(Tin Môi Trường) - 75 sân golf đang hoạt động, hàng chục sân golf khác đang được đầu tư xây dựng. Với tốc độ tăng sân golf hiện nay (trung bình 2 tuần cấp phép 1 sân golf mới), Việt Nam được dự báo sớm trở thành một trung tâm du lịch golf của khu vực. Nhưng những tiếng nói xác đáng và có luận cứ khoa học cũng đang nhấn mạnh tới những tổn thất và hệ lụy nhãn tiền từ cuộc đua sân golf sốt sắng này.
Cấp phép theo nhu cầu địa phương
Hồi năm 2014, theo Quy hoạch sân golf Việt Nam điều chỉnh, đến năm 2020 cả nước có 96 sân golf. Số sân golf này được cấp phép xây dựng tại 37 địa phương trên cả nước.
Đáng nói là, không chỉ những địa phương kinh tế phát triển, giàu tiềm năng, lợi thế du lịch muốn cấp phép đầu tư sân golf mà ngay cả các địa phương không có thế mạnh về du lịch như Tiền Giang, Kon Tum, Bắc Giang… cũng nhảy vào cuộc đua sân golf này.
Cuộc đua đó gần đây càng sôi động hơn khi nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành. Đồng thời, Luật quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) cũng mở cửa thông thoáng hơn cho việc đầu tư kinh doanh dự án sân golf.
Theo đó, quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố. Cũng theo luật này, sẽ không có quy hoạch sân golf quốc gia giai đoạn sau năm 2020, đồng nghĩa với việc địa phương được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh.
Cho đến giờ, chưa cơ quan nào thống kê chính xác được số lượng sân golf cả nước khi có hàng loạt sân golf mới được các địa phương cấp phép ồ ạt theo đề xuất của các nhà đầu tư.
Năm 2009, Thái Nguyên mới có quy hoạch sân golf đầu tiên, đến năm 2011, tỉnh này đề xuất bổ sung 4 sân golf với diện tích gần 500ha đất. Trong 4 dự án đề xuất này, mới có 1 dự án có chủ đầu tư là sân golf Yên Bình, các dự án còn lại được tỉnh giải trình là “quy hoạch để thu hút đầu tư”.
Dự án sân golf Yên Bình đang triển khai với diện tích khoảng 176ha, trong đó hơn 8,2ha dành cho dịch vụ nghỉ dưỡng trong khu vực hơn 13ha đất được quy hoạch là khu phục vụ thể thao.
Năm 2015, dự án sân golf FLC Quy Nhơn Golf Links thuộc khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến (Bình Định) với diện tích 70,56ha được bổ sung vào quy hoạch.
Năm 2017, Phú Thọ đề nghị bổ sung dự án sân golf Ao Châu vào quy hoạch sân golf của tỉnh với diện tích gần 500ha để tỉnh kêu gọi đầu tư vào năm 2020.
Đầu năm 2018, Bộ KH&ĐT xin bổ sung một loạt dự án sân golf vào quy hoạch đến năm 2020. Tổng cộng có khoảng 15 dự án được tăng thêm diện tích với khoảng 7.000ha. Trong số này, nhiều dự án đã hoàn thành nhưng mở rộng thêm, có dự án quy mô gấp 3 lần dự án ban đầu.
Sân gofl The Bluffs Hồ Tràm Strip nằm dọc bờ biển Hồ Tràm-Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau khi nghị định 152 về xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực (15-6-2020), nhiều quy hoạch sân golf lẻ tẻ, bị “tắc” trước đó đã được phê duyệt. Năm 2017, tỉnh Bắc Giang đề nghị bổ sung sân golf Việt Yên vào quy hoạch nhưng không được đồng ý.
Ngay trong ngày đầu tiên nghị định 152 có hiệu lực, dự án sân golf Việt Yên được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt chủ trương đầu tư cùng với hai sân golf khác trên địa tỉnh Bắc Giang và Hòa Bình với tổng diện tích gần 470ha đất (gồm sân golf Việt Yên 140ha, sân golf Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) 140ha, sân golf Phúc Tiến (tỉnh Hòa Bình) hơn 188ha).
Sau đó, chủ trương đầu tư nhiều sân golf khác cũng được phê duyệt: dự án sân golf Bảo Ninh - Trường Thịnh tại Quảng Bình, sân golf Quốc tế ở Thừa Thiên Huế có 37ha đất rừng sản xuất, sân golf Thanh Lanh ở huyện Nam Tam Đảo (Vĩnh Phúc)...
Giai đoạn 2020-2030, tỉnh Bắc Giang quy hoạch 11 sân golf ở nhiều huyện, đi kèm là các dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng và các loại hình vui chơi giải trí khác. Một doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch khảo sát tại xã Tân Liễu (Yên Dũng), Đồng Sơn (TP Bắc Giang) để làm sân golf và khu đô thị, nghỉ dưỡng với quy mô 1.600ha đất.
Ông Phạm Thành Trí - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam - cho biết sẽ có hàng trăm sân golf được đầu tư trong thời gian tới, và hiệp hội này đang cùng các địa phương tổng hợp nhu cầu đầu tư sân golf trên cả nước vốn “đang rất lớn”.
Ví dụ, Quảng Nam theo quy hoạch trước đây chỉ có 1 sân golf, nay dự kiến cấp phép thêm 10 sân. Bắc Giang theo quy hoạch chỉ có 1 sân golf nhưng đang đề xuất cấp phép thêm 7 sân. Vĩnh Phúc theo quy hoạch có 3 sân golf đang đề xuất cấp phép thêm 10 sân…
Sân golf Đà Lạt, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: QUANG ĐỊNH
100.000 người chơi golf
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhiều năm qua khiến tầng lớp giàu có của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Nhu cầu chơi golf cũng tăng theo. Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam ghi nhận cả nước hiện có 100.000 người chơi golf, tần suất trung bình khoảng 20 trận/năm. Nhu cầu chơi golf trong nước khoảng 2 triệu lượt chơi/năm.
Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam chơi golf. Số lượng khách Úc, Malaysia… đến Việt Nam du lịch kết hợp chơi golf tăng lên nhanh chóng: trung bình khoảng 20%/năm. Mức tăng này được giải thích là do chi phí du lịch, ăn uống kết hợp chơi golf tại Việt Nam khá rẻ.
Từ góc độ ấy, có thể hiểu vì sao ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ KH&ĐT - cho rằng bỏ quy hoạch sân golf quốc gia phù hợp với định hướng của Luật quy hoạch. Rằng đầu tư kinh doanh sân golf là đầu tư tư nhân, khi đủ điều kiện, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì không có lý do gì để địa phương không cấp phép đầu tư sân golf.
Tất nhiên, ông Trần Quốc Phương cũng lưu ý các địa phương khi cấp phép đầu tư sân golf cần có tầm nhìn, tính toán hiệu quả trong dài hạn. “Golf không phải cái gì đó xấu xa, nó chỉ xấu khi người ta lợi dụng cấp phép sân golf vì mục đích khác” - ông nói.
Mất rừng, mất quyền tiếp cận tài nguyên
Vậy hãy nhìn vào chuyện lợi dụng cấp phép sân golf.
Tại các tờ trình xin phê duyệt dự án sân golf mới, nhiều lý do hay ho được nhắc đến như chuyển đổi mục đích của khu đất đất nghèo dinh dưỡng, hiệu quả nông nghiệp thấp, tăng hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đa dạng nguồn thu, cải thiện kinh tế của địa phương…
Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã thực hiện sai quy định, sai chủ trương khi thực hiện dự án sân golf.
Nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf được ban hành đã xóa đi nỗi lo sử dụng đất lúa làm sân golf. Chủ đầu tư dự án sân golf chỉ được sử dụng tối đa không quá 5ha đất trồng lúa một vụ, phân tán... để làm sân golf. Nhưng câu chuyện chuyển đổi đất rừng sản xuất làm sân golf gây lo ngại cho nhiều người. Đặc biệt khi giờ đây việc cấp phép sân golf được giao cho các địa phương.
Gần đây nhất là dự án sân golf Đắk Đoa (Gia Lai) có diện tích 174ha đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Để thực hiện dự án này, phải chuyển đổi gần 156ha rừng thông cổ thụ.
Một sân golf thuộc hệ thống du lịch ven biển Phú Yên cũng được xây dựng trên diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chặt phá hơn 100ha rừng thông có tuổi đời trên dưới 40.
Một sân gofl ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bỏ qua những thủ tục cần thiết chưa được chấp hành ở một số dự án sân golf, việc phá rừng trồng cây lâu năm, rừng phòng hộ làm sân golf là trái với quyết định 1946 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt quy hoạch sân golf. Tinh thần của quyết định này là không được sử dụng đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.
Nói tới việc trao quyền cho địa phương cấp phép sân golf, ông Trịnh Lê Nguyên - giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên - băn khoăn về năng lực quản lý, trách nhiệm giải trình của mỗi địa phương. Ông cho rằng vấn đề cần quan tâm là hiện tượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng lòng vòng.
Do chuyển đổi rừng sản xuất sang làm sân golf dễ dàng nên nhiều địa phương sẽ chuyển đổi các loại hình rừng khác thành rừng sản xuất, sau đó mới chuyển đổi diện tích rừng này thành bất động sản sân golf. Ngay trong diện tích rừng sản xuất hiện nay, vẫn có một phần là rừng tự nhiên.
“Chẳng hạn trước đây có một phần diện tích rừng khu vực Đắk Đoa là rừng phòng hộ, giờ đã thành rừng sản xuất rồi. Vì vậy, cần xem lại thời điểm chuyển đổi rừng phòng hộ khu vực Đắk Đoa thành rừng sản xuất là khi nào” - ông Trịnh Lê Nguyên nói.
“Hơn nữa, đồi cỏ hồng, khu vực Đắk Đoa là khu vực đất công, tài sản công, mọi người dân đều có thể đến tham quan, nếu chuyển thành đất tư, phục vụ cho mục đích của một doanh nghiệp thì mọi người không thể tiếp cận được nữa.
Chỉ một nhóm nhỏ là dân chơi golf được thưởng ngoạn thắng cảnh này. Đây là một bất cập, chẳng khác gì chuyện nhiều bãi biển đẹp đã được giao cho một nhóm người. Bên cạnh lợi ích kinh tế sân golf cần tính toán tới quyền tiếp cận tài nguyên của mọi người dân”. ■
Nhiều mối lo khác
Theo TS Nguyễn Bách Phúc - chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON), nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ phân bón và thuốc trừ sâu sử dụng để dưỡng cỏ trong sân golf là rất lớn. Ở Đông Nam Á, 1ha sân golf mỗi năm sử dụng 1,63 tấn phân bón hóa học để nuôi cỏ, chưa kể các loại thuốc trừ sâu, diệt mối. Với những sân golf nằm cạnh các nguồn nước tự nhiên như ao hồ, sông suối thì nguy cơ những hóa chất từ phân bón và thuốc trừ sâu sẽ làm ô nhiễm dần nguồn nước và đưa ô nhiễm đi xa, tiềm tàng hiểm họa nghiêm trọng.
Bản thân nhiều loại phân hóa học hàm chứa một số chất gây độc hại cho cây trồng và cho con người như các kim loại nặng, các chất kích thích sinh trưởng khi vượt quá mức quy định. Các loại kim loại nặng có trong phân hóa học gồm asen (As), chì (Pb), thủy ngân (Hg) và cadimi (Cd).
Tranh: Billout
Nitơ và phospho dư thừa sẽ theo nước xả xuống các thủy vực, là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước, hậu quả là do các quá trình hoạt động của vi sinh vật sẽ làm giảm oxy của nguồn nước ở hạ lưu, gây tác động xấu đến hệ sinh thái. Đạm dư thừa bị chuyển thành dạng Nitrat (NO3-) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thủy sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn khi sử dụng nguồn nước. Đặc biệt gây hại cho sức khỏe những người trực tiếp sử dụng các nguồn nước hoặc sử dụng các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa NO3-. Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và phospho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người, đặc biệt là trẻ em với 2 khả năng sau: gây nên chứng máu Methaemoglobin và ung thư tiềm tàng.
Trong những thập niên gần đây, mức NO3- trong nước uống tăng lên đáng kể mà nguyên nhân là do sự sử dụng phân đạm vô cơ tăng, gây rò rỉ NO3- xuống nước ngầm. Quy định hàm lượng tối đa NO3- trong nước uống của Ủy ban châu Âu là 50 mg/l, của Mỹ là 45mg/l, của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 100mg/l.
Các nghiên cứu về y học gần đây đã xác định dư thừa phospho trong nguồn nước làm giảm khả năng hấp thu canxi vì chất này lắng đọng với canxi tạo thành muối triphosphat canxi không hòa tan và tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất para thormon, điều này đã huy động nhiều canxi của xương và nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ.
Ngoài ra, lượng nước để nuôi cỏ trong các sân golf cũng là vấn đề ở những khu vực khan hiếm nguồn nước. Nhiều chuyên gia môi trường lo lắng sân golf Đắk Đoa (Gia Lai) sẽ phải khai thác lượng nước ngầm lớn để tưới cỏ làm thiếu hụt nghiêm trọng trữ lượng nước phục vụ cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực này.
NGỌC HÀ