(Tin Môi Trường) - Ủy hội sông Mekong (MRC) vừa công bố Chiến lược Phát triển lưu vực 10 năm cho lưu vực sông Mekong và Kế hoạch chiến lược 5 năm để cho phép các nước lưu vực sông Mekong giải quyết những thách thức đang nảy sinh và cải thiện tình trạng chung của lưu vực.
Mưu sinh mùa nước nổi nơi hạ nguồn sông Mekong
Chiến lược 10 năm (2021-2030) do hội đồng gồm đại diện Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam (4 nước thành viên MRC – PV) phê duyệt, tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên, gồm: cải thiện chức năng sinh thái của sông Mekong trong một môi trường lành mạnh; cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng nước, các tài nguyên liên quan vì lợi ích cộng đồng; phát triển bền vững để tăng trưởng kinh tế bao trùm; khả năng chống chịu với khí hậu và rủi ro thiên tai; tăng cường hợp tác khu vực từ quan điểm toàn lưu vực.
“Chiến lược này phù hợp với các ưu tiên và nhu cầu của chính phủ các nước Mekong nhằm đạt được một lưu vực sông Mekong mạnh mẽ hơn và phục hồi mạnh hơn thông qua việc lập kế hoạch chủ động và quản lý phối hợp, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”, Tiến sĩ An Pich Hatda, đại diện Ban Thư ký MRC cho biết.
Bản chiến lược mới dựa trên các đánh giá gần đây về những tác động đáng kể do nước, các nguồn tài nguyên liên quan và cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các con đập, đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, ảnh hưởng đến vận chuyển trầm tích và làm xói mòn bờ biển. Những tác động này đã dẫn đến sự suy giảm quần thể cá tự nhiên, suy thoái tài sản môi trường và vùng đồng bằng ngập lũ, giảm diện tích bổ sung cho ĐBSCL của Việt Nam. Biến đổi khí hậu làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của các tác động, mang lại nhiều bất ổn và rủi ro hơn.
Thực hiện các ưu tiên chiến lược, MRC sẽ chủ động đánh giá và xác định các phương án lưu trữ mới cũng như các giới hạn mới về dòng chảy và môi trường, đồng thời đề xuất các dự án đầu tư chung trên toàn lưu vực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quản lý lũ lụt, giảm hạn hán, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. MRC dự kiến sẽ đầu tư hơn 60 triệu USD trong 5 năm tới, trong đó khoảng 40% quỹ sẽ đến từ các quốc gia thành viên…
MRC cũng sẽ tìm hiểu cách thức điều phối hoạt động của các dự án cơ sở hạ tầng nước trên toàn lưu vực để nâng cao lợi ích và hạn chế tác động xấu đến môi trường của chúng trên dòng chính sông Mekong. Tiếp tục làm việc với các bên liên quan rộng lớn hơn và các nền tảng liên quan đến Mekong, đặc biệt là Hợp tác Lan Thương - Mekong về nước, để đảm bảo thông báo kịp thời, điều phối và hỗ trợ thích ứng với sự thay đổi của dòng sông.
Kể từ khi thành lập vào năm 1995 đến nay, MRC đã chuẩn bị nhiều phiên bản chiến lược và kế hoạch, mỗi phiên bản có khung thời gian 5 năm. Việc chuyển sang khung thời gian 10 năm hiện nay được thúc đẩy bởi các mục tiêu và nhu cầu phát triển bền vững của lưu vực cũng như các vấn đề an ninh nguồn nước hiện tại, vốn chỉ có thể được giải quyết ở quy mô lưu vực thông qua hợp tác giữa 6 nước ven sông.
Theo MRC, chiến lược chỉ có thể đạt được khi tất cả các bên liên quan cùng làm việc vì một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Trước đó, cuối tháng 2/2021, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 2,9 triệu USD cho MRC để thực hiện kế hoạch chiến lược mới của mình, nhằm thúc đẩy sự phát triển có trách nhiệm trong khu vực.
Trong vòng 4 năm (2021-2024), khoản tài trợ sẽ được sử dụng để cải thiện mạng lưới giám sát sông và khả năng dự báo, thiết lập các trạm quan trắc mới trên sông Mekong; cải thiện thông tin công khai về lũ lụt và hạn hán thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo cộng đồng và chính quyền địa phương nhận được thông tin kịp thời để thực hiện các biện pháp giảm thiểu phù hợp.
Sông Mekong và các phụ lưu của nó hỗ trợ gần 70 triệu người ở hạ lưu, cung cấp sinh kế, an ninh lương thực và các dịch vụ hệ sinh thái phong phú. Trong năm 2019 và 2020, các quốc gia trong khu vực phải chịu cảnh mực nước thấp kỷ lục dọc theo sông Mekong, sinh kế bị gián đoạn…