(Tin Môi Trường) - “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau” là thông điệp mà Công ty cổ phần Nhựa Super Trường Phát luôn đem theo trong những chương trình hay mỗi chuyến đi kết nối cung - cầu ở các địa phương ven biển. Sản phẩm ống, lồng, phao, giàn HDPE - công nghệ hiện đại, vật liệu thân thiện với môi trường đã làm cầu nối giữa Super Trường Phát, người nuôi biển, các nhà quản lý xích lại gần nhau hơn để cùng hành trình tiến ra biển lớn. Đây cũng là quyết tâm của Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Giám đốc điều hành Nhựa Super Trường Phát chia sẻ sau chuyến công tác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Giám đốc điều hành Nhựa Super Trường Phát
- Xin Bà cho biết, lý do vì sao bà lại tiếp tục chọn Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương khảo sát thực tế, ở góc độ doanh nghiệp Bà có thấy gì về thực tế nghề nuôi biển ở đây?
Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT) là một trong những tỉnh ven biển có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, nhưng vẫn nằm chủ yếu ở các khu vực cửa sông, cửa biển gần bờ và nuôi theo phương thức sử dụng công nghệ thủ công. Cách nuôi như vậy dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố con người và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi BR-VT được xem là địa phương có điều kiện thuận lợi lý tưởng để trở thành đầu tàu của ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam nhờ vùng biển rộng, cộng với hệ thống cảng, công nghiệp phụ trợ phát triển. Tôi cho rằng, một địa phương có tiềm năng phát triển du lịch biển như BR-VT cần có những phương thức phát triển hiện đại để tích hợp cùng phát triển nuôi biển nhưng bảo vệ được môi trường.
Đến với BR-VT, chúng tôi mang đến thông điệp về sản phẩm lồng nổi, phao nổi và lưới HDPE SuperPlas. Các sản phẩm này hiện đã được sử dụng tại nhiều vùng nuôi ở tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa và một số dự án Nuôi trồng thủy sản, Nuôi biển bền vững trên khắp cả nước.
-Vậy Bà muốn chia sẻ gì về công nghệ của Super Trường Phát với người nuôi biển ở Bà Rịa -Vũng Tàu và vận động sự cần thiết chuyển đổi ứng dụng công nghệ cao, vật liệu an toàn vào thực tế nuôi biển?
Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Super Trường Phát là một doanh nghiệp đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, chuyên sản xuất về ống nhựa HDPE cho các lĩnh vực: Cấp thoát nước, Xây dựng hạ tầng, Nông nghiệp, Nuôi trồng Thủy sản, Phòng cháy chữa cháy, Điện lực, Khai khoáng và Truyền tải,... Riêng lĩnh vực nuôi biển, với Super Trường Phát đây là thị trường khá mới trong hơn 2 năm nay. Là người đã gắn bó với ngành nhựa, tìm hiểu nhiều năm về nghề nuôi biển từ các nước bạn, tôi tự tin khẳng định rằng sản phẩm nuôi biển từ HDPE là giải pháp giúp được người nuôi biển phát triển kinh tế bền vững.
Thực tế hiện nay, hình thức nuôi ở BR-VT chủ yếu nuôi theo các cách thức truyền thống phần lớn các lồng bè được làm bằng gỗ, phao xốp hoặc phao phi. Tuy nhiên, các loại vật liệu trên thường có tuổi thọ rất thấp, chống chịu kém với tác động của sóng gió, thuyền bè va đập, nên đã làm phát sinh một lượng lớn rác thải ra môi trường biển, tác động trực tiếp đến cảnh quan và hoạt động du lịch biển của đia phương. Tôi lấy một ví dụ như ở Vịnh Hạ Long, theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hằng năm các đơn vị thu dọn khoảng 2.000 tấn rác, trong đó có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ nuôi trồng thủy sản. Tôi thấy đây là một có số khủng khiếp và nó là thủ phạm làm ô nhiễm môi trường biển. Để cùng chung tay “xanh hóa những vùng biển”, Surper Trường Phát một lần nữa khẳng định sự quyết tâm đồng hành cùng VSA và các nhà quản lý, người nuôi biển địa phương để đẩy lùi vấn nạn rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường vùng biển nuôi hải sản. Với vật liệu nhựa HDPE của Super Trường Phát và cách làm của VSA, tôi nghĩ hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả lợi ích cho xã hội và môi trường.
-Vậy Super Trường Phát đã đồng hành hợp tác và triển khai mô hình mẫu tại địa phương nào chưa, kết quả bước đầu ra sao thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Chúng tôi đang triển khai Trang trại mẫu rất hiệu quả tại tỉnh Quảng Ninh, cụ thể là ở huyện Vân Đồn. Tại đây, chúng tôi được chính quyền địa phương, các cơ sở nuôi trồng thủy sản rất nhiệt thành ủng hộ. Điều đó được thể hiện bằng việc Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ công bố hợp quy của Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát. Trước đó, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, tăng cường bảo vệ môi trường, ngày 31/8/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định 31/2020/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh. Các thông số quy chuẩn trong quy định đều dựa trên cơ sở độ bền của nhựa HDPE theo hướng dẫn của FAO năm 2015 về vận hành nuôi trồng thủy sản đối với các lồng nhựa HDPE.
-Vậy lý do được ủng hộ là gì thưa Bà?
Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Với những tính năng vượt trội, hiện các sản phẩm từ nhựa HDPE của chúng tôi như phao HDPE, lồng HDPE, giàn HDPE đã được các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại địa phương sử dụng, đạt hiệu quả cao về thẩm mỹ và giá trị kinh tế. Nếu so với độ bền 50 năm của vật liệu với việc sử dụng miếng xốp hiện nay chỉ dùng được 1 - 2 năm rồi thải bỏ thì sản phẩm này không hề quá đắt. Song, đúng là vấn đề tài chính đầu tư ban đầu cho sản phẩm thân thiện môi trường là một việc không hề dễ dàng đối với bà con ngư dân, đặc biệt là những hộ nuôi nhỏ lẻ. Chính vì vậy, để hỗ trợ tối đa cho hoạt động phát triển nghề cá bền vững, Công ty đang triển khai dự án “Đồng hành cùng Quảng Ninh trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ”.
Công ty đã triển khai hoạt động hỗ trợ tín dụng bằng việc kết nối ngân hàng với người nuôi thủy sản; bán sản phẩm và thu tiền khi tới vụ thu hoạch. Đồng thời có chính sách hợp lý thu mua lại sản phẩm đã sử dụng sau tới 10 năm khi các hộ không có nhu cầu sử dụng hoặc muốn thay đổi với giá cả hợp lý. Hỗ trợ tối đa ngư dân về mặt kỹ thuật lắp đặt, cho mượn miễn phí máy bơm… Mặt khác, để tăng cường bảo vệ môi trường biển, doanh nghiệp sẵn sàng mua lại tất cả các sản phẩm thải, bỏ sau khi sử dụng để tuần hoàn tái chế.
-Để cùng làm nên làn sóng “xanh hóa” nền kinh tế biển trong nuôi trồng thủy sản Bà có chia sẻ thêm gì với người nuôi biển và chính quyền địa phương sở tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu?
Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/NĐ-CP về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng, đây là một chính sách mới, mở ra một cơ hội cho ngư dân có nguồn tài chính đầu tư ban đầu khi khu vực biển được giao có thể trở thành tài sản được cấp sổ xanh. Đây cũng là một sự hỗ trợ đắc lực từ phía chính sách của Nhà nước đối với vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển, có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Hy vọng, với buổi đầu làm việc thuận lợi tại BR-VT, các cơ quan quản lý địa phương có liên quan đến biển sẽ nhanh chóng bắt tay vào trợ giúp người nuôi bằng việc chuyển đổi hình thức, phương thức, công nghệ. Cách làm từ mô hình ở tỉnh Quảng Ninh sẽ được vận dụng phù hợp tại BR-VT. Đồng thời, sẽ có thêm nhiều địa phương khác cùng đồng hành giúp nhanh chóng có thêm nhiều công bố quy chuẩn hợp quy về vật liệu làm phao nổi, cao hơn nữa là Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN công bố tiêu chuẩn Việt Nam cho vật liệu làm phao nổi, lồng bè trên biển. Có như vậy mới thực sự tạo nên “làn sóng xanh hóa” nền kinh tế biển trong nuôi trồng thủy sản.