(Tin Môi Trường) - Nằm giáp khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên - Huế đang là mái nhà chung của nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là không gian sinh tồn của loài sao la - một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong núi rừng Việt Nam. Công tác bảo vệ rừng ở đây những năm qua luôn được thực hiện nghiêm ngặt, góp phần hạn chế thấp nhất những tác động xâm hại của con người đối với thiên nhiên.
Ảnh: IE
* Những chuyến tuần tra xuyên rừng
Từ trung tâm huyện miền núi A Lưới chạy xe trên tuyến đường Hồ Chí Minh về hướng Nam khoảng hơn 30km, khi đi qua hầm chui xuyên núi A Roàng là một khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh, đó là Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế. Khu bảo tồn có diện tích hơn 15.000 hecta rừng tự nhiên nằm trải dài trên địa bàn hai huyện Nam Đông và A Lưới, kết nối trực tiếp với Khu bảo tồn Sao La tỉnh Quảng Nam và Khu bảo tồn Quốc gia Xê Sáp của Lào.
Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có ba đội tuần tra và năm trạm bảo vệ rừng, thường xuyên cơ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Theo chân đội tuần tra gồm năm người do anh Phạm Viết Nước làm đội trưởng, chúng tôi đi men theo những triền dốc, băng qua những con suối dưới những tán rừng già thẳng tiến vào vùng lõi của khu bảo tồn. Đợt tuần tra này dự kiến thời gian di chuyển khoảng sáu ngày, chính vì vậy, trên ba lô của các thành viên trong đội đều chất đầy các trang thiết bị và vật dụng thiết yếu như máy định vị, máy bẫy ảnh, ống nhòm, đồ dùng cá nhân, thuốc men, xoong nồi, lương thực…
Gắn bó với Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế ngay từ những ngày đầu thành lập, cách đây 11 năm, anh Phạm Viết Nước, người dân tộc Tà ôi, đã đặt bước chân đến hầu hết các tiểu khu trong khu bảo tồn rộng lớn này. Đối với anh Nước, khu bảo tồn như là ngôi nhà thứ hai của mình, anh có khả năng đọc “vanh vách” tên từng loại cây gỗ lớn trong rừng; ngay cả thoáng nghe tiếng chim hót, anh cũng có thể phân biệt đó là loài chim gì.
Sau khi tìm được vị trí khá thuận lợi bên một con suối nhỏ, đội tuần tra đã phân công nhau để dựng lán bạt nghỉ ngơi, nấu ăn. Anh Phạm Viết Nước tâm sự, công việc tuần tra này ngoài yêu cầu phải có sức khỏe tốt, đòi hỏi phải có kỹ năng đi rừng và trên hết là một tình yêu thiên nhiên mới gắn bó được với nghề. Trung bình một tháng, một đội tuần tra sẽ làm việc 22 ngày trong rừng, trong đó 16 ngày là đóng lán trại ở các tiểu khu trong khu bảo tồn.
“Địa hình rừng núi trong khu bảo tồn rất hiểm trở, có nhiều mối nguy hiểm rình rập đối với các đội bảo vệ rừng, nhất là vào mùa mưa. Nhiều trường hợp anh em bị thương nặng, đe dọa đến tính mạng do bị cành cây bất ngờ gãy rụng vào người, bị rắn độc cắn hay trong quá trình vượt suối thì bất ngờ nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao đột ngột”, anh Phạm Viết Nước chia sẻ.
Thời gian qua, Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hợp đồng với Trung tâm Y tế huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) và Trung tâm Y tế huyện Tây Giang (Quảng Nam) xác định 4 vị trí cứu hộ cố định dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua khu bảo tồn, nhằm mục đích khi có người bị thương từ trong rừng đưa ra, các xe cấp cứu sẽ chạy thẳng tới những vị trí này để sơ cứu và đưa người đi bệnh viện điều trị kịp thời.
Trên hành trình tuần tra, anh Phạm Viết Nước cùng các thành viên trong đội dừng lại tại nhiều khu vực nhằm quan sát, phát hiện những bẫy thú rừng của người dân để tháo gỡ, thu gom. Theo anh Nước, trước đây số lượng bẫy thú mà người dân đặt ở trong rừng rất nhiều như một “ma trận”. Đặc biệt gần đến những dịp lễ Tết, bà con vẫn có phong tục đi bẫy thú rừng về ăn, đó cũng là thời điểm các đội tuần tra phải tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ năm 2014 đến 2017 tình trạng đặt bẫy thú rừng trong khu bảo tồn thật sự là một vấn nạn. Có những năm, lực lượng tuần tra bảo vệ rừng đã tháo dỡ đến hơn 21.000 chiếc bẫy các loại. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên số lượng bẫy thú đã giảm xuống đáng kể. Từ đầu năm 2021 đến nay, các đội tuần tra đã đẩy đuổi 11 người ra khỏi rừng, tháo dỡ 14 lán trại dựng trái phép và thu gom hơn 1.740 bẫy động vật. Các bẫy thú sau khi được tháo dỡ sẽ được đưa về trong các trạm để tiến hành tiêu hủy theo quy định.
* Giữ gìn “kho báu” của rừng xanh
Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế là một trong những nơi có độ đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực và trên thế giới. Nơi đây sở hữu diện tích rừng nguyên sinh tự nhiên còn sót lại của khu vực Trung Trường Sơn và là ngôi nhà của các loài thú quý hiếm và đặc hữu như: sao la, mang Trường Sơn, mang lớn, thỏ vằn và rất nhiều loài động thực vật khác.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy khu bảo tồn hiện có 1.035 loài thực vật, 42 loài thú, 139 loài chim, 54 loài cá, 84 loài bò sát, ếch, nhái và 284 loài bướm. Trong đó, nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Theo anh Phạm Viết Nước, những năm gần đây, trong quá trình tuần tra đã ghi nhận số lượng cá thể động vật tăng lên đáng kể như sơn dương, heo rừng, nai, thỏ vằn, mang lớn Trường Sơn và một số loài linh trưởng như khỉ, voọc chà vá chân nâu... Điều này là một niềm vui lớn đối với những nỗ lực không biết mệt mỏi của những người trực tiếp làm công tác giữ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học tại đây.
Anh Nguyễn Hữu Hóa, cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng (Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, với sự hỗ trợ của công nghệ, nhất là ứng dụng hệ thống bẫy ảnh trong rừng đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và nghiên cứu khoa học về quá trình phát triển và phân bố của các loại động vật tại khu bảo tồn.
Thời gian qua, các bẫy ảnh đã cung cấp nhiều hình ảnh tư liệu quý ghi nhận sự hiện diện của các loài động vật và mục tiêu quan trọng nhất của các bẫy ảnh này chính là hướng tới ghi nhận những cá thể sao la trong khu bảo tồn. Loài sao la có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis hay còn được gọi là "Kỳ lân châu Á" là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới.
Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh cho biết: Đơn vị đã hợp tác với nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã nghiên cứu, tìm kiếm dấu vết của loài sao la tại khu bảo tồn như đặt bẫy ảnh tại những vị trí có cây môn thục sinh trưởng, phát triển, vì đây là món ăn “khoái khẩu” của sao la; thu thập các mẫu phân động vật lạ hay lấy mẫu loài vắt trong rừng để các nhà khoa học tiến hành xét nghiệm, tìm ra manh mối…
Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh, nằm chung trong vùng sinh cảnh, năm 2013, Khu bảo tồn Sao La tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận bằng bẫy ảnh một cá thể sao la, gây chấn động giới nghiên cứu khoa học và bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế. Do vậy, cán bộ và nhân viên Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên - Huế rất hy vọng cũng sẽ phát hiện ra cá thể sao la ở khu bảo tồn trong tương lai.
Những năm gần đây, Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đầu tư, trang bị nhiều loại máy móc hiện đại giúp các đội tuần tra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện nay, nhân viên bảo vệ rừng chỉ cần dùng điện thoại thông minh để ghi lại các vị trí tuần tra, các địa điểm có dấu hiệu rừng bị xâm phạm, bắt gặp bẫy thú, lán trại, bắt gặp người dân vào rừng, gặp động vật rừng… Khi có sóng điện thoại những thông tin, hình ảnh này sẽ tự động cập nhật vào hệ thống, làm cơ sở cho quá trình phân tích, xử lý thông tin tại phòng chuyên môn của Ban Quản lý.
Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ, công tác bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh ở khu bảo tồn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như tình trạng chặt phá cây rừng vẫn diễn ra lẻ tẻ ở một vài thời điểm, hay các bẫy thú của người dân đặt trong rừng mặc dù đã giảm rõ rệt về số lượng nhưng chưa chấm dứt triệt để… Do vậy, việc duy trì các đội tuần tra bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu tối đa sự tác động tiêu cực của con người vào hệ sinh thái của rừng.
Đội tuần tra do anh Phạm Viết Nước làm đội trưởng sau nhiều ngày trèo đèo, lội suối, “ăn lán, ngủ rừng” đã hoàn thành nhiệm vụ. Theo anh Phạm Viết Nước, sau mỗi chuyến đi, có thêm một chiếc bẫy thú được tháo gỡ, tình cờ bắt gặp những con thú hoang, hay đơn giản thấy rừng không bị xâm hại, đó là niềm vui và động lực để các thành viên trong đội vượt lên những khó khăn vất vả và cả sự nguy hiểm để gắn bó với công việc, góp phần giữ gìn “kho báu” của rừng xanh cho các thế hệ mai sau..