(Tin Môi Trường) - Lướt mạng xã hội thấy ầm ĩ chuyện cúng dường online qua ví điện tử Momo của chùa Yên Tử (Quảng Ninh), nhiều người giật mình, cứ tưởng rằng có chuyện lừa đảo tâm linh.
Ngày 22-2, lướt mạng xã hội thấy ầm ĩ chuyện cúng dường online qua ví điện tử Momo của chùa Yên Tử (Quảng Ninh), nhiều người giật mình. Chợt nghĩ thời công nghệ 4.0, đến cúng dường, cầu an mà cũng có chuyện lừa đảo tâm linh, chỉ có tội với nhà Phật mà thôi.
Một số báo điện tử cũng lên tiếng cảnh báo các trang Facebook giả danh chùa Yên Tử lừa đảo. Các báo Phật giáo cũng lên tiếng cảnh báo tương tự.
Không chỉ mạng xã hội, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh - cho biết Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã gửi thông báo cảnh báo về việc một số trang mạng xã hội lừa đảo, trục lợi tiền công đức của người dân.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển khẳng định trang mạng xã hội "Chùa Yên Tử" có lời kêu gọi cầu an, cúng dường online không phải là kênh thông tin chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và của chùa Yên Tử.
Tuy nhiên tối 22-2, thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - khẳng định thông tin cúng dường online là đúng sự thật.
Theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thử nghiệm mới, cúng dường qua ví điện tử đối với một số chùa, trong đó có Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam)… Việc thử nghiệm mới này nhằm đáp ứng nhu cầu cúng dường của người dân trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, khi người dân không thể đến chùa thì có thể cầu an, cúng dường qua ví điện tử Momo.
Đến lúc này, Phật tử, người dân mới biết việc cầu an, cúng dường online là có thật, không phải lừa đảo.
Các thông tin trên làm Phật tử, công chúng bán tín bán nghi. Dường như để giải đáp nỗi hoài nghi này, tại cuộc gặp báo chí chiều 23-2, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết ý tưởng thử nghiệm cầu an, cúng dường trực tuyến xuất phát từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra chủ trương thử nghiệm hình thức cúng dường trực tuyến thông qua ví điện tử hoặc quét mã QR.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng khẳng định việc cúng dường là hoàn toàn tự nguyện và tùy tâm, không bắt buộc. Đến nay, các chùa cúng dường trực tuyến đều có lượng công đức rất nhỏ. Những ngày đầu, số lượng người tham gia khá nhiều, nhưng sau đó ít hơn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổng kết, đánh giá như ưu điểm, nhược điểm của hình thức này để xem xét có tiếp tục triển khai trên diện rộng hay không.
Vậy là chuyện cầu an, cúng dường online là có thật. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu có nên cầu an, cúng dường online?
Thực ra khái niệm "cầu an" và cả "cầu siêu" chỉ mới xuất hiện gần đây trong giới Phật giáo Việt Nam mà thôi.
"Cầu an" có nghĩa là cầu cho một người nào đó được khỏe mạnh và an lạc, dưới bóng từ bi của Đức Phật. Cầu an chỉ mang tính cách biểu tượng, tìm sức mạnh tinh thần, tâm linh. Để được sức khỏe và an lạc, theo đạo Phật, chúng sinh phải tu tập công đức, làm việc thiện, sống tiết chế, lấy chánh niệm và sự tỉnh thức làm phương châm của cuộc sống. Được như vậy thì sự an lạc sẽ hiện diện như người bạn đồng hành của ta trong cuộc đời. Không thể hóa giải những chuyện bất an bằng cách "dâng sao giải hạn" như sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh của Chùa Ba Vàng từng tổ chức, chỉ là chuyện mê tín, từng bị chính Giáo hội phê phán.
Vậy cầu an là phải cầu nguyện dưới bóng Đức Phật từ bi hỉ xả, mới có bóng dáng của sức mạnh tâm linh (tinh thần) để vượt khó, an lạc.
Còn cúng dường là cung dưỡng, có nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi. Về nội dung thì bố thí hay cúng dường chỉ là một. Cùng một nghĩa cử nhưng dùng hai từ khác nhau để phù hợp với đối tượng nhận.
Cúng dường trong đạo Phật có mục đích nuôi dưỡng khiến Tam Bảo hằng còn ở đời. Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phật đã quá khứ, chỉ còn lại hình tượng. Pháp là Phật pháp ở chùa. Tam Bảo đều quí kính, song quan trọng nhất là Tăng. Nếu không có Tăng ai gìn giữ chùa chiền, ai giảng dạy chánh pháp? Thế nên, cúng dường Tam Bảo, quan trọng là Tăng.
Như vậy, cúng dường cũng cần phải cúng dưới bóng từ bi của Đức Phật, mới là "cúng dường Tam Bảo" mới có ý nghĩa thiêng liêng, duy trì Phật pháp chớ không phải cúng cho chùa, cho một sư tăng nào.
Vậy cầu an và cúng dường qua online, trên smartphone, màn hình máy tính; Đức Phật từ bi cũng trên đó, làm sao thấy Tam Bảo mà cúng dường? Cầu an trên không gian mạng, dù đó là trên máy tính cấu hình cao, trên iPhone đời mới nhất cũng chỉ là cầu an ảo, cúng dường ảo, thiếu phần nền quan trọng nhất là tâm linh, bóng dáng của Phật pháp.
Vậy Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nên tiếp tục thử nghiệm cầu an và cúng dường online, qua ví Momo?
Có thể sau một thời gian thử nghiệm tại các chùa trên, Giáo hội sẽ quyết có tiếp tục thực hiện chủ trương này hay không. Nhưng theo ý kiến cá nhân người viết bài này là không nên tiếp tục thử nghiệm, vì đó là hành vi ảo, không thực, lại qua ví Momo, có vẻ "trần tục" quá, bởi đó chỉ là phương tiện thanh toán điện tử thương mại, còn cúng dường không phải là hoạt động thương mại.
Hãy để Phật tử, công chúng đến chùa, dù hạn chế không quá 20 người để chống dịch thì việc cầu an, cúng dường mới thiêng liêng, ý nghĩa hơn.