(Tin Môi Trường) - TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM nêu 8 nguyên nhân thất bại của một chương trình trồng cây xanh triển khai từ năm 2018.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án trồng 1 tỉ cây xanh, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM đã thẳng thắn chia sẻ một số bài học về thất bại trong trồng cây xanh tại một số dự án trước đây, đồng thời kiến nghị một số giải pháp thiết thực, khả thi để góp phần thực hiện thành công đề án này.
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Trần Trung
Nghiên cứu, thống kê đầy đủ về quỹ đất
TS Trần Đình Lý cho rằng, việc trồng rừng tập trung tại các khu bảo tồn, rừng tự nhiên, rừng ven biển, rừng ngập mặn, khu vực chịu tác động xâm nhập mặn... theo đề án 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025 là tương đối thuận lợi.
Vì trong các năm vừa qua, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị lâm nghiệp trực thuộc tiến hành triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT về việc quy định quản lý rừng bền vững.
Nên về cơ bản, diện tích đất có khả năng trồng rừng tập trung, cây phân tán tại các khu bảo tồn, rừng tự nhiên, rừng ven biển, rừng ngập mặn, khu vực chịu tác động xâm nhập mặn... đã được xác định rõ quy mô, vị trí, đã xây dựng kế hoạch trồng rừng hàng năm.
Bên cạnh đó, cũng đã xác định được mô hình trồng rừng, loài cây trồng phù hợp cho các điều kiện lập địa, cũng như các vùng sinh thái khí hậu khác nhau trong phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2020 cả nước trồng mới 68.240 ha rừng phòng hộ (bình quân 13.650ha/năm) và 281.250 ha rừng sản xuất (bình quân 56.250ha/năm) nên hoàn toàn có cơ sở để thực hiện đề án này.
Đối với trồng cây xanh phân tán (cả khu vực đô thị và nông thôn) 690 triệu cây (bình quân mỗi năm 138 triệu cây), hiện chưa có báo cáo, thống kê đầy đủ về hiện trạng cây xanh phân tán trên toàn quốc (bao gồm cây xanh trồng tại các khu vực đô thị; khu vực đồng bằng nông thôn; các khu công nghiệp, hầm mỏ; công trình giao thông; các công sở như trường học, cơ quan, bệnh viện…).
Tuy nhiên, theo một số báo cáo cho thấy, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ từ 2 đến 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10 m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 đến 25 m2/người.
Nghĩa là cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới. Điều này cho thấy việc thực hiện để án 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025 là hết sức cần thiết.
TS Trần Đình Lý cũng cho rằng, cần có những nghiên cứu, thống kê đầy đủ về quỹ đất để thực hiện, đồng thời xác định loài cây trồng phù hợp cho các khu vực khác nhau, đặc biệt là khu vực đô thị. Một vấn đề cũng hết sức quan trọng đó là mức độ chấp nhận của cộng đồng người dân địa phương về việc lựa chọn loài cây trồng và vị trí trồng phù hợp.
Theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước chỉ trồng được khoảng 66 triệu cây lâm nghiệp phân tán các loại (chỉ đạt gần 1/3 kế hoạch đưa ra, 200 triệu cây xanh mỗi năm). Do đó, việc xác định tăng chỉ tiêu trồng cây phân tán lên từ 1,5 – 2 lần ở giai đoạn 2021 – 2025 theo đề án 1 tỷ cây xanh cũng là một thách thức không nhỏ.
Sự thờ ơ của chính quyền địa phương, người dân địa phương
Để đề án 1 tỷ cây xanh thực hiện hiệu quả, ông có thể chia sẻ, kiến giải các giải pháp để đề án giải quyết hài hòa các yếu tố cảnh quan, môi trường, giá trị sử dụng…?
Một bài học kinh nghiệm nhỏ xin được chia sẻ trong quá trình thực hiện dự án trồng cây phân tán tại 2 địa phương là xã Mỹ Chương, huyện Chương Mỹ và xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa (TP. Hà Nội.), và một dự án trồng 1,4 ha rừng dương tại phường Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Bị 'bỏ rơi' không chăm sóc bảo vệ, tỷ lệ cây sống tại dự án của Chương trình Hạnh phúc Xanh chỉ là dưới 35% (trong ảnh: trồng cây xanh thuộc chương trình tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Petrotimes
Hai dự án trên được thực hiện vào năm 2018, do Chương trình Hạnh phúc Xanh (HPX) triển khai. Xuất phát từ nhu cầu trồng cây của chính quyền địa phương, Chương trình HPX đã tiến hành khảo sát và làm việc với chính quyền địa phương để lựa chọn địa điểm trồng cây phân tán (các tuyền đường nông thôn, đường liên xã, huyện và tỉnh lộ), với loài cây trồng chủ yếu là lát hoa và sấu.
Chương trình thực hiện lúc đầu được sự hưởng ứng rất tốt từ chính quyền địa phương, tuy nhiên sau 2 năm trồng, Chương trình HPX đã tiến hành giám sát và cho thấy, tỷ lệ cây sống tại dự án trồng cây phân tán là dưới 30%; đối với dự án trồng rừng tại Cửa Đại là 35%. Những cây còn sống thì sinh trưởng kém.
Qua tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã rút ra một số nguyên nhân thất bại. Thứ nhất là cam kết ban đầu của chính quyền địa phương đã không được thực thi.
Cụ thể, địa phương cam kết giao cho đoàn thanh niên của xã và huyện tiến hành chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây trồng, nhưng đoàn thanh niên không đủ chức năng để thực hiện.
Thứ hai, cán bộ được giao quản lý thiếu trách nhiệm, không có kiến thức chuyên môn để chăm sóc cây. Thứ ba là sau khi trồng 6 tháng, bên Chương trình HPX đã bàn giao cho chính quyền địa phương, nhưng địa phương lại không có ngân sách để tiến hành chăm sóc, bảo vệ cây.
Thứ tư, người dân địa phương không chấp nhận việc trồng cây sấu trên một số tuyến đường gần các ao nuôi thuỷ sản, vì theo người dân thì việc rụng lá sấu vào các ao nuôi thuỷ sản làm cho cá chết và năng suất thấp nên các hộ dân này đã tự ý chặt cây.
Thứ năm, việc thực hiện giám sát trồng cây đã không chặt chẽ nên đơn vị nhận thầu trồng cây đã làm thất thoát một số lượng lớn cây sấu và lát hoa trước khi đem trồng.
Thứ sáu, việc khảo sát, đánh giá và lựa chọn vị trí trồng cây không hợp lý, vì một số tuyến đường trồng xong thì một năm sau lại tiến hành mở rộng lộ giới nên cây bị chặt bỏ.
Thứ bảy, đó là sự thờ ơ của chính quyền địa phương, người dân địa phương trong quá trình tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng.
Thứ tám, là chưa tiến hành tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của việc trồng và chăm sóc cây xanh...
Tránh lạm dụng cây ngoại lai
Thưa ông, thất bại từ một vài dự án nhỏ như trên cho thấy bài học gì. Và trong triển khai đề án 1 tỷ cây xanh tới đây, chúng ta nên lưu ý gì để có hiệu quả nhất?
Từ dẫn chứng trên, theo quan điểm cá nhân tôi, trong triển khai đề án 1 tỷ cây xanh lần này, cần quan tâm đến việc phát triển và khôi phục lại hệ thống cây xanh ven sông rạch, ao hồ bằng các loài cây bản địa hiện hữu.
Hệ thực vật ven sông rạch là bộ lọc tự nhiên hiệu quả nhất, đai rừng vững chắc trong việc giảm xói mòn, hạn chế sạt lở và hoạt động như một quả thận lọc các chất ô nhiễm trong sông rạch, đặc biệt là ô nhiễm kim loại nặng từ các khu dân cư và khu công nghiệp.
Ngoài ra, hệ thực vật ven sông còn cung cấp nơi trú ngụ và môi trường sống cho các loài thủy sản và các loài chim, thú nhỏ khác. Quỹ đất dọc theo các sông rạch, ao hồ đang có xu hướng ngày càng bê tông hóa bằng các kè cứng, dẫn đến chi phí đầu tư cao, mất đi hệ sinh thái ven sông khá đa dạng.
Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh cần có cơ chế chặt chẽ về chăm sóc, bảo vệ, tránh tình trạng lãng phí. Ảnh: TL
Việc lồng ghép đề án này vào việc thực hiện kè mềm sinh học dọc các sông rạch, ao hồ bằng các loài cây bản địa là giải pháp hợp lý cho việc thực hiện đề án cũng như giải quyết được rất nhiều vấn đề như quỹ đất để thực hiện, lồng ghép được nhiều mục tiêu, đảm bảo đa dạng sinh học của hệ sinh thái ven sông, kênh rạch, ao hồ.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án, cần tránh lạm dụng việc sử dụng quá nhiều loài cây ngoại lai. Nên ưu tiên cho các loài cây bản địa phù hợp với thổ nhưỡng, vùng sinh khí hậu. Các cây ngoại lai nên được thay thế bằng các cây bản địa có đặc tính tương tự.
Ví dụ, hiện nay việc trồng và phát triển cây bàng Đài Loan quá nhiều trên các tuyến phố, công viên và các khu công nghiệp. Cây này có thể hoàn toàn thay thế bằng cây bản địa là cây chiêu liêu, với những đặc tính về hình thái, hình dạng thân cây là tương tự, nhưng chiêu liêu còn có tính ưu việc hơn khi giá trị về gỗ cao hơn nhiều so với bàng Đài Loan....
Đặc biệt, cần đánh giá một cách tổng thể về như cầu, năng lực thực hiện và quỹ đất của 63 tỉnh thành để phân bổ kế hoạch thực hiện đề án trong giai đoạn 2021 – 2025...
Theo ông, quy trình trồng cây nên như thế nào để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, bền vững...?
Về quy trình trồng rừng tập trung, hiện nay Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, bộ tiêu chuẩn ngành về việc thực hiện quy trình trồng rừng tập trung cho hầu hết các loài cây trồng trong lâm nghiệp; cho các vùng khác nhau như trồng rừng trên cao, trồng rừng ngập mặn, trồng rừng cho các vùng đất cát ven biển...
Tương tự như trồng rừng tập trung, vấn đề trồng cây phân tán cũng đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó đặc biệt quan tâm đến 'Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế'.
Do đó, quy trình trồng thế nào để đảm bảo tiết kiểm, hiệu quả, an toàn, bền vững và khả thi nhất không phải là vấn đề lớn khi ngành lâm nghiệp Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn hết sức cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm là giám sát quá trình thực hiện đề án 1 tỷ cây xanh.
Hiện nay, các cơ quan lâm nghiệp, mà chủ yếu là các công ty TNHH MTV lâm nghiệp hầu như đều có hệ thống các vườn ươm để đảm bảo cung cấp cây giống trồng rừng hàng năm, các công ty tư nhân chuyên cung cấp cây giống và hệ thống các vườn ươm trong nhân dân là tương đối lớn. Nên việc cung ứng nguồn giống cây trồng cho các dự án của đề án 1 tỷ cây xanh là hết sức khả thi.
Về vấn đề tiến bộ kỹ thuật, chúng ta cũng đã có hệ thống các văn bản hướng dẫn trồng rừng rất cụ thể đã được tích hợp, lồng ghép các tiến bộ kỹ thuật cần đưa vào cho từng loài cây cụ thể.