(Tin Môi Trường) - Văn phòng Chính phủ vừa có yêu cầu theo dõi nguồn nước để điều hành sản xuất trước tình trạng nước sông Mekong ở Thái Lan xuống rất thấp, chỉ còn hơn 1 mét. Điều này liệu có gây ra những tác động tiêu cực cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay không?
Cảnh trơ đáy của một đoạn sông Mekong ở Thái Lan. Ảnh minh hoạ: Reuters
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban sông Mekong Việt Nam về việc yêu cầu theo dõi tình hình nước sông Mekong phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất.
Theo đó, thông tin từ công văn này cho biết, trên báo Pattaya Mail có nêu: giới chức tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) cảnh báo nước sông Mekong tại đây chỉ còn sâu hơn 1 mét và dự báo hạn hán nghiêm trọng trong mùa khô năm nay. Nguyên nhân được xác định là do việc xây đập trên thượng nguồn và lượng mưa thấp
Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Uỷ ban sông Mekong Việt Nam theo chức năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi dòng chảy sông Mekong để kịp thời chỉ đạo điều hành sản xuất phù hợp tại ĐBSCL.
Trao đổi với KTSG Online về vấn đề nêu trên, Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, có hai cơ sở cho thấy năm nay mặn sẽ ít nghiêm trọng hơn năm ngoái, đó là thứ nhất, đỉnh lũ vừa qua cao hơn đỉnh lũ 2019 đến 2 mét; thứ hai, từ tháng 9 trở đi chế độ thời tiết Enso đã chuyển sang La Nina, tức là mưa.
Theo ông Thiện, khi dự báo cho ĐBSCL, phải chia làm hai vùng, đó là vùng cửa sông và vùng Bán đảo Cà Mau. Trong đó, vùng Bán đảo Cà Mau ít phụ thuộc vào nước sông Cửu Long, phụ thuộc vào mưa. “Từ tháng 9 đến tháng 11 vừa rồi, vùng Bán đảo Cà Mau mưa rất nhiều, thậm chí bị ngập úng, thành ra vùng đó không lo rủi ro hạn mặn”, ông cho biết.
Còn vùng cửa sông, thì cũng được chia làm hai vùng, gồm vùng sông Hậu và sông Tiền, thì mùa khô lưu lượng nước được chia thành 49% và 51%. Nhánh sông Hậu nhận được 49% nhưng khi đổ ra biển chỉ 1 cửa sông nên lưu lượng nước sẽ rất mạnh, đỡ lo mặn hơn.
Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện. Ảnh: Trung Chánh
Trong khi đó, nhánh sông Tiền nhận được 51% lưu lượng nước, nhưng chia cho 6 cửa sông đổ ra biển, như vậy lực đẩy nước ngọt ra biển sẽ yếu hơn so với nhánh sông Hậu. Hay nói cách khác, tình trạng nhiễm mặn ở phía sông Tiền đáng lo hơn so với phía sông Hậu. “Trong sông Tiền thì nhánh phía Bắc như cửa Đại và cửa Hàm Luông mặn lên sâu sẽ bao vây TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Thế nhưng, năm nay năm nay mặn sẽ không bao vây được TP Bến Tre như năm ngoái vì có lượng nước cao hơn năm ngoái và có La Nina nữa”, ông Thiện giải thích.
Theo ông Thiện, những biểu hiện của vùng Đông Bắc Thái Lan nêu trên là do khu vực này gần với Trung Quốc và các đập chi lưu của Lào. Chính vì vậy, khi phía trên giữ nước là vùng Đông Bắc Thái Lan sẽ thấy mực nước sụt giảm ngay. “Còn đối với chúng ta (ĐBSCL) cách rất xa, cho nên, sẽ không có kiểu biểu hiện tức thời như trên đó. Do đó, chúng ta không nên quá lo ngại”, ông cho biết.
Ông Thiện cho rằng, bản thân thủy điện không tự gây ra khô hạn ở hạ lưu, nhưng khi gặp tình huống có hạn do El Nino xảy ra, thì thuỷ điện sẽ phải tích nước cho tuabin phải đủ chiều sâu nước để hoạt động. Ví dụ, trường hợp tuabin thủy điện có độ sâu 15 mét, trong khi cần phải đạt 22 mét nước để chạy, thì bắt buộc phải tích nước thêm. Chính điều này khiến thuỷ điện sẽ làm tăng thêm tình trạng khô hạn dưới hạ lưu khi xảy ra hạn hán trong khu vực.
Theo ông Thiện, khi thủy điện đóng cửa xả để tích nước thì ở ngay khu vực bên dưới mực nước sẽ hạ thấp ngay (như trường hợp ở vùng Đông Bắc Thái Lan- PV). “Còn chúng ta ở rất xa, không nên nhìn biểu hiện nhất thời, cần nhìn biểu hiện tổng thể, theo năm, nhìn theo tình hình La Nina và lũ năm ngoái”, ông cho biết và nói rằng, thấy hiện tượng của vùng Đông Bắc Thái Lan rồi “chạy” theo là không đúng.