(Tin Môi Trường) - Đăng tải những thông tin không phù hợp với tính năng, công dụng của mỹ phẩm và “hiên ngang” đưa lên website logo của Bộ Y tế kèm dòng chữ “Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn quốc gia” … (!?)
Mỹ phẩm Hana Miss quảng cáo 'Lố' đánh lừa người tiêu dùng
Thời đại bùng nổ internet, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm chọn hướng đi cho mình là quảng cáo, tiếp thị, bán hàng thông qua website thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok,…
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng do các hình thức kinh doanh online mang lại, cũng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, vi phạm pháp luật.
website: www.hana miss.vn
Điển hình là trường hợp sản phẩm nhãn hiệu Hana Miss. Theo bạn đọc phản ánh, sản phẩm này được các tổ chức, cá nhân kinh doanh online quảng cáo sai tính năng, công dụng đã được công bố với cơ quan chức năng, có dấu hiệu đánh lừa người tiêu dùng.
Trích đoạn một số bài viết trên website www.hana miss.vn : Công ty TNHH Hana Miss; Mỹ Phẩm Trị Mụn Quốc Dân; Kem PEEL GINSENG WHITENING ACNES (Kem chấm mụn) là một trong những dòng kem trị mụn hot nhất thị trường hiện nay…
Tiếp đến, tài khoản Facebook https://www.face book.com/shark.truc đăng tải hình ảnh sản phẩm PELL GINGSEN WHITENING ACNES nhãn hiệu Hana Miss kèm dòng chữ: Điều trị các loại mụn.
Và còn rất nhiều bài viết khác trên các tài khoản facebook: https://www.face book.com/hanamisschinhhang/; https://www.face book.com/ trimunquocdanhanamiss/; https://www.face book.com/trimunhahamiss/; … có nội dung tương tự.
Tài khoản facebook: https://www.face book.com/shark.truc
Theo quy định tại Thông tư số 7/VBHN-BYT ngày 16/3/2021 của Bộ Y tế thì: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Và phụ lục của thông tư này nêu rõ, những từ ngữ giới thiệu tính năng không được chấp nhận trong việc công bố mỹ phẩm là: Trị mụn, chữa khỏi, làm lành mụn.
Ngoài ra, theo Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, điều kiện tiên quyết là: Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
Do đó, có thể thấy nội dung quảng cáo sản phẩm nhãn hiệu Hana Miss tại website thương mại điện tử và các tài khoản mạng xã hội kể trên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong quá trình thu thập thông tin, phóng viên phát hiện website www.hana miss.vn còn “hiên ngang” đăng cả logo của Bộ Y tế, cùng lời khẳng định: “ Bộ y tế công nhận đạt chuẩn quốc gia”; “ Hana Miss là đơn vị có quy trình gia công mỹ phẩm thiên nhiên tiêu chuẩn cGMP được bộ y tế công nhận...”
Và ở phần giới thiệu thì cho rằng: “Công ty TNHH Hana Miss là doanh nghiệp chuyên sản xuất mỹ phẩm cao cấp với nguyên liệu thiên nhiên 100% nhập khẩu từ nước ngoài bao gồm các đối tác lớn chủ yếu từ Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc…”
Với lời giới thiệu khá hoành tráng như trên, có thể khiến không ít người tiêu dùng nghĩ rằng đây là một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tầm cỡ, tiềm lực vững mạnh.
Logo của Bộ Y tế trên website www.hana miss.vn
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về Công ty TNHH Hana Miss, phóng viên nhận thấy có nhiều điều bất thường. Bởi căn cứ nghị định 93/2016/NĐ-CP của Chính phủ, nếu doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (CGMP-ASEAN) thì trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được văn bản của Bộ Y tế, Sở Y tế nơi đặt nhà máy có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cho doanh nghiệp này.
Trường hợp không được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận CGMP-ASEAN, vẫn phải được Sở Y tế cấp phép sản xuất mỹ phẩm.
Trong khi đó, công ty TNHH Hana Miss mới được thành lập vào tháng 1 năm 2021, trụ sở chính tại TPHCM, không có chi nhánh ở tỉnh, thành khác. Và trong danh sách các cơ sở sản xuất mỹ phẩm được Sở Y tế TPHCM cấp phép từ đầu năm 2021 cho đến nay, không có tên của doanh nghiệp này !?
Phải chăng doanh nghiệp Hana Miss chỉ lợi dụng danh nghĩa Bộ Y tế để “Nổ” với khách hàng và đại lý chứ không hề được cấp phép sản xuất, gia công mỹ phẩm?
Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền nên sớm vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm để răn đe. Tránh việc lan truyền những thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan công quyền.