Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ngắc ngoải thông ngàn

(09:41:46 AM 09/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Dọc quốc lộ 14 đoạn qua Đắk Lắk, những vạt rừng thông xanh rì hiện đang xơ xác. Để đổi lại đất canh tác và cả đất đô thị, những vạt rừng thông đang ngắc ngoải từng ngày.

 

Người dân chặt hạ các khu rừng thông rồi canh tác hoa màu tại xã Cư Kpô (Krông Búk, Đắk Lắk)
Cách “bức tử” thông phổ biến, khiến thông chết nhanh nhất mà người dân sử dụng là chặt đứt lớp vỏ bên dưới gốc thông - Ảnh: T.B.D.

 

Cảnh tượng rừng thông đang bị “bức tử” diễn ra ngay bên quốc lộ 14 khi vừa qua khỏi trung tâm huyện Krông Búk. Bên cạnh những cây còn sống là hàng trăm gốc thông đã bị chặt đứt, nhiều cây bị cạo lớp vỏ bên ngoài khiến toàn bộ lá chết khô.

 

Tại khu vực thôn 6 xã Cư Né, chỉ khoảng hai năm trước những khu rừng thông xanh ngút còn khá dày, có tuổi đời lâu năm nhưng giờ đây đã bị san phẳng để thay vào đó là rẫy cà phê và những ngôi nhà tạm bợ.

 

Một cán bộ xã Cư Né (huyện Krông Búk) cho biết đây là một trong những địa bàn xảy ra tình trạng tàn phá rừng thông nóng bỏng nhất, hộ chiếm ít cũng 50m2 đất trái phép, hộ chiếm nhiều lên tới gần 400m2.

 

Ông Nguyễn Văn Luyện, phó chủ tịch UBND xã Cư Né, giở bản đồ chỉ cho chúng tôi những khu vực rừng thông đã bị chặt chiếm. Theo thống kê, vào năm 2003 Ban quản lý rừng phòng hộ quốc lộ 14 đã giao khoán gần 330ha đất rừng cho các hộ dân ở xã Cư Né quản lý, trong đó có 224ha đất trồng rừng thông, nhưng tới ngày 27-5-2010 rừng thông chỉ còn lại chưa đầy 107ha, hơn một nửa diện tích đã bị dân chặt phá và lấn chiếm.

 

Ông Luyện tiếc nuối: “Đấy là số liệu thống kê của năm 2010, nếu có kết quả thống kê mới thì con số rừng bị mất có thể còn lớn hơn. Họ lấy cớ đi chăn bò, kiếm củi rồi âm thầm vào rừng thông chặt gốc, cạo vỏ, chỉ vài tuần sau thông chết là đã thấy hoa màu mọc xanh lên đấy rồi. Phá theo kiểu như thế thì dù có cử cán bộ ngồi ôm gốc cây cũng chịu”.

 

Ông Hoàng Văn Minh, phó trưởng Phòng nông nghiệp huyện Krông Búk, thừa nhận việc giữ lại rừng thông thật sự là gánh nặng đối với chính quyền bởi rừng nằm mỏng manh ở giữa khu vực dân cư, không có ranh giới bảo vệ.

 

“Hi sinh” rừng thông để đổi lấy đô thị

 

Ông Vũ Văn Mỹ, phó chủ tịch UBND huyện Krông Búk, cho biết sắp tới phần lớn diện tích rừng thông còn lại tại huyện cũng sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo kế hoạch, có hơn 100ha đất rừng thông đưa vào quy hoạch, trong đó nhiều diện tích còn rừng.

 

Theo ông Mỹ, giá trị của rừng thông hiện không còn cao nữa nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng là cần thiết, mặt khác Krông Búk là huyện mới được thành lập nên nhu cầu về đất đai phục vụ quy hoạch khá lớn.

 

T.B.DŨNG