hành vi vi phạm theo từng lĩnh vực để xử lý.
 
Hành vi đánh bắt giun đất bằng kích điện đã vi phạm điều cấm theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Hiện nay, do chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun nên chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp trước mắt, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng dùng kích điện để bắt giun, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường.
Thanh Hải