(Tin Môi Trường) - Mẹ tôi bảo, trong núi có thần rừng. Thần rừng là những vị thần canh giữ những khu rừng, và họ sẽ phù hộ cho tất cả mọi người được khỏe mạnh, mùa màng được bội thu nếu chúng ta không tàn phá rừng của họ.
Núi Đại Bình vẫn xanh xám, nhưng đã hằn lên mình những vết thương - Ảnh – Huỳnh Tường Phu
Gần một năm rồi tôi mới về quê.
Quê tôi là một xã vùng ven Bảo Lộc, một đô thị nhỏ nằm chênh vênh trên đỉnh đèo. Bảo Lộc nhỏ thôi, nhưng hiền hòa, dịu dàng và không kém phần hùng vĩ. Nhìn những con đường phẳng lì, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát hai bên đường…. Tôi không thể không vui mừng vì quê hương ngày một khởi sắc.
Vốc miếng nước mát lạnh rỉ ra từ đá núi cao nguyên rửa mặt, tôi quay về nhìn núi Đại Bình. Chao ôi, ngọn núi hùng vĩ ngày nào giờ đây đang bị đào xới nham nhở. Những con đường rộng lớn hình díc dắc, những nền dự án khổng lồ, những bậc thang to như sân bóng….giống những nhát dao cứa sâu vào da thịt một người con xa quê như tôi vậy.
Núi Đại Bình, trong ký ức chắp vá của tôi vài mươi năm trước là một cái gì đó vừa bí hiểm, vừa đáng sợ. Nhìn từ xa, bất kể ngày hay đêm, núi cũng chỉ có một màu xanh xam xám, sâu thẳm, mê hoặc và đầy huyền bí. Những người bạn Cơ Ho thửa thiếu thời của tôi hay nói, núi là nơi ở của thần rừng, ma rừng, ma trành, của những con đười ươi đã thành tinh vô cùng đáng sợ. “Mê bèp anh (Cha mẹ tao – Tiếng K ho)” bảo, Yang Cơ P’Nom (Thần Rừng) trên đó giữ rừng, giữ núi cho người Cơ Ho tao. Ai mà xân lấm rừng, Yang sẽ sai con ma rừng bắt mất.” Những người bạn ngày đó, nay chắc nhiều người đã lên chức ông ngoại, không biết có bạn nào xót xa, khi ngọn núi thiêng ngày nào đang bị đào bới nham nhở.
Những bậc thang khổng lồ như những vết cứa vào lòng người con xa xứ - Ảnh – Huỳnh Tường Phu
Mẹ tôi bảo, trong núi có thần rừng. Thần rừng là những vị thần canh giữ những khu rừng, và họ sẽ phù hộ cho tất cả mọi người được khỏe mạnh, mùa màng được bội thu nếu chúng ta không tàn phá rừng của họ. Trên núi còn có những con ma trành, là những con ma luôn đi theo con hổ và phục dịch nó như kẻ hầu người hạ. Ma trành thường làm công việc dụ dỗ người đi lạc vào rừng sâu, để hổ ăn thịt người đó. Khi nào dụ dỗ được nhiều người, thì con hổ đó mới tha cho, và mới siêu thoát làm người được. Và mẹ quả quyết rằng, dù như thế nào cũng không được lên rừng một mình, đặc biệt là con nít như tôi.
Những đêm tối trời và thoáng đãng, tôi nhìn trên núi có những ánh lửa lập lòe , nhỏ như tàn thuốc lá, mẹ bảo: Ma rừng đấy con ạ. Rồi lại có những khi tôi thấy những vệt lửa kéo dài, mẹ lại nói: Con ma này to quá. Trong ký ức non nớt của mình, tôi luôn coi núi Đại Bình là một cái gì đó cao siêu và linh thiêng lắm. Tôi vừa kính sợ, lại vừa tò mò và thích thú.
Nhiều năm sau lớn lên, tôi biết rằng, không có con ma rừng nào hết. Đó chỉ là những lò đốt than của các tiều phu trên núi, và những đám cháy rừng lẻ tẻ ban đêm. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ của tôi dành cho một “kỳ quan” của quê hương vẫn không hề thay đổi.
Bao nhiêu năm xa quê lập nghiệp xứ người, mỗi năm tôi đều sắp xếp trở về một vài lần. Lòng rất vui khi núi Đại Bình thân yêu của tôi vẫn còn đó, sừng sững, hùng vĩ và vẫn một màu xanh xám, sâu thẳm và huyền bí. Bao nhiêu năm qua, những người Kinh, người Cơ Ho, người Tày, người Nùng…. Những anh em các dân tộc Việt Nam đã cùng nhau khai phá, tạo nên những đồi chè, đồi café bạt ngàn ngay chân núi. Họ lên rẫy bằng cách đi bộ, xe đạp hoặc xe máy, giữa những con đường nhỏ xíu ẩn mình dưới tán café, nên nhìn từ xa, cũng chỉ thấy như những sợi chỉ, ngoằn nghèo, nhỏ xíu. Rừng có mất đi ít nhiều, nhưng cái màu xám huyền bí đó vẫn tồn tại. Cho đến hôm nay…..
Dưới sự điều khiển của con người, những cỗ máy vô tri với bàn tay khổng lồ đang ngày đêm gầm rú, xúc hàng tấn đất đá, san gạt mặt bằng để xẻ đường, mở núi làm khu du lịch, làm homestay, làm farmstay. Đại Bình mang trên mình đầy rẫy những vết sẹo mà phải lâu, rất lâu nữa mới có thể lành. Màu xanh xam xám sâu thẳm ngày nào nay đã điểm tô thêm những mảng màng sang sáng, trắng trắng của đất đá.
Một nền được san gạt to bằng sân bóng - Ảnh – Huỳnh Tường Phu
Dẫu biết rằng, sự phát triển nào cũng sẽ phải đánh đổi, việc phát triển du lịch trên núi ắt hẳn sẽ mang lại sinh kế cho rất nhiều người. Tuy nhiên, tại sao chúng ta không chọn giải pháp phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên? Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển nhiều loại hình du lịch nghĩ dưỡng sinh thái, không tác động nhiều đến môi trường như những mô hình tiến tiên của Châu Âu. Hơn nữa, việc phát triển du lịch sinh thái còn góp phần tuyên truyền cho du khách tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Tại sao cứ nhất định phải xây dựng nên những con đường hoành tráng, những tòa nhà bê tông xù xì hay những dự án đầy tiện nghi.
Bao nhiêu năm qua, các chuyên gia, báo chí đã mổ xẻ và tiếc nuối rất nhiều vì tình trạng “bê tông hóa” Đà Lạt ngày càng trở nên trầm kha, khiến thành phố này ngày càng mất điểm trong mắt du khách trong và ngoài nước. Bảo Lộc là đô thị lớn thứ hai của tỉnh, và có thể ví thành phố này như một “viên ngọc thô” về du lịch. Thiết nghĩ, chúng ta nên có giải pháp cấp thiết, đồng bộ và căn cơ nhất dể “mài dũa” viên ngọc này, đưa thành phố nhỏ bé và xinh đẹp này trở thành một đô thị du lịch, nhằm giảm tải cho Đà Lạt vốn đang oằn mình gánh khách.
Đừng để những người con xa quê lại phải tiếp tục thở dài bởi ngọn đồi nham nhở!