(Tin Môi Trường) - Đúng ba mươi năm bôn ba, tháng 1/1941 Bác Hồ về nước. Bước qua cột cây số 108 là Tổ quốc mình, cảm động, Người nâng hòn đất lên hôn. Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói rất hay về sự kiện này bằng câu thơ: “Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai” (Người đi tìm hình của nước).
Hình tượng ấy được bắt mạch từ truyền thống quý trọng đất đai cây cỏ có từ thời vua Hùng. Thời ấy, hôn nhân có tục trao nhau nắm đất và gói muối. Nắm đất biểu trưng cho tài sản (với nghề nông thì có gì quý hơn đất đâu!) và lời nguyền gắn bó với đất đai, cây cỏ. Gói muối biểu tượng cho tình nghĩa mặn mà. Trao những vật ấy là trao nhau những gì quý giá nhất, thiêng liêng nhất. Thế nên, có lẽ phải hiểu câu thơ của Chế Lan Viên theo nghĩa biểu tượng: Bác Hồ trở về Tổ quốc thì hình đất nước được phôi thai từ đó, để rồi đến ngày 2/9/1945, Bác khai sinh ra một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.
Bác là con người của thiên nhiên. Bác là thi sĩ. Bác là nông dân. Sinh thời, khi là Chủ tịch nước, Bác vẫn xắn quần lội ruộng, cùng bà con tát nước, gặt lúa. Ngày thường, Bác vẫn làm vườn “Việc quân việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau” (Thư Hồ Chí Minh).
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ảnh: Tư liệu
Trở lại ngày lịch sử ấy, ngày 28/1/1941 (Mồng Hai Tết Tân Tỵ), theo lời kể của đồng chí Vũ Anh, được về với quê hương, Bác xúc động mạnh. Bác nhìn ngắm say sưa từ ngọn cây, chiếc lá đến những con cá tung tăng dưới dòng suối trong. Cuối 1945, một hôm cùng đi với nhà văn Đặng Thai Mai, Bác chỉ vào một cụ già đang ngồi câu cá và nói: “Thật tình, mình chỉ mong sao việc nước sắp xếp được ổn thỏa, rồi về ngồi trên một hòn đá như ông già câu cá ấy là mình rất vui rồi”. Điều ấy hoàn toàn phù hợp với ước nguyện của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Là một lãnh tụ nhưng Bác chọn cách sống giữa thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên. Hồi ở Việt Bắc, cuối tháng 7/1954, đạo diễn điện ảnh Nga Roman Karmen hỏi: “Chủ tịch làm việc bao nhiêu tiếng một ngày?”. Bác trả lời: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao”. Thì ra Bác đã lấy chính thiên nhiên làm thước đo thời gian vật lý của mình.
Khi đến cơ sở làm việc, Người thường tránh cỗ bàn tiệc tùng mà cùng công vụ ăn cơm mang theo. Tết Kỷ Dậu Bác về thăm chúc Tết nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì. Bữa trưa Bác dùng cơm mang theo ngay tại đồi cây, thấy đồng chí Bí thư xã băn khoăn, Bác hiểu ý liền bảo: “Đi chơi xuân nơi đồi núi thơ mộng thế này thì phải lấy trời làm màn, đất làm chiếu. Thảm cỏ sạch thế này tôi nằm nghỉ ngay đây, có khoái không?”.
Câu chuyện Bác gợi ý anh em giúp việc cứu sống một cái rễ đa, cứu một cây râm bụt bị thối gốc, hay nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định khi chụp ảnh định bẻ một cành cây nhỏ cho khỏi vướng ống kính liền được Bác ngăn lại… cho thấy Bác quý cây như quý người. Đúng như một câu thơ của Tố Hữu viết về Bác “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa”. Để chuẩn bị cho Lễ chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, ngày 1/9/1957, Ban Tổ chức cho duyệt binh thử tại Quảng trường Ba Đình. Anh em xin chặt một cái cây vì vướng đường đi. Xin Bác, Bác bảo: “Các cô, các chú chịu khó khắc phục, cây ấy là do ông cha ta trồng chứ có phải Bác cháu ta trồng đâu mà đòi chặt”.
Bác không chỉ thụ động hưởng cái đẹp từ thiên nhiên mà luôn chủ động tạo ra cái đẹp cho thiên nhiên. Một năm, vào ngày giáp Tết, các cụ già xã Nhật Tân tặng Bác cây đào. Bác rất vui và dặn: “Sang năm, các cụ và nhân dân trong xã không phải tặng tôi cây đào khác nữa. Tôi sẽ tự trồng cây đào này ngay tại vườn nhà và cố gắng chăm bón thật tốt để mùa xuân tiếp theo lại có hoa đào Nhật Tân để chơi xuân”.
Ngày 23/5/1958, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu quan trọng, trong đó, nổi bật lên mấy câu thơ: “Núi trọc như đầu bình vôi/ Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng/ Hàng năm hạn hán tan hoang/ Người người đói rách, làng làng xác xơ”.
Bốn câu thơ cấu trúc theo lối nhân quả, nguyên nhân (vì): “Núi trọc như đầu bình vôi”, dẫn đến hậu quả (nên): “Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng/ Hàng năm hạn hán tan hoang/ Người người đói rách, làng làng xác xơ”. “Núi trọc như đầu bình vôi” vì không có rừng, do không trồng rừng hoặc rừng bị phá, dẫn đến hậu quả như đã nêu. Rất nên lưu ý là chỉ có một câu chỉ nguyên nhân nhưng có tới ba câu chỉ hậu quả, có nghĩa là tác giả muốn nhấn mạnh tới hậu quả. Một ý nghĩa bật ra: muốn no ấm thì phải trồng rừng, trồng thật nhiều rừng!
Với nhãn quan thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào trồng cây. Tháng 1/1959, với bút danh Trần Lực, Người viết bài báo “Tết trồng cây” kêu gọi người người trồng cây, nhà nhà trồng cây “việc này ít tốn kém mà lợi ích lại nhiều”. Người chỉ ra lợi ích về mặt kinh tế, đặc biệt là “cây cối còn ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân”. Ngày 30/5/1959, Bác viết bài báo “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, có mấy câu thơ: “Muốn làm nhà cửa tốt/ Phải ra sức trồng cây/ Chúng ta chuẩn bị từ rày/ Dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”.
Có thể có một ý nghĩa nữa ở bài thơ này, đó là: muốn làm một việc gì lớn thì phải chuẩn bị kỹ càng từ rất sớm; nhưng chỉ cần nghĩa trực tiếp của nó ta cũng thấy một tầm nhìn xa rộng, một sự quan tâm sâu sắc của Bác tới cuộc sống của người nông dân.
Chính Bác gương mẫu trồng cây, chăm sóc cây và quý mến cây. Những cây đa tự tay Bác trồng ở công viên Thống Nhất (11/1/1960), ở xã Đông Hội huyện Đông Anh (31/1/1965), ở xã Vật Lại huyện Ba Vì (Xuân Kỷ Dậu 1969) đến nay, đã cường tráng trong hình hài cổ thụ. Từ những Tết trồng cây do Bác phát động, về sau đã trở thành một phong tục đẹp. Cũng từ đó, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta có một hành động rất ý nghĩa là đầu năm mới thường đến thăm và trồng cây ở các cơ quan, đơn vị địa phương. Bước sang đầu năm 2021, Chính phủ phát động trồng 1 tỷ cây xanh là một việc làm thiết thực Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thế giới đang phát triển mạnh theo hướng “kiến trúc xanh”, “xanh hóa” nhà ở, cơ quan, đô thị... với tiêu chí nhiều cây, sử dụng tối đa vật liệu tự nhiên, không gây ô nhiễm... Những điều ấy đã có trong tư tưởng Hồ Chí Minh cách đây hơn nửa thế kỷ!
Triết học môi trường hôm nay nhấn mạnh tới giải pháp làm thế nào để “xanh hóa”, thì Bác cũng đi trước thời đại. Ngày 21/10/1964, đến thăm thầy trò Trường Sư phạm (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội), Bác ân cần căn dặn: “Lần trước, Bác đến thăm trường, Bác có nói hai điểm: một là vệ sinh, hai là trồng cây. Về vệ sinh ở đây còn kém! Về trồng cây, Bác bảo nên trồng cây nhiều. Nhưng hiện nay cây sống ít. Do là vì các cô, các chú tham trồng cây nhiều, nhưng không chăm bón cho tốt, ở trường này, cả thầy và trò có gần bốn nghìn rưởi người. Nếu mỗi năm, một người trồng một cây là được gần 5.000 cây. Hai năm, sẽ được gần một vạn cây. Nhưng trồng cây nào thì phải chăm bón cho tốt cây đó. Như thế, hơn là tham trồng nhiều mà kết quả ít. Các cô, các chú và các cháu phải làm cho vườn của trường thành một vườn hoa, vườn cây tươi đẹp”. Điều này Bác nói cho cả hôm nay!
Hãy tưởng tượng một vị Chủ tịch nước bận trăm công ngàn việc mà chú ý đến những việc nhỏ mà thiết thực của người dân càng thấy sự bình thường mà vĩ đại của Người. Có lẽ ai cũng nhớ câu nói nổi tiếng của Bác: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đối với Bác, trồng cây không chỉ là lợi ích trước mắt mà còn là kiến tạo những mùa xuân mới “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Mùa xuân là Tết trồng cây, Tết trồng cây sẽ tạo ra mùa xuân, tạo ra sức trẻ, niềm tin và hy vọng cho đất nước!
PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thanh Tú