(Tin Môi Trường) - Những dáng cây mang sinh khí của mấy trăm năm. Hơi hướm thời gian đã thấm qua những lớp lớp xù xì. Để rồi nơi đó nảy sinh ra câu chuyện về một giấc mơ của cư dân đô thị xa xôi, giấc mơ nhắc về những cái lá rụng quanh gốc có thể chữa lành bệnh nan y.
Em đọc xong quyển sách thiếu nhi Tiền của thần cây rồi nói sẽ về Chợ Vàm, tìm Thần Cây để xin một điều ước và gửi lại đó những gì không muốn nặng mang. Ừ hé. Sống mấy trăm năm, mưa nắng nào Thần Cây cũng có thể vượt qua, cái lõi đã tan mấy đời vào đất mà lớp da sần sùi vẫn nuôi dưỡng cổ thụ xanh lá, thắm hoa được tới bây giờ thì chắc Thần Cây đủ bao dung để lưu giữ hết những ký ức lẫn những gì ẩn ức.
Cụm 3 cây bằng lăng cổ thụ ở thị trấn Chợ Vàm, An Giang. Trong đó, một cây trên 217 tuổi, hai cây trên 307 tuổi, có chiều cao trung bình hơn 8m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 4m. Ảnh: Công Mạo
Những dáng cây mang sinh khí của mấy trăm năm. Màu thời gian hay hơi hướm thời gian đã thấm qua những lớp lớp xù xì. Để rồi nơi đó nảy sinh ra câu chuyện về một giấc mơ của cư dân đô thị xa xôi, giấc mơ nhắc về những cái lá rụng quanh gốc có thể chữa lành bệnh nan y.
Chẳng biết đồn đãi hay là thật. Nhưng mỗi lần đến với Thần Cây là mỗi lần cảm thấy mình trẻ lại. Bởi đơn thuần so với tuổi của “cụ” cây, mấy mươi năm của mình thơ ấu vô cùng. Chưa từng có ý định gửi gắm những phiền muộn vào cây. Chỉ thầm thì mong “cụ” hãy sống và sống lâu hơn nữa. Để chứng kiến, để kể lại bằng tiếng nói lặng thầm hay đơn thuần chỉ để lưu giữ những dòng ý nghĩ không bao giờ có thể thốt thành lời của đám nhân thế luôn bấp bênh chao đảo.
Nhưng mà tầng tầng thời gian đã trải qua rồi, nhiều khi sợ Thần Cây cũng mong manh trước lớp lớp tầng tầng những buồn vui mong mỏi của nhân gian tìm về gửi gắm. Chỉ những cái vuốt ve thôi mà có khi Thần Cây cũng không sống được. Mỗi cái vuốt ve đều rất nhẹ nhàng, đều là cảm mến yêu thương nhưng nó chồng chất lên nhau thì đáng sợ hơn nhiều.
Ngay cả thời gian không có ký lô nào mà nó chồng chất lên đời cây thì Thần Cây cũng trở nên nhỏ bé. Người ta phải vây quanh “cụ” những cái rào để hạn chế những vuốt ve. Các nhà khoa học có thể đong đo được tuổi của Thần Cây nhưng không ai đong đo được con đường kế đó cổ thụ kết thúc kiểu gì.
Cuộc đời các “cụ” đã thấm quá nhiều chồng chất
Sinh ra từ nước, bao nhiêu năm lắc lẻo bên con rạch nhỏ giữa cù lao, thời thơ ấu của các “cụ” soi bóng nước mỗi ngày. Nhưng rồi ngay cả dòng kinh khai sinh đời các “cụ” cũng không thể chịu đựng được sự chồng chất của lớp lớp phù sa, dòng kinh biến mất như chưa từng tồn tại. Sông Cái Vừng thì ở xa tận ngoài kia. Đời cây sông nước lặng mình soi bóng cái ao nhỏ bên hè miễu. Dòng chảy đã ngưng nhưng dòng sống của các “cụ” vẫn kiên trì suốt mấy trăm năm.
Từ khi “cụ” chỉ bậu bạn với trẻ con hay bậu bạn những cuộc trốn tìm bởi chiến tranh nhờ những hang hóc rộng rinh trong từng thân cổ thụ, cho tới khi “cụ” bậu bạn với miếu thờ “bà cố hỉ” rồi những cuộc múa đồng bóng trong ngày cúng lệ hằng năm. Cổ thụ vẫn xanh lá và mỗi mùa hoa vẫn lấp lánh những cánh mỏng hồng tươi. Để người xa quê nhắc nhau về một miếu Bằng Lăng thay vì gọi là miếu Bà Chúa Xứ. Miếu cổ và cây cổ, ai nhiều tuổi hơn ai!
Một sáng trong lành dắt học trò qua Thần Cây vẽ thực tế, thấy một ông cụ che tấm bạt nhựa dưới gốc “cụ” cây. Một cái võng bằng tre, một chai nước lã, cái bếp củi nho nhỏ, vài nhánh củi chất bên cây, vậy là thành tất cả cuộc đời của tám mươi năm. Tám mươi năm bao nhiêu sự thắng thua được mất chồng chất, mọi thứ đã mong manh. Chẳng còn chịu đựng được một chút va chạm nào dẫu chỉ là một cái vuốt ve hơi mạnh bạo của thâm tình. Cụ già ra bậu bạn với ba “cụ” bằng lăng nước.
Cụ già chắc là khó tính. Nhưng nụ cười của cụ dành cho mấy đứa học trò là nụ cười cổ thụ. Nhăn nheo, quảng đại và có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Đêm về nằm nghe mưa đổ ào ào xuống những mái nhà. Tự hỏi dòng mưa đổ kiểu gì lên tấm bạt? Nước dâng kiểu gì dưới tấm vạt tre và cụ người tám mươi có gửi gắm được chút gì nỗi cô đơn, lạnh lẽo bên “cụ” bằng lăng ba trăm tuổi?
Gốc cây bằng lăng hơn 200 tuổi ở Chợ Vàm, là nơi trẻ con thường chui vào ngồi chơi.
Nhớ tới những bà mẹ tuổi bảy mươi, tám mươi nằm trong bệnh viện đau đáu về chuyện thằng cháu đang hút chích, đứa con dâu đang chọc giận đám xã hội đen, thằng con trai đang nhậu nhẹt rồi cầm xe lạng lách. Đọc báo thấy một bà mẹ già châm lửa đốt nhà vì con gái gạt mẹ sang tên nhà rồi đuổi mẹ già ra khỏi cửa. Ngọn lửa tình mẹ cháy mải miết mấy mươi năm, tưởng như nó cháy cho tới ngày xong phận sự mẹ hiền thì đứa con lại đổ vào đó những dòng xăng phản nghịch để lửa yêu thương thành lửa hận thù.
Bà mẹ ôm gói quần áo đi bán vé số rồi lê la ngủ vỉa hè. Cũng trong tấm bạt nhựa nhưng không phải bên Thần Cây mà là bên hiên một ngôi nhà xa lạ, mẹ không biết mình đang sống qua ngày với một cái lệnh truy nã. So với giông bão từ phía những thâm tình kiểu đó, hình như “cụ” bằng lăng hiền thảo hơn nhiều. Cơn mưa đêm cũng chẳng là cái gì mang sắc màu bão tố. Nhiều khi chỉ là giản đơn như vậy. Người già nhiều khi chỉ đơn thuần cần một sự trầm lặng của Thần Cây. Ngày mai có mất đi, hoặc đêm nay có mất đi cũng chẳng là gì…
Ai rồi cũng già như thế
Nhưng không phải ai cũng dám chọn một cuộc đời yên ả, dám ngã mình bậu bạn với Thần Cây. Bởi phần lớn tuổi già vẫn còn lo lắng về một tương lai của con, cháu, chắt, chút, chít… đang không ngừng lớn mạnh ở một tương lai nào đó. Những dòng nước mắt chảy xuôi không ngừng tuôn đổ. Tình thương càng cho, càng đầy mà sức già càng cho, càng cạn. Ai rồi cũng mong manh như những “cụ” bằng lăng vài trăm tuổi, để cảm thấy e dè trước những cái vuốt ve.
Nhưng, những đứa con quen được yêu thương, chỉ tuân theo bản năng là yêu thương hậu duệ của mình; còn với đấng sinh thành, là vô tình hay cố ý những đáp trả nào phải đâu chỉ là những cái vuốt ve êm ái. Những cuộc đời bên kia dốc lặng thầm sống chung những cơn bão sâu tận đáy lòng. Chưa có gì sâu hơn những cơn giận thâm tình. Bởi những giận hờn song hành cùng với nhớ thương. Nhớ lớn bao nhiêu, cái giận cũng lớn lao ngang chừng ấy.
Thôi thì lúc nào mệt mỏi hãy về với Thần Cây. Lắng nghe trăm tuổi thở những dòng dưỡng khí lặng thầm. Nghe câu chuyện sự sống dài đăng đẵng của người xưa để tạm quên những gì đăng đẵng trong lòng. Tự hình dung trước mắt là tấm bạt nhựa dựa cội cây che chở một phận người. Tự hình dung đó là cha là mẹ của mình. Tự hình dung đó là chính mình của một ngày già lão sợ phải nhìn thấy cái nhíu mày của đứa con mình từng chăm chút cưng yêu. Ví mình như cụ tám mươi kia, thủ thỉ với Thần Cây những ngôn từ không còn gì để mất. Để nhận ra thật sự lòng hiếu thảo mang dáng dấp gì, mẹ cha ta có thật sự yên ổn với ta hay đang ao ước thà được yên ổn an lành bên những cội cây.
Góc khuất nào của ta, của mẹ, của cha còn chưa soi chiếu? Hãy quỳ xuống bên cây gửi lại một nguyện cầu, mong khắp nhân gian, khắp những vỉa hè, khắp những cội cây không còn những tấm bạt nhựa đựng co ro những phận đời mang tên CHA, MẸ.
(Bài đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021)