(Tin Môi Trường) - Luật di sản về giác quan Pháp vừa được thông qua là chiến thắng của những nỗ lực trong nhiều năm đấu tranh nhằm bảo vệ quyền được duy trì các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đặc trưng, tạo nên cái hồn của mỗi vùng nông thôn khác nhau của nông dân. Đó là thông điệp nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc bảo vệ những không gian đậm chất nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa sâu sắc hiện nay.
Chiếc quạt gió -hiếm hoi còn lại ở một vùng -nông thôn tại Úc.-Ảnh: Carly Veitch
Kiện con gà trống gáy
Kể từ ngày 21-1, mùi và âm thanh đặc trưng của nông thôn nước Pháp như tiếng chuông réo rắt trên cổ trâu bò, tiếng máy cày ồn ào ra đồng vào buổi sáng sớm, tiếng bầy vịt om sòm, mùi ngai ngái của phân bò, rơm rạ... được coi là di sản thuộc về giác quan và được bảo vệ bằng luật pháp.
Tại Pháp, ngày càng có nhiều người ở nơi “lan quế phường” có nhu cầu chuyển về nông thôn sống cuộc sống hưu trí hoặc nghỉ dưỡng những ngày cuối tuần. Trong khi người nông thôn vẫn tất bật với cuộc sống thường ngày, nào đồng áng, nào chăn nuôi và chỉ muốn nghỉ ngơi, tìm sự yên tĩnh. Do vậy mâu thuẫn nảy sinh.
Năm 2019, một người phụ nữ nuôi vịt đẻ ở vùng Landes, thủ phủ nghề ấp vịt của Pháp, bỗng dưng bị lôi ra tòa vì người hàng xóm mới đến đâm đơn kiện bà. Lý do là họ đã chán ngấy tiếng cạp cạp và mùi “rất vịt” của 50 con ngỗng và vịt đẻ sau vườn nhà bà.
Ở Dordogne, một cặp vợ chồng bị kiện vì bọn ếch kêu trong ao vườn nhà họ quá to mồm. Ở Beausset thuộc Provence, những người thành phố về nghỉ ở nông thôn yêu cầu thị trưởng bắt những con ve sầu im miệng trong mùa hè vì chúng thật điếc tai.
Nhưng vụ việc được chú ý nhiều nhất là vụ chú gà trống Maurice ở Saint-Pierre d’Oléron bị hàng xóm kiện. Bà Corinne Fesseau, chủ của Maurice, phải ra hầu tòa trong một vụ việc mà bà cho là vô cùng phi lý. Vợ chồng hàng xóm mới nghỉ hưu ở nông thôn cho rằng Maurice gây ra quá nhiều tiếng ồn phiền toái khi nó gáy lúc 6h30 sáng mỗi ngày, làm náo động sự bình yên của họ.
Người hàng xóm yêu cầu Maurice phải được đưa đi nơi khác hoặc bị “im miệng” theo một cách nào đó. Tháng 9-2019, tòa xử Maurice và chủ của nó chiến thắng. Phán quyết đứng về phía thỉnh nguyện của ít nhất 140.000 người đã xuống đường bày tỏ ý kiến hoặc đã ký đơn kêu gọi “cứu Maurice”.
Mừng đến phát khóc sau phiên tòa, bà Corinne cho biết: “Tôi hi vọng kết quả này sẽ là tiền lệ cho những trường hợp tương tự khác”. Mong muốn của bà là những đặc trưng của nông thôn như tiếng chuông nhà thờ, tiếng ếch nhái... sẽ được bảo vệ. “Cần có luật Maurice để bảo vệ những âm thanh của vùng nông thôn” - bà Corrine nói với các phóng viên.
Vụ kiện chú gà Maurice và những vụ kiện tương tự chống lại tiếng chuông nhà thờ, chuông bò, tiếng ve sầu và mùi thối từ các trang trại ở nông thôn đặt ra vấn đề làm sao để bảo vệ văn hóa nông thôn trước những mong đợi của người thành phố. Các nhà lập pháp ở Pháp đã nhận thấy đòi hỏi này là có lý.
Một trại nuôi gia súc ọp ẹp theo thời gian, không còn được sử dụng nằm trên đồng ở hạt Knox, bang Missouri, Mỹ
Phong trào bảo tồn
nông thôn
Emma Bridgewater, người đứng đầu chiến dịch bảo vệ nông thôn (CPRE) xứ England ở Anh, có lý do mãnh liệt muốn bảo tồn vùng nông thôn. “Khi cần tìm cảm hứng, tôi và chồng đi về vùng quê. Chúng tôi sẽ đi picnic hoặc lang thang ở một nhà thờ cũ và điều này có ý nghĩa rất nhiều với tôi.
Cảm giác được ra ngoài trời, được trút bỏ những căng thẳng bằng mấy ngụm không khí và đất trời ở nông thôn thật tuyệt vời. Bảo vệ nông thôn để bất cứ ai cũng có một không gian xanh để trở về” - bà nói.
Từ năm 2005, báo cáo có tựa đề “Nông thôn của bạn, chọn lựa của bạn” của CPRE cảnh báo quá trình đô thị hóa và phát triển ngày càng nhanh có thể dẫn đến sự hủy diệt của vùng nông thôn truyền thống của Anh trong một thế hệ.
Theo báo cáo, việc mở rộng các khu dân cư, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, xây dựng đường sá và sân bay nhanh chóng, kết hợp với sự suy giảm đều đặn của nông nghiệp truyền thống, có thể làm cho vùng nông thôn truyền thống quý giá của Anh biến mất hoàn toàn vào năm 2035.
Paul Kingsnorth, tác giả báo cáo, cho biết trong tương lai ta có thể chạy xe và thấy thị trấn nối liền thị trấn chứ không có sự khác biệt hay không gian chuyển đổi đáng kể giữa thành phố, thị trấn.
Có thể hình dung khi ra khỏi thành phố, chúng ta lại đi vào vùng ngoại thành với những bãi đậu xe rộng lớn, các khu dân cư ở nối dài, nhà kho to tướng nằm giữa những mảnh đất trống được kết nối với mạng lưới đường lớn, đường nhỏ, đường vành đai.
Báo cáo chỉ ra nhiều đe dọa lâu dài nghiêm trọng mà vùng nông thôn nước Anh phải đối mặt, trong đó mối đe dọa lớn nhất với nông thôn là mật độ và tốc độ xây dựng nhà cửa ngày càng nhiều, hoạt động mở rộng giao thông, sự xuất hiện của nhiều ôtô hơn, nông thôn bị ồn ào hơn và sự yên tĩnh thành xa xỉ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo đô thị hóa vùng nông thôn có thể làm giảm sút nghiêm trọng diện tích đất canh tác. Nông dân phải thâm canh trên những miếng đất còn lại, trong khi nhiều mảnh đất khác bị bỏ hoang chờ xây dựng.
Hiện tại những thay đổi này đã diễn ra. Giao thông trên đường nông thôn ở Anh tăng nhanh hơn ở các khu vực thành thị. Tổng diện tích của những “vùng nông thôn yên tĩnh” giảm 20% từ những năm 1960 đến 1994 và xu hướng này vẫn tiếp tục.
Tom Oliver, người đứng đầu chính sách nông thôn của CPRE, cho biết: “Nông thôn không phải là nguồn tài nguyên vô hạn, có khả năng phục hồi sau những thiệt hại lặp đi lặp lại. Nông thôn là của tất cả mọi người. Tất cả chúng ta có một phần vai trò trong sự sống còn của nó cho chính chúng ta và cho con cái sau này”.
Các nước trên thế giới từ Mỹ, Canada, Thụy Điển đến Úc, Trung Quốc hay Nhật Bản đều chứng kiến sự mất chất của nông thôn. Những năm 1960, ở Mỹ người ta đã lo ngại về cái gọi là đổi mới nông thôn, suy thoái nông thôn, sự “chết mòn” của những cộng đồng ở vùng nông thôn do suy giảm dân số, thiếu cơ hội việc làm, suy thoái kinh tế. Một phong trào bảo tồn nông thôn trước khi những di sản về lối sống của ông cha bị biến mất đã hình thành.
Các nhà bảo tồn đã khảo sát ở các tiểu bang như Colorado, Connecticut, Michigan, Missouri, New Hampshire, Ohio, Oklahoma, Vermont và Washington để thống kê số lượng chuồng trại gia súc cũ cần bảo tồn. Họ ghi chép những thông tin về thiết kế, đặc điểm lịch sử liên quan, mục đích sử dụng và tình trạng hiện tại để giúp các nhà bảo tồn có cơ sở để bảo tồn những cảnh quan này.
Dù không còn mục đích sử dụng như của ngày xưa, người ta không coi những chuồng trại ọp ẹp, xiêu vẹo, nước sơn bong tróc, thậm chí mất đi vài mảnh gỗ ở nông thôn Mỹ là vô giá trị. Với nhiều người, đây là nhân chứng của quá khứ mà nó gợi cho người ta nhiều hoài niệm, hiện thân của một sự lãng mạn nhất định.
Ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc bảo tồn hoặc ít nhất là số hóa hình ảnh của những chuồng gia súc này trước khi chúng bị thời gian, đô thị hóa xóa xổ mà chi phí bảo tồn lại quá cao.
Tại Úc, một cụ ông đã dành cả tuổi gần đất xa trời để bảo tồn những cánh quạt gió trước khi chúng biến mất vì không còn giá trị sử dụng. Nhiều vùng ở Úc, những cây quạt gió khiêm nhường được dùng để xay ngũ cốc hay bơm nước là chứng nhân lịch sử.
Không có chúng, những vùng hẻo lánh khô cằn gần như không thể trồng trọt, canh tác được. Nhưng biểu tượng một thời nay đang dần biến mất trên những cánh đồng và được thay thế bằng máy móc cơ giới phục vụ nông nghiệp hiện đại. Những cây quạt gió hư hỏng còn sót lại được ông Jim Sawyer, 85 tuổi, dành tuổi xế chiều của mình để hồi sinh những chiếc cối xay gió cũ bị lãng quên.
Ông đi khắp nước Úc để tìm chúng, mang về sửa chữa, sơn phết tỉ mỉ từng bộ phận. Ông đã phục dựng hơn 90 cây quạt gió để giới thiệu hoàn toàn miễn phí cho mọi người với hi vọng khi nhìn chúng người ta được nhắc nhớ về nông thôn nước Úc xưa.
Trên tạp chí Nghiên Cứu Nông Thôn năm 2019, một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc và Thụy Điển xác nhận rằng suy giảm của nông thôn là quá trình không thể tránh khỏi khi xã hội loài người chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Sự biến mất của cảnh quan, ngành nghề truyền thống ở nông thôn có thể ảnh hưởng đến sinh thái.
Nghiên cứu xuất bản năm 2018 cảnh báo việc bỏ canh tác thuộc dạng truyền thống như trồng và trữ cỏ khô đã dẫn đến sự biến mất của những đồng cỏ đặc trưng của vùng đất ngập nước.■