(Tin Môi Trường) - Ông Phạm Văn Sơn, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) đã chia sẻ một số cảm nhận xung quanh việc Nhật Bản xả xuống biển nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Tiừ trái sang: Ông Phạm Văn Sơn -Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và ông Вадим Владимирович Бубликов - Tham tán công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam
Hậu quả do sự cố hạt nhân gây ra đối với sức khoẻ và môi trường nghiêm trọng hơn rất nhiều sự cố khác
Sự cố chất thải đối với các nhà máy sản xuất có thể diễn ra theo 3 tình huống: Sự cố cháy nổ, sập đổ công trình do thiên tai dẫn đến chất thải phát tán ra môi trường; sự cố khi hệ thống xử lý chất thải vẫn hoạt động bình thường, nhưng chất thải sau xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn xả ra môi trường; sự cố hệ thống xử lý chất thải bị trục trặc buộc phải dừng hoạt động của nhà máy để tiến hành sửa chữa.
Đối với nhà máy điện hạt nhân, hậu quả do sự cố gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường nghiêm trọng hơn rất nhiều, nhất là đối với nước thải nhiễm xạ thoát ra môi trường biển. Mối nguy hiểm này sẽ không chỉ đối với riêng quốc gia có nhà máy điện hạt nhân mà nó còn lan rộng theo dòng hải lưu và ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận khác.
Và vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là tổ chức nào trên thế giới có đủ thẩm quyền kiểm tra mức độ an toàn trong hoạt động của một nhà máy điện hạt nhân tại một quốc gia nào đó, có thẩm quyền giám sát thường xuyên và liên tục tính an toàn của nước thải nhiễm xạ thải ra môi trường sau xử lý?
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được thành lập từ năm 1957 với mục đích đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và ngăn chặn việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong mục đích quân sự. Tuy nhiên trong toàn bộ 23 Điều của Qui chế hoạt động của tổ chức này không có điều nào qui định về việc giám sát hoạt động của nhà máy điện hạt nhân cũng như tính an toàn của chất thải hạt nhân sau xử lý và thải bỏ ra môi trường.
Trong các nhiệm vụ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng không có nhiệm vụ kiểm tra giám sát tính an toàn của các chất thải sau xử lý thải bỏ ra môi trường từ các nhà máy điện hạt nhân, hay độc lập tiến hành quan trắc định kì chất lượng môi trường tại khu vực xung quanh các nhà máy điện hạt nhân nói chung trên toàn thế giới.
Cần có thông tin đánh giá khách quan của tổ chức quốc tế độc lập
Việc kiểm tra giám sát độc lập bởi tổ chức quốc tế có vai trò cực kì quan trọng để có thể có được thông tin khách quan, chính xác về tính an toàn trong hoạt động và phát thải ra môi trường của nhà máy điện hạt nhân bất kì trên thế giới. Tuy nhiên việc này là việc hết sức khó khăn và chúng ta chỉ có thể thụ động tiếp nhận thông tin khẳng định về sự “an toàn” tuyên bố từ chính nhà máy điện hạt nhân.
Các nhóm thanh tra của Liên hiệp quốc cũng chỉ có thể tiếp cận được hiện trường khi được phép nhập cảnh và sau độ trễ thời gian nhất định.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, nước thải tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima được xử lý bằng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, tuy nhiên vẫn còn chất phóng xạ tritium. Nồng độ tritium sẽ được làm loãng bằng 1/40 so với tiêu chuẩn quy định trong nước, và bằng khoảng 1/7 so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về nước uống. Việc xử lý ô nhiễm bằng cách pha loãng chất ô nhiễm với nước để hợp thức hóa việc xả ra môi trường nước là cách không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, theo tờ Hankyoreh (Hàn Quốc), nước nhiễm xạ trong các bể chứa tại Fukushima không chỉ chứa tritium mà còn có các chất phóng xạ chết người khác. Mặc dù đã được xử lý nhưng khoảng 70% lượng nước này còn chứa các chất như cesium, strontium hay iodine.
Vì vậy, người dân của các quốc gia lân cận Nhật Bản và trên toàn thế giới cần có thông tin đánh giá khách quan của tổ chức quốc tế độc lập về tính an toàn của phương án xử lý nước thải do nhà máy điện hạt nhân Fukushima đưa ra, kiểm soát toàn bộ hoạt động xử lý và xả thải của nhà máy này. Đồng thời người dân trên toàn thế giới cũng rất cần tiếp cận với các kết quả nghiên cứu khách quan về tác động dài hạn đối với sức khỏe con người và môi trường do chất thải phát sinh từ các nhà máy điện hạt nhân trong nhiều thập niên qua.
Tiếp đón Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tại Đại sứ Quán Nga.
(Từ trái sang: Ông Phạm Văn Sơn, ông Вадим Владимирович Бубликов -Tham tán công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và Ông Александр Анатольевич Маслов - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Nga tại Việt Nam).
Việt Nam có bị ảnh hưởng, và những thách thức chúng ta phải đối diện?
Thế giới chưa có qui định bắt buộc đối với nước có nhà máy điện hạt nhân về việc phải cho các thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thường trú tại nước có nhà máy điện hạt nhân để giám sát kiểm tra thường xuyên nước thải xả ra từ các nhà máy điện hạt nhân hoặc cung cấp số liệu quan trắc online, cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.
Do không có qui định bắt buộc đó, nên việc kiểm tra sẽ không có tính khả thi thì có nghĩa là các nhà máy hạt nhân có thể hàng ngày âm thầm xả nước thải ra môi trường biển một cách tự do, hoặc có trách nhiệm hơn bằng cách pha loãng trước khi xả.
Việc xử lý xả thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima dự kiến kéo dài cả thập niên nên chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường biển của các quốc gia có biển. Đối với một quốc gia ven biển và có bờ biển dài như Việt Nam nên việc bị ảnh hưởng chắc chắn là sẽ có. Các sinh vật sống trong đại dương chắc chắn sẽ có bị ảnh hưởng bởi nước xả thải của nhà máy điện hạt nhân này, nên hàng ngày nếu lỡ chúng ta ăn phải các hải sản bị nhiễm xạ đó thì hậu quả tích tụ lâu dài sẽ rất nguy hiểm.
Hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường nước, các triệu chứng bệnh tật con người mắc phải từ chất thải nhiễm xạ và hóa chất độc hại do nhà máy hạt nhân thải ra biển có thể sau rất nhiều thập kỷ tính từ thời điểm kết thúc xả thải chúng ta mới có thể phát hiện ra.
Việc Nhật Bản chủ động tuyên bố công khai về hành động sẽ xử lý nước thải hạt nhân ở mức độ tốt nhất rồi mới xả ra môi trường đã thể hiện quan điểm minh bạch thông tin nhằm tiến tới đóng cửa toàn bộ hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, thông tin minh bạch không đồng nghĩa với việc đã xử lý hết các tác hại của các chất độc còn tồn dư trong nước thải của nhà máy điện hạt nhân xả ra môi trường.
Vì vậy, chúng ta cần phải nghĩ và xây dựng phương án hoặc giải pháp ngăn ngừa ngay từ bây giờ.
Việt Nam nói gì về việc Nhật Bản xả nước thải ở Fukushima ra biển?
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 29/4, khi được đề nghị đưa ra bình luận về việc Nhật Bản xả nước thải ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nêu rõ:
“Việt Nam ủng hộ quyền phát triển, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân thuộc về quốc gia, song đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, minh bạch trong chia sẻ thông tin, ứng xử có trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn.
Việt Nam đề cao việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường biển và các tài nguyên biển phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA”.
Trước đó, hôm 13/4, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ đổ ra biển hơn 1 triệu tấn nước đã xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima. Quyết định xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển được đưa ra một thập kỷ sau thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.
PHẠM VĂN SƠN - Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS)