Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Từ đề xuất Cần Giờ 'lên' quận: Nghĩ về nông thôn mới trong lòng đô thị phát triển

(20:40:40 PM 12/03/2021)
(Tin Môi Trường) - Sao không nghĩ ra được là làm sao cho 5 huyện ngoại thành trở thành vùng nông nghiệp trong xu thế 4.0, với nông nghiệp kỹ thuật cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới?

TP.HCM đang rà soát quy hoạch chung và lấy ý kiến các nhà chuyên môn nhằm điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển thành phố đến 2030. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất bổ sung quy hoạch thành phố Tây - Bắc ở Củ Chi, Hóc Môn, và huyện Cần Giờ sẽ thành quận. Ở tầm nhìn chiến lược, việc phát triển đô thị và mối tương quan giữa các vùng nông thôn - đô thị cũng cần được mổ xẻ thấu đáo. 

 
Có một khái niệm không mới trên thế giới nhưng lại rất mù mờ ở Việt Nam. Đó là khái niệm “nông thôn - đô thị” hay “nông thôn trong lòng đô thị”. Ở Việt Nam, nông thôn thường được gắn với “tam nông truyền thống”, với hình ảnh người nông dân canh tác trên cánh đồng lúa, chăn gia súc ngoài đồng, gia cầm trong chuồng và khá lam lũ, lạc hậu; còn thành phố là nhà cao tầng, đường cao tốc, siêu thị đầy ắp hàng hóa. Chính vì quan niệm như thế nên nhiều nhà quản lý cho rằng nông thôn dần phải thu hẹp và phải biến mất, nhường đất cho phố phường, khu công nghiệp, trung tâm thương mại.
 
 

Từ đề xuất Cần Giờ 'lên' quận: Nghĩ về nông thôn mới trong lòng đô thị phát triển

Theo đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM mới đây, dự kiến phân bố dân cư của Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người. Ảnh: Lê Quân  
 
Trở lại với định nghĩa kinh điển và như là chân lý bất biến rằng “đô thị là một cơ thể sống”. Chính vì điều này mà các hoạt động ở thành phố được gắn với cơ thể người như giao thông là “huyết mạch”; cây xanh là “lá phổi”; hệ thống thông tin liên lạc là “bộ não”; công trình xây dựng là “phần xương cốt”; di tích lịch sử - văn hóa và khía cạnh tâm linh của các di tích ấy, quan hệ cộng đồng là “hồn vía”, còn vành đai nông nghiệp ngoại thành được coi là “da, mỡ” bao bọc bảo vệ cơ thể đô thị. Quan trọng thế làm sao mà xóa được?     
 
Có người nói, phải xóa nông thôn, nông nghiệp vì hiệu quả kinh tế thấp hơn công nghiệp, thương mại, dịch vụ; còn bà con nông dân có tâm thế chán ruộng. Vấn đề đặt ra là đầu tư cho nông nghiệp như thế, chủ trương như thế, thì ai mà chả chán? 
 
Sao không nghĩ ra được là làm sao cho 5 huyện ngoại thành trở thành vùng nông nghiệp trong xu thế 4.0, với nông nghiệp kỹ thuật cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới? Nếu đầu tư tốt thì nó hoàn toàn đủ năng lực cung cấp một phần rất lớn rau xanh, cây trái, hoa tươi cho TP.HCM, giảm phụ thuộc vào Đà Lạt và Đồng bằng sông Cửu Long về rau củ và về hoa. Tổ chức không gian ngoại thành được cấu trúc lại thành vùng du lịch sinh thái, những loại kiến trúc truyền thống Nam bộ được phục hồi như nhà rường chữ đinh, chữ khẩu, chữ công; bao quanh là vườn cây trái xanh mát, đường đi “quanh co”. Những loại nhà này được đưa vào làm du lịch “homestay” mà người nước ngoài rất thích thú; còn người dân là ông chủ, bà chủ các “homestay”, “farmstay”, khách sạn mini miệt vườn... Bà con người Tày, Nùng, H’Mông ở Tây Bắc, Đông Bắc làm được thì sao bà con Sài Gòn lại không? 
 
Ai đó nói đất ở Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn không tốt bằng Đà Lạt, An Giang… Nhưng nhìn xem: Dubai có tí đất nào đâu mà họ vẫn phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Singapore cũng đang làm như vậy. Và nhất là sau dịch COVID-19, thế giới mới nhận ra nông nghiệp thực sự là “nền tảng”, là “sân sau”, là “cái đệm hơi” giúp cho quốc gia chống chịu được mọi sự biến động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế... 
 
Việc giữ lại nông thôn mới trong lòng đô thị là giữ lại đất đai dự trữ cho con cháu, bởi thế hệ bây giờ dùng hết thì thế hệ sau còn gì mà dùng nữa?
 
Việc giữ lại nông thôn trong đô thị là tạo công ăn việc làm cho những người yêu nghề nông truyền thống, bởi đất đai thành khu công nghiệp hết thì người nông dân, nhất là thanh niên thích làm nông nghiệp biết trôi dạt về đâu? 
 
Việc giữ lại nông thôn trong đô thị không đơn giản là giữ lại cho một cấu trúc không bị bóc mất phần ngoài cùng mà là giữ lại một vùng văn hóa bản địa. Nếu vùng văn hóa Nam bộ ở ngoại thành còn giữ được thì khách du lịch nước ngoài, người dân Việt còn nhìn thấy bóng dáng “mười tám thôn vườn trầu”, cách trồng rau theo liếp, theo giồng bao quanh là kênh nước, còn được nghe đờn ca tài tử trong các nhà vườn chứ không phải ở quảng trường Nguyễn Huệ; còn nhìn thấy đình, chùa, miếu mạo, công trình cộng đồng đậm kiến trúc nhiệt đới, còn được thấy những rừng cây nước lợ và động vật đặc thù ở Cần Giờ, hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng ở Củ Chi.
 
Đến các thành phố lớn của Malaysia như Kuala Lumpur, Penang mà xem: vẫn còn tam nông đấy và chẳng phải vô lý mà Seoul đang cố gắng khôi phục những điểm nông nghiệp sinh thái quanh vùng thủ đô đã từng một thời bị xóa vì nôn nóng và ấu trĩ. 
 
“Nông thôn của đô thị” - một khái niệm cần thừa nhận và làm rõ trong bối cảnh Hà Nội mở rộng bao trùm cả một vùng nông thôn rộng lớn, còn TP.HCM đang toan tính “lên đời” đô thị cho những miền quê xa khu trung tâm. Xin hãy cẩn trọng, xóa thì dễ, phục hồi thì khó, còn hậu quả của nó là khó lường! 
 
PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa  
(NĐT)