Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Con cá mà biết nói năng

(00:33:34 AM 02/05/2021)
(Tin Môi Trường) - Trải qua nhiều thập kỷ, điều kiện sống và quy trình giết mổ các loài thuộc nhóm “lục súc” đã được cải thiện, nhờ các bước tiến trong việc đấu tranh cho phúc lợi động vật (animal welfare). Loài cá chưa có được may mắn này, ít nhất là cho đến hiện tại.

 Con cá mà biết nói năng
Ảnh: faunalytics.org
 
Ước tính mỗi năm loài người nuôi từ 73 - 180 tỉ con cá làm thức ăn, nhiều hơn tất thảy các loài gia súc, gia cầm. “Hãy quan tâm đến phúc lợi của loài cá” không đơn thuần là lời hô hào vì lý do nhân đạo. Đối xử tốt hơn với cá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho các trang trại cá.

Đời con cá
 
Các mối quan tâm về phúc lợi động vật thường xoay quanh 3 trụ cột: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và quyền được thực hiện các hành vi tự nhiên của vật nuôi. Thật không may, những điều này là xa xỉ với cá.
 
Phần lớn lượng hải sản mà thế giới đang tiêu thụ có nguồn gốc từ các trại cá, vượt lượng cá đánh bắt ngoài tự nhiên. Khoảng 90% trong số đó được nuôi ở châu Á, chủ yếu ở Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh.
 
Nếu như cá đánh bắt từ đại dương phải chờ đợi cái chết của nó trong vài phút đến vài giờ trên boong tàu, thì cá sống trong các trang trại phải chịu đựng điều đó trong nhiều tháng, thậm chí hơn một năm, trước khi chúng trở thành thực phẩm. Có nhiều cách thiết kế trại cá, như đặt những bể nước lớn trên mặt đất, đào ao, đóng lồng bè trên sông hoặc ngoài khơi. Dưới bất kỳ hình thức nào, 3 vấn đề phúc lợi đáng chú ý nhất với cá nuôi là không gian sống, cách phòng bệnh và quy trình giết mổ.
 
Trong một khoảng không gian giới hạn, để thu hoạch được lượng thịt càng nhiều càng tốt, người ta thường tăng số lượng cá nuôi nhốt trong bể. Lồng, bể chật hẹp khiến cá không thể bơi lội theo bản năng. Ví dụ, cá hồi Đại Tây Dương - dòng cá thương phẩm phổ biến trên thế giới - chỉ có thể bơi vòng tròn quanh lồng, cọ xát vào lưới và vào thân nhau tại các trại cá, trong khi tập tính của chúng là di cư và thường bơi rất xa ở đại dương bao la.
 

Con cá mà biết nói năng

 Thu hoạch cá hồi Đại Tây Dương. Chiếc bể trong hình có thể tích 150m3 với số lượng cá có thể lên đến hàng trăm con. -Ảnh: K. Sharrer / Conservation Fund Freshwater Institute
 
Tình trạng đông đúc có thể làm giảm chất lượng nước (do chất thải của cá và việc sử dụng thuốc kháng sinh), tăng căng thẳng và tính hung hăng ở cá, từ đó gia tăng thương tích (vì chúng có thể đánh nhau). Phải sống trong môi trường nước kém chất lượng với bao nỗi khổ tâm, chẳng trách lũ cá suy giảm sức đề kháng và bệnh nấm, ký sinh trùng dễ lây lan. Khi đó, việc xử lý bằng hóa chất hay thuốc kháng sinh là không tránh khỏi.
 
“Việc sử dụng thuốc nhằm đối phó dịch bệnh chỉ là giải pháp ban đầu kiểu “băng cá nhân” để các hoạt động này [việc nuôi trồng] được tiếp tục, thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các bệnh truyền nhiễm hàng loạt: phúc lợi kém” - Tổ chức Fish Welfare Initiative (FWI) nhận xét trong báo cáo toàn cảnh ngành thủy sản châu Á năm 2020. Đó là chưa kể các hóa chất mạnh có thể tiếp tục làm suy giảm chất lượng nước, sức khỏe cá nuôi và môi trường xung quanh.
 
Cũng thật khó để mong đợi người tiêu dùng thoáng nghĩ về điều này trước khi thưởng thức miếng cá phi lê, nhưng sự thật chỉ có một: miếng thịt đó từng thuộc về một con cá. Và cá nuôi được giết mổ bằng nhiều cách khác nhau: cho ngạt khí CO2, hoặc để cá từ từ ngạt thở trên cạn, hay chế biến khi cá vẫn còn sống. Cũng có một số phương pháp được coi là nhân đạo hơn, như làm ngất cá bằng giật điện trước khi giết mổ - đây cũng là yêu cầu “vì nhân đạo” của Tesco, chuỗi siêu thị hùng mạnh ở Anh, dành cho các đối tác cung ứng, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, chưa có gì đảm bảo cách làm này sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu trong ngành thủy sản nói chung. 

Phúc lợi cho cá thì được gì?
 
Tăng phúc lợi cho cá nuôi nghĩa là cải thiện những vấn đề nói trên. Thoạt nghe, chuyện này có vẻ gây tốn kém cho người nuôi cá: phải tăng thể tích bể hoặc giảm mật độ cá, trang bị máy làm ngất cá và tốn thêm thời gian cho “thủ tục” đó trước khi giết mổ… Thế nhưng, thực nghiệm đã chứng minh: người có công, cá chẳng phụ. Các nhà vận động đưa ra một phương trình đơn giản: điều kiện sống tốt hơn = tỉ lệ sống sót cao hơn = năng suất cao hơn, đặc biệt khi chi phí đầu tư cải tiến thấp hơn lợi nhuận thu về.
 
Theo một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí quốc tế Aquaculture Economics and Management, các trại cá ở Na Uy có thể vừa tăng lợi nhuận vừa cải thiện phúc lợi cho cá hồi Đại Tây Dương bằng việc trang bị công nghệ loại bỏ CO2 trong nước (hãy liên tưởng đến buồng thang máy đông đúc ngột ngạt, cánh cửa mở ra sẽ giúp carbonic thoát ra và oxy ùa vào).
 
Không những nâng cao sản lượng, người nuôi cá có thể bán sản phẩm với giá cao hơn, từ đó tăng doanh thu. Khách hàng ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) hay các nước châu Âu đánh giá cao các sản phẩm gắn với phúc lợi động vật, sẵn sàng trả thêm tiền cho các lựa chọn này (theo một nghiên cứu và báo cáo của Eurogroup for Animals cùng trong năm 2018).
 
Nhiều nghiên cứu trên thế giới còn chứng minh rằng giảm nỗi đau và sự căng thẳng của cá nói riêng và động vật nói chung trong quá trình giết mổ sẽ nâng cao chất lượng thịt. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn tranh cãi.
 
 Con cá mà biết nói năng
Các lồng nuôi cá rô phi ở Laguna de Bay, hồ lớn nhất ở Philippines, bị nghẹt thở bởi tảo nở hoa do chúng tạo ra. Quá nhiều cá nuôi tại đây dẫn đến chất dinh dưỡng dư thừa, kích hoạt tảo nở hoa - tảo tiêu thụ oxy và giết chết cá. -Ảnh: Brian Skerry/ National Geographic
 
Những tín hiệu tốt
 
Năm 2015, Tổ chức Thú y thế giới công bố các khuyến nghị về việc giết mổ cá. Năm 2020, nền tảng Phúc lợi động vật của Liên minh châu Âu đặt ra các tiêu chuẩn phúc lợi cho cá để Ủy ban châu Âu xem xét. “Sự phát triển có phần khiêm tốn và mang tính biểu tượng này đang tạo tiền đề cho phong trào phúc lợi của cá, nhưng vẫn không bằng các tiêu chuẩn phúc lợi động vật cho gia súc, gia cầm” - trang Vox bình luận.
 
Một trong những lý do cho sự chậm trễ này chính là sự phức tạp của ngành sản xuất cá. Các nơi chăn nuôi động vật trên cạn khá tương đồng: một số ít loài được nuôi và nhà máy sản xuất trứng gà ở Mỹ sẽ hao hao trang trại trứng ở Ấn Độ. Nhưng ngành thủy sản thì phức tạp hơn: nhiều loài cá khác nhau và nhiều hình thức nuôi khác nhau.
 
Ở châu Á - trại cá lớn nhất thế giới, giới ủng hộ phúc lợi động vật cũng bắt đầu để tâm đến loài vật im lặng này. Năm 2019, các nhà vận động ở Đài Loan kêu gọi chấm dứt một tập tục buộc miệng và đuôi cá sống tạo thành hình lưỡi liềm vốn đã tồn tại hàng thế kỷ, vì đây là “một hình thức tra tấn”. Đầu năm nay, FWI đã công bố một dự án ở Ấn Độ (đứng thứ hai thế giới về sản lượng cá nuôi) nhằm giúp nông dân cải thiện chất lượng nước và đặt ra giới hạn về số lượng cá tối đa trong mỗi bể hoặc ao nuôi nhốt. FWI cũng đang mời gọi hợp tác từ các quốc gia trong khu vực.
 
Không quá bất ngờ khi phúc lợi của loài cá lâu nay bị thờ ơ. Ta ít tương tác với cá vì chúng sống dưới nước. Cá cũng không thể rên rỉ hay kêu gào, hoặc mặt nhăn mày nhó như heo, bò hay gà, vịt. Và các loài động vật càng ở xa loài người trong cây tiến hóa thì càng ít được chúng ta quan tâm bảo vệ, theo một nghiên cứu của Pháp đăng trên tạp chí Nature cuối năm 2019.
 
Thế nhưng, cá vốn dĩ là động vật thông minh, nhạy cảm và như chúng ta, chúng thích tự do phiêu lưu, khám phá, giao tiếp, đi săn và chơi đùa. Khi nhân loại đang ngày càng tiến bộ trong cách đối xử với vật nuôi, cần đảm bảo rằng loài cá không bị bỏ lại phía sau.■
Một trở ngại lớn trong phong trào bảo vệ phúc lợi cho cá là tranh cãi liệu cá có cảm nhận được đau đớn hay không. Trước đây, người ta cho rằng cá thiếu vỏ não - phần não cho phép động vật có vú tiếp nhận thông tin cảm giác, điều khiển vận động, trí nhớ, xúc cảm, ngôn ngữ - nên cá không thể cảm thấy đau. Nhưng từ những năm đầu 2000 đến nay, các nhà nghiên cứu đã nhiều lần chứng minh được rằng cá có sự thay đổi hành vi trong những điều kiện bất lợi (chẳng hạn trở nên biếng ăn và lười vận động), đồng thời ngừng các hành vi này khi nhận được thuốc giảm đau. Hay nói cách khác, cá cũng biết đau.
(LÊ MY/TTCT)