(Tin Môi Trường) - Ngày 13/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (ô dôn) theo hình thức trực tuyến.
Ảnh minh hoạ: IE
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu, các nhà quản lý và hoạch định chính sách thuộc các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua đã có nhiều điểm mới đối với những quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường như: bổ sung nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone; quy định chi tiết hơn các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, là tiền đề phát triển thị trường các bon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo các điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozone mà Việt Nam đã thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về tính khả thi của các nội dung dự thảo Nghị định; lộ trình và giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia, vận hành thị trường các bon và kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ozone; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai những Quy định mà Nghị định sẽ đưa ra.
Tiến sỹ Lương Ngọc Minh, Trưởng phòng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn (Cục Biến đổi khí hậu) cho biết, đối với nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tổ chức và phát triển thị trường carbon (các bon), dự thảo Nghị định được xây dựng theo định hướng: phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan; phát triển nền kinh tế các bon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững. Dự thảo Nghị định cũng đảm bảo tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch. Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Chính phủ điều chỉnh theo ưu tiên phát triển quốc gia và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC), phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hằng năm của các cơ sở. Cụ thể, Giai đoạn đến hết năm 2025, Việt Nam giảm tối thiểu 210,5 triệu tấn CO2 tương đương và giai đoạn 2026 - 2030, giảm tối thiểu 353,2 triệu tấn.
Nhân dịp này, các đại biểu cũng đưa ra tham vấn về trách nhiệm của các bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc thực hiện các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị định như: công tác kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; triển khai thí điểm, tiến tới vận hành thị trường carbon, quản lý hiệu quả các chất làm suy giảm tầng ozone; huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế, sự hỗ trợ, tham gia của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong các hoạt động nêu trên..