(Tin Môi Trường) - Mặc dù trải qua mưa nắng, bom đạn thời chiến tranh, nhưng cả nghìn năm nay cây thị vẫn tươi tốt, tán cây trông như hình con voi khổng lồ, bao trùm lên ngôi đền cổ, tạo nên một không gian cổ kính.
Ngày 19/3/2011, Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam đã tổ chức Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam Cây thị ngàn tuổi làng Nhuận Trạch. Cây thị ở thôn Nhuận Trạch được giới chuyên môn đánh giá là một trong những cây cổ thụ nhất còn tồn tại ở nước ta. Tại đây cũng tìm thấy di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 trước Công nguyên), là minh chứng lịch sử cho sự tồn tại nghìn năm của cây thị và ngôi đền cổ.
Cây thị nghìn năm tuổi mọc ngay gần ngay đền thờ hoàng tử Lý Linh Lang (thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng (Ba Vì - Hà Nội) tọa lạc trên một khoảng đất rộng hình bát úp, nằm ở giữa làng, trong một không gian thoáng rộng, phía trước đền có hồ nước.
Cây cao trên 32m, chu vi thân cây hơn 12,5m, đường kính thân 3,9m.
Mặc dù có tuổi đời hàng nghìn năm nhưng cây vẫn tươi tốt lạ thường. Tán cây trông như hình con voi khổng lồ, bao trùm lên ngôi đền cổ.
Theo ông Túc (người dân làng Nhuận Trạch) cho biết, từ nhỏ cây thị đã sum suê, tỏa bóng xanh mát. "Đến nay không ai biết cây có tuổi đời chính xác là bao nhiêu, có người cho biết nếu so sử sách thì có lẽ cây phải có tuổi đời hàng nghìn năm. Người dân ở làng coi cây như báu vật thiêng, chứng kiến những thăng trầm lịch sử ở vùng đất này", ông Túc nói.
Ông Túc cho biết thêm, có những câu chuyện rất lạ kỳ về cây thị và ngôi đền, cụ thể vào tháng 6/1954, máy bay của thực dân Pháp ném bom xuống làng đã phá sập ngôi đình làng nhưng cây thị và ngôi đền gần đó lại không hề bị ảnh hưởng.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, cây thị và ngôi đền không chỉ đứng vững mà còn là nơi ẩn trú của một số đơn vị thuộc Trung đoàn 1506 (Bộ Tư lệnh công binh) và Sư đoàn 305.
Chính vì thế, cây thị cổ thụ được coi là biểu tượng về sức mạnh, sự trường tồn của con người và vạn vật ở nơi đất lành, thành điểm tựa về tinh thần cho cộng đồng dân cư cùng động viên nhau vượt qua khó khăn để bám trụ và phát triển.
Nhiều người cho biết, vì mọc ở trong vùng đất thiêng gần ngôi đền cổ nên cây thị mới có hình dáng đặc biệt, cành lá sum suê và to lớn như vậy. Phải hơn 10 người nối vòng tay mới ôm được hết gốc thị.
Theo người dân, mỗi năm cây vẫn ra quả nhưng không nhiều.
Dù có tuổi đời hàng nghìn năm, cây thị vẫn tươi tốt mà không hề có dầu hiệu của tuổi già.
Cây thị cổ thụ gắn liền với những truyền thuyết và câu chuyện kể ly kỳ được truyền từ đời này sang đời khác.