Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Sâm Đại quang” không phải là sâm

(12:05:33 PM 20/02/2021)
(Tin Môi Trường) - Thời gian gần đây trên mạng Internet có nhiều thông tin về một cây có tên là “Sâm đại quang”, nhưng không ghi kèm tên khoa học. Không có tên khoa học (tên La tinh) thì không thể biết nó là cây gì. Trong dân gian, nhiều người truyền tai nhau về các công dụng ‘thần diệu’ của cây này, như chữa được nhiều bệnh, thậm chí cả bệnh ung thư (!). Có bài viết cho rằng cây này do Đại thiền sư Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV) phát hiện ở chân núi Dành (Bắc Giang), đã dùng làm thuốc bồi bổ cơ thể và làm sáng mắt, nên mới đặt tên là Sâm Đại quang. GS.TSKH. Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền có bài viết khẳng định “Sâm Đại quang” không phải là sâm .Xin giới thiệu bài viết quan trọng này.

 “Sâm Đại quang” không phải là sâm

Cây Chút chít (nguồn: T.C. Khánh)
 
Thời gian gần đây trên mạng Internet có nhiều thông tin về một cây có tên là “Sâm đại quang”, nhưng không ghi kèm tên khoa học. Không có tên khoa học (tên La tinh) thì không thể biết nó là cây gì. Trong dân gian, nhiều người truyền tai nhau về các công dụng ‘thần diệu’ của cây này, như chữa được nhiều bệnh, thậm chí cả bệnh ung thư (!). Có bài viết cho rằng cây này do Đại thiền sư Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIV) phát hiện ở chân núi Dành (Bắc Giang), đã dùng làm thuốc bồi bổ cơ thể và làm sáng mắt, nên mới đặt tên là Sâm Đại quang.
 
Báo Bình Phước (06/11/2019) có bài viết “…giống Sâm đại quang phát triển khá tốt, thích nghi với vùng khí hậu của Bình Phước. Giống sâm này chỉ trồng sau 1 năm là cho thu hoạch với năng suất bình quân 2 lạng/cây”. Bài báo còn viết “chất lượng Sâm đại quang không thua kém gì so với giống Sâm Ngọc Linh trên thị trường hiện nay”. Để chứng minh điều này, bài báo đưa các bảng phân tích chất lượng củ sâm thu hái được, cho thấy chỉ số chống lão hóa của Sâm đại quang được 17% so với 52% đối với Sâm Ngọc Linh, các chỉ số Dược học còn lại đều bằng hoặc hơn Sâm Ngọc Linh. [https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/47721/sam-dai-quang-tren-dat-binh-phuoc].  Hiện nay, “Sâm đại quang” được bán trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau, từ 7-20 triệu đồng/kg, có người bán với giá 40-100 triệu đồng/kg.
 
Vậy thực hư về “Sâm đại quang” như thế nào? Nó là cây gì, giá trị làm thuốc có ‘thần diệu’ như lời đồn thổi không và có thể so sánh với các loại Nhân sâm, hay Sâm Ngọc Linh không?
 
Để trả lời câu hỏi này, trước hết phải xác định được tên khoa học của nó, trong khi không có mẫu cây. Qua một số hình ảnh trên báo mạng, chúng tôi đã xác định cây có tên “Sâm đại quang” thuộc chi Chút chít (Rumex), họ Rau răm (Polygonaceae). Chi Rumex ở Việt Nam có 7 loài (theo ‘Danh lục các loài Thực vật Việt Nam’ II, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, 2003). Theo mô tả và hình vẽ trong sách ‘Cây cỏ Việt Nam’ I, tập 2, tr. 938 (1991) của Phạm Hoàng Hộ thì cây này có tên là Dương đề nhăn, Yellow dock (tiếng Anh), tên khoa học là  Rumex crispus L. Trong các sách Thực vật khác thì loài R. crispus có tên là Chút chít nhăn, hay Chút chít răng, Dương đề nhăn, Chân dê.
 
 Loài Rumex crispus có nhiều phân loài. Cây Chút chít lá nhăn ở Việt Nam chưa được nghiên cứu về phân loại cấp dưới loài. 
 
 
“Sâm Đại quang” không phải là sâm
Cây Chút chít lá nhăn (nguồn: Internet)
 
Đặc điểm: Chút chít lá nhăn là cây thảo mọc thẳng đứng, sống nhiều năm, thường cao 40-80cm. Thân cứng, nhẵn, ít nhiều có màu đỏ. Lá đơn, mọc cách, màu xanh lục, nhẵn, hình mũi mác hẹp, dài 18-25cm, rộng 2-7cm, hơi nhọn ở hai đầu, mép lá nhăn và lượn sóng (nên mới có tên là ‘Chút chít lá nhăn’). Lá ở quanh gốc xếp toả tròn. Lá ở giữa thân không cuống hoặc có cuống rất ngắn, nhỏ hơn lá ở gần gốc. Lá kèm dính lại thành bẹ chìa mỏng, hình ống, ôm lấy phần gốc của đốt thân. Cụm hoa to ở ngọn, dài 10-50cm, dày đặc xim co nhiều hoa, có lá bắc rất nhỏ ở gốc mỗi xim. Hoa lưỡng tính và hoa cái trên cùng một cây. Bao hoa có 6 mảnh, xếp thành 2 vòng, vòng trong tồn tại trên quả. Quả bế ba cạnh, dài 2-3mm, rộng 1,2-1,7mm, phần gốc quả nhọn, ngắn, đỉnh quả hơi dài hơn, mặt cắt ngang hình tam giác. Quả được bao bọc trong ba lá đài hình trái tim. Hạt đa dạng.
 
Phân bố: Loài Chút chít lá nhăn khá phổ biến ở Việt Nam, mọc nơi ẩm ướt ở ven rừng, khe núi, ven suối, ven đường, bãi sông, vv., phân bố ở Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Lâm Đồng, Cần Thơ. Loài này còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Indonesia, Châu Âu, Bắc Phi và Châu Mỹ.
 
Thành phần hoá học: Dưới đây là một số công bố kết quả xác định thành phần hoá học của cây Chút chít lá nhăn (được gọi là “Sâm đại quang”) trong các mẫu phân tích:
 
Theo ‘Phiếu phân tích & kiểm nghiệm’ của Viện dược liệu, Hà Nội (19.3.2016):  Mẫu “Sâm đại quang” của Cty CPDP quốc tế Abipha có các nhóm chất flavonoid, coumarin, đường khử và triperpenoid. Không có tanin, saponin, glycosid tim và polysaccarid.
 
Theo Ji-ping Fan và cs. (Journal of Chinese medicinal materials, 32(12):1836-40. Dec. 2009), cây Rumex crispus có 15 hợp chất là: β-sitosterol, hexadecanoic acid, hexadecanoic-2,3-dihydroxy propyleste, chrysophanol, physcion, emodin, chrysophanol-8-O-β-D-glucopyranosid, physcion-8-O-β-D-glucopyranosid, emodin-8-O-β-D-glucopyranosid, gallic acid, (+)-catechin, kaempferol, quercetin, kaempferol-3-O-α-L-rhamnopyranosid, quercetin-3-O-α-L-rhamnopyranosid.
 
Theo các tài liệu nước ngoài, lá và rễ Rumex crispus chiết bằng các dung môi methanol, ethanol, aceton và nước có các chất flavonoid, phenol, proanthocyanidin, saponin và alcaloid. Hàm lượng các chất trong rễ cao hơn lá. Cây này có anthraquinon glycosid (emodin) nên có tác dụng nhuận tràng. Theo Demirezer và cs. (1994), hàm lượng anthraquinon glycosid trong các bộ phận của cây như sau: rễ 1,17%, thân 0,54%, lá 0,66% và quả 0,49 %. Rễ còn chứa nhiều chất sắt, nên thường được dùng để điều trị bệnh thiếu máu. Lá non ăn được như rau, có vị chua, hơi chát, chứa các vitamin A và C, chất vi lượng Fe và K. Lá già đắng. Phụ nữ đang cho con bú nên ăn ít, vì nó có thể gây ra tác dụng nhuận tràng cho trẻ sơ sinh.
 
Theo ‘Phiếu kết quả kiểm nghiệm’ của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (12.9.2017):  Mẫu “Sâm đại quang” của Cty CPDP Vinh Gia có các chất arginin, alanin, serin, threonin, acid glutamic, acid aspartic, các chất vi lượng K, Cu, Fe, Co và đặc biệt có ginsenosid (Rg1 0,2mg/kg và Rb1 0,38mg/kg). Cần kiểm tra lại sự chính xác của kết quả kiểm nghiệm này, vì chi Rumex (họ Rau răm -Polygonaceae) không thể có chất ginsenosid (!).  Ginsenosid là hoạt chất trong cây Nhân sâm (thuộc chi Panax, họ Araliaceae), hoặc Hồng Sâm Hàn Quốc (Red ginseng).  
 
Công dụng: Theo tài liệu nước ngoài, Chút chít lá nhăn chữa viêm gan, thấp khớp, đái đường, eczema. Rễ làm thuốc xổ và lọc máu. Cả lá và rễ Chút chít lá nhăn đều có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón, kháng khuẩn (đối với Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis), chống oxy hoá và giúp tiêu hóa. Theo Y học cổ truyền, rễ còn dùng làm thuốc trị sán dây và giun đũa.
 
Trong dân gian, người ta truyền tai nhau về các công dụng thần diệu của cây “Sâm đại quang”. Nhiều người cho rằng, loại cây này chữa được nhiều bệnh như đại tràng, xơ gan, gan nhiễm mỡ, mỡ máu, mắt mờ và tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt, tiền đình, huyết áp thấp, tăng cường sinh lý nam, làm đẹp da cho phụ nữ, tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch… và chống ung thư ?!.
 

“Sâm Đại quang” không phải là sâm

Rễ Chút chít lá nhăn (nguồn: Internet)
 
Thay cho lời kết: Cây được gọi là “Sâm đại quang” thực ra chỉ là cây Chút chít lá nhăn, tên khoa học là  Rumex crispus L., họ Rau răm (Polygonaceae). Nó không có họ hàng gì với các loài Sâm trong chi Panax, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) và tất nhiên cũng không thể có chất ginsenosid như Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã xác định! Hiện nay, trên thị trường dược liệu có sự lạm dụng từ “Sâm” khá phổ biến, gây ra sự hiểu nhầm đáng tiếc. Người tiêu dùng không nên tin tưởng vào những lời đồn thổi và cả một số bài báo thiếu căn cứ khoa học, nhất là đối với cây làm thuốc có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng.
 
Cây dễ nhầm lẫn: Ở nước ta, có cây Chút chít, còn gọi là Dương đề, Phắc cát lang (Thái), tên khoa học là Rumex chinensis Campd., cùng họ Rau răm (Polygonaceae), cùng chi Rumex với cây Chút chít lá nhăn nói trên. Cây này mọc hoang khắp nơi, ưa ẩm, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, nhuận tràng và sát khuẩn; dùng trị táo bón; giống như công dụng của cây Chút chít lá nhăn.
TSKH. Trần Công Khánh -Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền