(Tin Môi Trường) - Mục đích chính của truyền thông là góp phần thay đổi nhận thức và hành vi. Các biểu ngữ, khẩu hiệu trước khi được giăng lên không thể bỏ qua việc xem xét nhiều khía cạnh: ai sẽ đọc nó, thông điệp chính là gì, truyền tải bằng hình thức và nội dung nào, thời điểm và địa điểm nào là phù hợp.
Hai tuần trước, tôi đi xem cải lương ở nhà hát Trần Hữu Trang. Ra về, một biểu ngữ đập vào mắt tôi.
Treo trang trọng ngay lối ra vào, dòng chữ đỏ "hãy nói không với tham nhũng" được in nổi bật trên nền trắng, phía dưới điểm thêm hàng hoa hướng dương vàng. Phía trên băng-rôn ghi "Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chào mừng Ngày quốc tế chống tham nhũng 9/12".
Tôi không tránh khỏi bật cười, thật trái ngược với cảm xúc lắng đọng các nghệ sĩ mang lại từ vở diễn. Tôi bật cười bởi nghĩ tới sự tréo ngoe giữa tinh thần chống tham nhũng của các nghệ sĩ và đối tượng khẩu hiệu hướng tới. Các nghệ sĩ cải lương nói riêng và người làm nghệ thuật trong lĩnh vực sân khấu truyền thống nói chung đều đang vật lộn để mưu sinh. Bằng chứng là chính buổi diễn vở "Nguyễn Hữu Cảnh" tôi vừa xem, một tác phẩm được dàn dựng công phu, nội dung rất hay nhưng khán giả chưa lấp đầy một phần ba số ghế nhà hát nổi tiếng của TP HCM. Rất may, nhà hát chỉ làm một cái băng-rôn, tôi ước tính chi phí in ấn khoảng 500 nghìn đồng.
Thật khó hiểu khi các nghệ sĩ cải lương phải "chào mừng" ngày chống tham nhũng. Hơn nữa, đối tượng đích của thông điệp, những người có chức sắc trong xã hội, chắc ít ai đi xem cải lương. Tôi kể với người cậu, ông bảo: "à, chắc họ sợ nghệ sĩ hát bớt câu, thoại bớt từ".
Tôi chợt nhớ tới nỗi bức xúc của mình khi chứng kiến hoạt động trang trí cổ động trực quan gần đây tại một quận ở Hà Nội. Hôm ấy, tôi được nhà văn Nguyễn Trương Quý chiêu đãi một chầu ngắm phố phường bằng xe máy. Chỉ trên một đoạn đường ngắn, chúng tôi mục sở thị cả trăm cờ phướn, pa-nô, áp phích chào mừng kỷ niệm 24 năm ngày thành lập quận.
Quý vốn là dân kiến trúc - hội họa nên cứ thắc mắc vì sao người ta chuộng trang trí cờ quạt, biểu ngữ bằng hai màu vàng đỏ, dễ ảnh hưởng tới nhận biết tín hiệu giao thông. Tôi thì nhận ra việc "tưng bừng" kỷ niệm 24 năm thành lập quận có gì sai sai bởi 24 năm đâu phải là năm chẵn. Hơn nữa việc tách, nhập, lập quận cũng chỉ là một quyết định mang tính hành chính phục vụ công tác quản lý, không phải một mốc son mang tính lịch sử - chính trị quan trọng với dân chúng.
Tôi không chắc 300 nghìn nhân khẩu ở quận đó cảm thấy đặc biệt tự hào về sự kiện này và liệu họ đã có những hành động thiết thực nào để "thi đua lập thành tích chào mừng" như các khẩu hiệu kêu gọi hay không? Chưa kể, việc xử lý rác thải của cả trăm cờ phướn, áp phích, bảng treo này cũng không tốt cho môi trường. Trong một năm điêu đứng vì dịch bệnh, liệu có cần thiết dùng tiền của dân vung vãi cho một hoạt động phô trương và nặng về hình thức như vậy?
Mục đích chính của truyền thông là góp phần thay đổi nhận thức và hành vi. Các biểu ngữ, khẩu hiệu trước khi được giăng lên không thể bỏ qua việc xem xét nhiều khía cạnh: ai sẽ đọc nó, thông điệp chính là gì, truyền tải bằng hình thức và nội dung nào, thời điểm và địa điểm nào là phù hợp.
Rất dễ nhận thấy kiểu cách tuyên truyền của các cấp chính quyền, nhiều cơ quan bao năm qua vừa sáo mòn vừa thô sơ. Rất nhiều khuôn mẫu cổ động tồn tại từ thời chiến tranh, không còn phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và trình độ dân trí ngày càng cao. Chưa kể có nhiều kiểu hô hào dở khóc dở cười như "ra quân diệt loăng quăng bọ gậy" hoặc "vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học".
Nội dung đã lộn xộn, hình thức cũng không khá hơn. Người ta quá thản nhiên bức tử các hàng cây, cột điện, ngôi nhà để chăng khẩu hiệu. Có lần tôi thử đếm trên đường Giảng Võ, Hà Nội, cứ một gốc cây "chào mừng ngày hội quốc phòng toàn quân" lại xen với một gốc cây quảng cáo chương trình ca nhạc - hài. Màu quốc kỳ trang trọng của chúng ta được nhiều người dùng để chăng quảng cáo đủ loại, từ "giặt là", "bán sim" tới "mua bán nhà đất", "phở gia truyền".
Để trang trí phố phường, chỉ cần chịu khó suy nghĩ và sáng tạo sẽ có vô vàn cách thức trang nhã, thân thiện với môi trường như dọn dẹp rác thải, trồng hoa, sơn lại mặt tiền các nhà phố. Lễ khánh thành một công trình điện mặt trời mới đây, tôi rất vui khi lãnh đạo doanh nghiệp hai bên đồng tình với đề xuất không làm phông màn sân khấu phục vụ chụp ảnh. Thay vào đó, chúng tôi mua một cây bàng xinh xinh về trồng để đánh dấu dự án đi vào hoạt động. Chi phí trồng cây chỉ bằng 1/5 chi phí sản xuất phông màn, lại góp phần giảm thiểu rác thải.
Tôn trọng cộng đồng bắt đầu từ việc thay đổi cách truyền thông kiểu "nhiệt liệt chào mừng".
Cẩm HàChuyên viên truyền thông