(Tin Môi Trường) - Các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của 2 công ty kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để; lượng chất thải rắn sinh hoạt 2 công ty tiếp nhận xử lý hàng ngày vẫn vượt công suất xử lý và qua thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng với khối lượng lớn như hiện nay.
Nhà máy xử lý rác thải của Vietstar
Sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân TPHCM về hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Cổ phần Vietstar tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm, không khí và nguồn nước mặt, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường (TCMT) rà soát quá trình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường từ năm 2018 đến nay, đồng thời đã tiến hành kiểm tra trên hiện trường đối với 2 công ty, kết quả như sau:
Đối với Công ty Cổ phần Vietstar
Năm 2018, TCMT đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công ty theo kế hoạch và đã ban hành Kết luận số 163/KL-TCMT ngày 17-5-2019. Theo đó, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải sinh hoạt thành phân vi sinh và sản xuất hạt nhựa tái chế từ chất thải rắn sinh hoạt thu gom trên địa bàn TPHCM với công suất thiết kế là 1.400 tấn/ngày, tuy nhiên, thực tế công ty tiếp nhận 1.800 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế khoảng 28,5%).
Căn cứ kết quả thanh tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-XPVPHC ngày 28-12-2018 xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gồm: Tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước rỉ rác; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải đang lưu giữ tại 2 khu vực ngoài trời, thực hiện đúng các nội dung phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 29-7-2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 163/KL-TCMT ngày 17-5-2019 đối với công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty vẫn chưa thực hiện triệt để các yêu cầu tại kết luận thanh tra.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 46/QĐ-XPVPHC ngày 3-11-2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty.
Ngày 16-12-2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của công ty theo nội dung đơn phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt công ty đang tiếp nhận của TPHCM khoảng 2.000 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 1.400 tấn/ngày, lượng chất thải này được công ty đưa về phân loại làm phân bón và một phần đưa vào tái chế, phần chất thải trơ chuyển giao cho Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM để chôn lấp.
Trên khu vực ngoài trời, công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ tại 2 bãi lưu chứa có diện tích khoảng 32.000 m² với khối lượng khoảng 160.000 tấn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời; nước rỉ rác từ 2 bãi được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE nhưng có nhiều vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và thấm trực tiếp vào môi trường đất.
Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa
Năm 2018, TCMT đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công ty theo kế hoạch và đã ban hành kết luận số 176/KL-TCMT ngày 17-5-2019.
Theo Kết luận này, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn TPHCM với công suất thiết kế là 1.000 tấn/ngày, tuy nhiên, thực tế công ty tiếp nhận là 1.200 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế 20%). Căn cứ vào kết quả thanh tra, TCMT đã yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gồm: Tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước rỉ rác; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; thu gom và xử lý toàn bộ lượng nước rỉ rác chảy vào hệ thống thu gom và thoát nước mưa; thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt để trên đường nội bộ, lưu giữ ngoài trời, được chất thành đống/bãi cạnh khu vực lò đốt; thực hiện đúng các nội dung phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 30-7-2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 176/KL-TCMT ngày 17-5-2019 đối với công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty vẫn chưa thực hiện triệt để các yêu cầu tại kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-XPVPHC ngày 3-11-2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty.
Ngày 16-12-2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của công ty theo nội dung đơn phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện nay, khối lượng chất thải sinh hoạt công ty đang tiếp nhận xử lý của TPHCM khoảng 1.300 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn/ngày, lượng rác này được công ty đưa về phân loại sau đó đưa vào lò đốt của công ty.
Trên khu vực ngoài trời, công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ trên diện tích khoảng 63.750 m² với khối lượng khoảng 240.000 tấn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được che phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời, nước rỉ rác từ bãi được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE, một số vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và chảy trực tiếp vào môi trường đất và chảy ra hồ trong khuôn viên công ty, hồ này không lót đáy và không có trong hồ sơ công trình bảo vệ môi trường của công ty đã được phê duyệt; nước rỉ rác tại khu vực 3 lưu giữ chất thải trước khi đưa vào lò đốt được thu gom vào rãnh thu gom nước rỉ rác phía sau lò đốt và dẫn về trạm xử lý nước thải để xử lý, tuy nhiên rãnh này không được lót đáy chống thấm.
Như vậy, qua kết quả thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và kết quả kiểm tra trên hiện trường vào thời điểm hiện tại đối với 2 công ty nêu trên cho thấy, các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của 2 công ty kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để; lượng chất thải rắn sinh hoạt 2 công ty tiếp nhận xử lý hàng ngày vẫn vượt công suất xử lý và qua thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng với khối lượng lớn như hiện nay.
Để chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của 2 công ty, Bộ TN-MT để nghị UBND TPHCM khẩn trương thực hiện một số nội dung sau: Chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức đánh giá lại ngay hiệu quả của việc chuyển giao xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TPHCM hiện nay cho 2 công ty và các tác động đến môi trường theo phản ánh của người dân để có biện pháp kiểm soát, quản lý phù hợp, đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; yêu cầu 2 công ty nghiêm túc thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường theo các hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt của Thành phố đúng với công suất thiết kế và năng lực xử lý hiện tại; có biện pháp để xử lý và chuyển giao hết khối lượng lớn chất thải tồn đọng (bao gồm chất thải trơ sau phân loại) cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Bộ TN-MT giao TCMT phối hợp với các đơn vị chức nặng của TPHCM để giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với 2 công ty.