(Tin Môi Trường) - Còn nhớ khi cây phong lá đỏ được đem về Hà Nội trồng, dù hiếu kỳ với hàng cây sẽ 'đẹp lạ' của trời Âu giữa Hà Nội, nhiều người đã hoài nghi: liệu cây có sống nổi?
Ảnh: IE
"Một năm nữa chúng ta có thể thấy việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu". Trái ngược với tuyên bố này của người đứng đầu Hà Nội vào năm 2018, sau một năm, nhiều cây phong lá đỏ khô héo và sau ba năm, hàng cây dài trơ trụi lá, chết hàng loạt.
Hà Nội buộc thông báo sẽ thay phong lá đỏ bằng loại cây khác phù hợp hơn, sau khi thống kê chi tiết trong hơn 260 cây đã trồng có gần 50 cây chết, số cây còn sống cũng sinh trưởng kém, ảnh hưởng cảnh quan chung.
Còn nhớ, khi cây phong lá đỏ được đem về trồng, dù hiếu kỳ với hàng cây sẽ "đẹp lạ" của trời Âu giữa Hà Nội nhưng nhiều người đã hoài nghi: liệu cây quen sống ở xứ lạnh có trụ nổi với khí hậu vùng nhiệt đới mùa hè luôn nóng bỏng?
Không ít chuyên gia lo lắng: Cây đô thị nào cũng cần được thử nghiệm của cơ quan khoa học, còn cây phong lá đỏ nhập khẩu chưa được thử nghiệm thực sự, sao đánh giá được độ thích nghi? Mùa đông thì "vô tư", nhưng đến mùa hè cây "chịu sao nổi"?
Song bỏ qua những can gián ấy, cây phong chưa từng được trồng thử nghiệm ở đô thị nhiệt đới đã hiên ngang chạy suốt dải phân cách mấy tuyến đường.
Trước băn khoăn việc trồng cây nếu thất bại sẽ mất tiền, mất cả thời gian, Hà Nội đã nhanh chóng có câu trả lời: đây là doanh nghiệp tặng thành phố, dân không phải lo tốn tiền ngân sách.
Xin đừng nói là tiền của Nhà nước hay tư nhân, đó đều là tài sản của đất nước này. Nếu cứ tư duy như thế, rồi hô hào đóng góp thì doanh nghiệp cũng chẳng vui vẻ gì khi tiền bạc, mồ hôi nước mắt bỏ ra không mảy may có ích cho cộng đồng. Chưa kể giữa thời kinh tế thị trường, gọi là "tặng" nhưng liệu có ngấm ngầm giao ước "ông giơ chân giò, bà thò chai rượu"?
"Hà Nội không vội được đâu", nhưng Hà Nội cũng đã làm nhiều thứ vội vàng, sau phải chắp vá khổ sở. Vừa ngắm những cây phong lá đỏ biến thành củi khô trên đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, lại nhìn sang tuyến xe buýt nhanh BRT trên đường Tố Hữu, Lê Văn Lương...
Tuyến BRT được đầu tư triệu đô mà hoạt động èo uột, vắng khách. Buýt nhanh rốt cục hoạt động như buýt thường, thậm chí còn góp phần tăng ùn tắc ở những tuyến đường chật hẹp. 50 triệu USD cho gần 15km đường BRT, đó thực sự là cái giá quá đắt cho một thử nghiệm thất bại, không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Điều mất đi theo những hàng cây khẳng khiu, chết khô là tiền, thời gian và hơn hết là niềm tin. Có thể mong muốn ban đầu là tốt đẹp, nhưng không nghiên cứu thấu đáo, không tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, bất chấp quy hoạch, "thấy người ta làm mình cũng làm" đã gây lãng phí đầu tư.
Hà Nội đang đứng trước những dự án lớn đòi hỏi thành phố phải triển khai một cách khoa học, không được phép phiêu lưu, không được ngẫu hứng, sáng tạo phải trên cơ sở trách nhiệm, chấm dứt "ném tiền qua cửa sổ" theo ý thích của lãnh đạo hay chỉ làm theo phong trào.
Hà Nội nghìn năm tuổi đã đến lúc cần ở đội ngũ lãnh đạo tầm nhìn xa, tư duy điềm tĩnh cho bài toán phát triển lâu dài.