(Tin Môi Trường) - Bằng một bản hương ước, suốt hơn 400 năm qua, 6 tộc họ ở làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã thay phiên nhau canh giữ khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý hiếm cao chọc trời như “báu vật”.
Báu vật của làng
Từ ngã ba Hương An (quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quế Sơn) ngược lên hướng núi chừng 15 km là gặp làng Nghi Sơn. Làng được bao bọc bởi dãy núi Hòn Tàu bốn mùa mây trắng. Người dân ở làng Nghi Sơn vẫn luôn tự hào khi nhắc đến khu rừng nguyên sinh có tên Cấm Miếu rộng chừng 10 ha gồm các cây quý như oẳn, sơn, mít nài... có tuổi đời hàng trăm năm.
Trong ký ức của cụ Phạm Đăng, (80 tuổi, người dân làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn) thì nguyên thủy rừng có tên là Cấm, vì có nhiều miếu nên gọi là Cấm Miếu. “Cấm Miếu nghĩa là cấm kỵ, không được đụng vào. “Giống y như miếu thờ thành hoàng làng ở phía ngoài kia vậy, thiêng lắm!”, cụ giải thích. Cũng theo cụ Đăng, khu rừng cấm này có từ thuở “khai thành lập thất”.
“Theo sử liệu, người dân vùng này có gốc ngoài Thanh - Nghệ - Tĩnh, khoảng cuối năm 1471, theo các cánh quân nhà Lê vào Nam, các bậc tiên hiền của làng đã dừng chân nơi này lập nghiệp. Nhớ quê cũ, họ lấy tên một vùng đất ngoài đó đặt tên cho làng của mình, làng Nghi Sơn. Ngôi Miếu Cấm trong khu rừng già này cũng hình thành từ đây. Nó được coi là thành trì tâm linh vững chãi của làng.” - cụ Đăng kể.
Cụ bảo, có lẽ ngày xưa ông bà sống với núi rừng, xem rừng là bình phong che chắn làng nên trong hương ước của làng ghi rất rõ: “Cấm cư dân trong làng vào rừng chặt củi làm than. Nếu vi phạm sẽ bị làng xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đòn roi, nghiêm trọng hơn thì đuổi ra khỏi làng”. “Xưa bày, nay bắt chước”, cứ thế, suốt cả mấy chục năm sau chiến tranh làng này không ai dám chặt phá rừng. Nhờ vậy rừng Miếu Cấm mới tồn tại xanh tươi được như hôm nay.
Một cây oẳn trong rừng Cấm Miếu có đường kính cả một người ôm.
Để minh chứng cho lời nói của mình, cụ Đăng đưa chúng tôi đi chiêm ngưỡng “báu vật” của làng. Và tôi không khỏi choáng ngợp trước khu rừng nguyên sinh ở sát khu dân cư này. Không mang một dấu vết bị tàn phá. Thảm thực vật phong phú với nhiều loại cây dây leo cùng hàng trăm gốc cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi, có kích thước lớn, có gốc cây to đến 2 - 3 người ôm không xuể… lừng lững chọc trời xanh.
“Cái quý nhất của rừng Cấm Miếu đó là giữ được thảm rừng bản địa với đủ loại cây gỗ quý... không khác gì những khu rừng nguyên sinh. Người trong làng đã bảo vệ nó bằng những quy định ghi rõ trong hương ước” - cụ Đăng quả quyết.
Rừng tàn thì làng mạt
Rất nhiều câu chuyện linh thiêng khiến khu rừng càng trở nên huyền bí. Cũng có thể đấy là do làng thêu dệt rồi truyền miệng để “dọa” mọi người sợ không dám đụng vào rừng, nhưng chính cụ Đăng bảo đã từng được kiểm chứng. Cụ kể, ai vào rừng đốn củi khi ra về thì mặt mũi sưng vù, phải đến miếu trong rừng khấn xin “thần rừng” tha thứ mới tai qua nạn khỏi. Một chuyện được nhiều người nhắc đến nhất là trong thời kỳ còn bao cấp, chính quyền thôn Nghi Sơn làm thủ tục xin xã chặt một vài cây gỗ bán đối ứng để lấy vốn xây nhà văn hóa của làng. Thế nhưng, khi cây gỗ được đốn hạ đưa lên xe đi được 1 đoạn là chiếc xe bị lật, mỗi lần bốc lên xe là xe lại lật tiếp không thể chở ra ngoài được…
Miếu thờ những vị khai sơn lập ấp đầu tiên ở làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam)
Những câu chuyện mang yếu tố tâm linh kỳ bí, nhưng lại chất chứa trong đó nhiều ý nghĩa nhắn nhủ người dân trong làng ý thức hơn, có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng.
Từ nhỏ, ông Trần Quốc Toàn (65 tuổi) đã nghe cha kể về chuyện linh thiêng ở rừng Cấm Miếu. “Không ai dám phá rừng, chỉ tìm cách để bảo vệ nó thôi”, ông Toàn nói. Mà đúng là dân làng Nghi Sơn đồng tâm bảo vệ rừng. Mỗi nhóm gia đình cử 2 - 3 người luân phiên nhau đi kiểm tra hằng tuần, nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi thì lập tức báo tin. Những năm gần đây, phong trào trồng keo, bạch đàn rộ khắp nơi, nhiều người dòm ngó, thèm thuồng nhưng không ai dám động vào rừng cấm.
"Cứ đời này qua đời khác, người dân Nghi Sơn coi rừng như tính mạng của mình. Trong tâm trí của người dân, mất rừng là mất làng. Cánh rừng là báu vật, nó là tấm bình phong che chở dân làng mỗi mùa gió bão. Rừng tàn thì làng mạt", ông Toàn nói.
Ông Bùi Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, nhiều đời đã qua, người dân trong làng vẫn luôn gìn giữ và bảo vệ khu rừng như là một phần máu thịt của mình, không ai xâm phạm đến rừng. Ở vào thời điểm mà thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì người dân Nghi Sơn càng tích cực hơn trong việc phủ xanh đồi trọc bằng những dự án trồng rừng.
Các vị cao niên của làng Nghi Sơn tự hào với khu rừng có hàng trăm cây oẳn, sơn, mít nài... có tuổi đời hàng trăm năm.
“Làng Nghi Sơn hiện có gần 150 hộ dân nhưng lại có trên 250 ha rừng trồng. Nếu tính bình quân thì một năm mỗi hộ thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng từ rừng. Có thể nói, thôn Nghi Sơn là thôn “giàu” nhất của xã chúng tôi, và họ có được điều đó chính là nhờ rừng giữ nước, giữ đất - ông Hải chia sẻ.
Trước khi chia tay, cụ Phạm Đăng hồ hởi mời chúng tôi đến ngày 8 tháng Giêng về Nghi Sơn chơi. Theo lời cụ, đó là ngày hội của làng. Dịp đó, bà con thường quyên góp công sức, vật chất để cúng bái tiền hiền, tạ ơn người khai hoang lập đất. Đây như là lễ khai sơn, người làng dù bán buôn đâu xa cũng tìm cách về dự hội làng. Trong ngày hội của làng, “hương ước xanh” bảo vệ rừng Cấm Miếu sẽ lại được các cụ cao niên trong làng truyền lại cho con cháu. Với người dân Nghi Sơn, giữ rừng, giữ lời người xưa cũng là một cách tri ân tổ tiên vậy!