(Tin Môi Trường) - Nhân Tuần lễ hưởng ứng Giờ Trái Đất, tọa đàm “Câu chuyện môi trường trong thời đại 4.0” sẽ mang đến cho công chúng cái nhìn đầy đủ, đa chiều hơn về mối quan hệ giữa lĩnh vực môi trường với cuộc cách mạng công nghiệp mới, cũng như thảo luận các cơ hội và thách thức đối với mỗi cá nhân, tổ chức khi phát triển công nghệ cũng như khi ứng dụng công nghệ.
Cách đây vài năm,
Cụm từ “Ô nhiễm không khí” còn rất xa lạ, ngay cả khi Đại sứ quán Hoa Kỳ lắp đặt máy quan trắc chất lượng không khí tại Láng Hạ (Hà Nội) và chia sẻ dữ liệu trên website, công chúng vẫn chưa thực sự tiếp cận với thông tin về chất lượng không khí;
Hoặc cứ mỗi mùa hè đến, mạng xã hội lại xôn xao với hàng loạt những thắc mắc của người dân vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến, mà nhiều năm chưa tìm ra câu trả lời;
Xa xôi hơn, các nhóm bảo tồn, các nhà quản lý vẫn thường đi thực địa dài ngày để theo dõi, giám sát hiện trạng rừng, đa dạng sinh học… hoặc phải dựa vào nguồn phản ánh của người dân địa phương khi có thông tin gấp cần cập nhật.
Hiện tại thì,
Mỗi giờ, người dân có thể chủ động theo dõi chất lượng không khí bằng việc truy cập website và ứng dụng như moitruongthudo.net, cem.gov.vn, Hanoi Smart City hay PAMAir;
Mỗi ngày, các gia đình hay văn phòng có thể cập nhật lượng điện tiêu thụ theo thời gian thực khi lắp đặt máy đo tại nhà và theo dõi dữ liệu qua ứng dụng như IOTeamVN, từ đó chủ động thực hiện các hành động tiết kiệm điện;
Hàng năm, các cơ quan, tổ chức quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tiết kiệm được phần lớn nguồn lực về nhân sự, thời gian, trang thiết bị nhờ các hệ thống công nghệ trực tuyến giám sát thông qua hình ảnh vệ tinh;...
Có thể nói, ở Việt Nam trong vòng 2-3 năm gần đây, nhờ công nghệ 4.0 như Big Data, AI hay điện toán đám mây mà các thông tin về môi trường đã trở nên rõ ràng, dễ nắm bắt hơn. Hiện trạng ô nhiễm không khí, nước, chặt phá rừng cho đến mức độ sử dụng năng lượng, khí tượng... dần được hiển thị trực quan hơn, chi tiết tới từng ngày, giờ và địa điểm cụ thể, nhờ các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này vẫn còn rất mới mẻ. Vậy làm sao để những bước tiến về công nghệ thực sự tạo ra những thay đổi tốt hơn, hiệu quả hơn?
Nhân Tuần lễ hưởng ứng Giờ Trái Đất, tọa đàm “Câu chuyện môi trường trong thời đại 4.0” sẽ mang đến cho công chúng cái nhìn đầy đủ, đa chiều hơn về mối quan hệ giữa lĩnh vực môi trường với cuộc cách mạng công nghiệp mới, cũng như thảo luận các cơ hội và thách thức đối với mỗi cá nhân, tổ chức khi phát triển công nghệ cũng như khi ứng dụng công nghệ.
Là những công dân trong thời đại 4.0, chúng ta có trong tay những công nghệ và dữ liệu gì để đảm bảo hài hòa lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế - xã hội? Chúng ta cần những kỹ năng “4.0” nào trong việc ứng xử với môi trường? Mỗi người có thể làm thế nào để chia sẻ mối quan tâm và chung tay trong những nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường tại Việt Nam và trên thế giới? Đây sẽ là điều mà khán giả và khách mời cùng bàn luận tại tọa đàm này.
Tọa đàm vào cửa tự do do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) và Báo Khoa học và Phát triển/Tạp chí Tia Sáng đồng tổ chức.
Thời gian: 14h00 - 16h30, thứ Bảy, ngày 27/03/2021. (Đón khách từ lúc 13h45)
Địa điểm: Hội trường L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
(Đồng thời livestream trên fanpage Tia Sáng và Thế Hệ Xanh)
Link đăng ký: http://bit.ly/toadam40
VỀ CÁC DIỄN GIẢ
TS. Hoàng Việt Anh - Chuyên gia phụ trách phát triển giải pháp tại Công ty công nghệ và kỹ thuật Green Field (GFD). Green Field đã có hơn 10 năm phát triển các giải pháp về hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám. GFD hiện đang phát triển các ứng dụng bản đồ và ảnh vệ tinh trên nền tảng điện toán đám mây để phục vụ cho đánh giá mất rừng, quản lý rừng. Các giải pháp này đã được ứng dụng cho 1 số dự án như dự án Rừng và Đồng Bằng (USAID), dự án Trường Sơn Xanh (USAID) tại các tỉnh như Bình Thuận, Huế, Quảng Nam. Công nghệ “mobile mapping” cũng được GFD triển khai cho tổ chức Mây Tre Quốc tế (INBAR) để thu thập và quản lý số liệu bản đồ tre tại các nước thành viên.
PGS. TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh - Giảng viên tại Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Bà hiện đang thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, bao gồm: Phát triển mạng lưới giám sát chất lượng không khí tại Hà Nội và ứng dụng di động về chất lượng không khí; Dự án mạng lưới giám sát ô nhiễm không khí FAirNet. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy của mình, PGS. TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh sẽ chia sẻ các cách tiếp cận nghiên cứu về ô nhiễm không khí và phương pháp mô hình hóa mà bà đang thực hiện, đồng thời giới thiệu những mô hình mô phỏng, dự đoán, tính toán độ phơi nhiễm và đánh giá sức khỏe do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí từ các công nghệ mới.
Bà Phan Thanh Hải - Giám đốc điều hành của Mạng lưới PAMAir. Đây là mạng lưới quan trắc hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận, nhằm cung cấp dữ liệu chất lượng không khí và cảnh báo về ô nhiễm không khí, từ đó đưa ra những giải pháp tích cực nhằm cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường sống của con người. Thành lập từ năm 2018, PAMAir đã kết hợp khoa học khí tượng và công nghệ thông tin để xây dựng một hệ sinh thái IoT bao gồm thiết bị đo, hệ thống phần mềm vận hành và ứng dụng thông minh, nhằm cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, chính xác và chi tiết nhất về chất lượng không khí tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Đồng sáng lập IOTeamVN. Công ty công nghệ thành lập từ năm 2017 này đem đến những giải pháp hiệu quả năng lượng như: giám sát năng lượng, điều khiển thông minh, tư vấn tiết kiệm điện, v.v. cho các công trình tại Việt Nam nhằm đảm bảo sự tiện nghi cho người sử dụng và tối ưu hóa việc vận hành. Qua đó, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững về công trình và đô thị xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Và dẫn dắt chương trình, Bà Đỗ Vân Nguyệt - Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn). Live&Learn là tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường. Từ năm 2013 đến nay, Live&Learn thường xuyên tổ chức các cuộc thi và thúc đẩy các sáng kiến 4.0 về môi trường. Hiện tại, trong vai trò điều phối dự án Chung tay vì không khí sạch, Live & Learn tiếp tục hỗ trợ phát triển các sáng kiến công nghệ với mục tiêu đưa kiến thức về ô nhiễm không khí tới công chúng và huy động nguồn lực để thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe môi trường và sức khỏe cộng đồng.