(Tin Môi Trường) - Sáng nay (28/12) UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các xã trồng đào làm kinh tế.
Lãnh đạo huyện Vân Hồ cho hay, nhiều hộ dân trồng đào lo lắng trước quy định của Chính phủ về việc nghiêm cấm khai thác, chặt phá đào rừng bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Nếu như không phân biệt rõ “đào khai thác trong rừng” và “đào trồng trên đồi, nương” giống như nhiều loại cây lâu năm được trồng trên đất nông nghiệp, nhiều huyện vùng cao của các tỉnh miền núi Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sẽ rơi vào tình trạng khó khăn.
Đại diện huyện Vân Hồ cho hay, người dân trồng đào từ nhiều năm trên các mảnh nương, rẫy của gia đình mình. Cây đào giống như cây mơ, mận, xoài… vẫn được trồng tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ.
Thủ tướng chỉ đạo nghiêm cấm chặt đào rừng để chơi Tết
Đào vùng cao thân xù xì, rêu mốc, ít lá, nhiều hoa, cánh phơn phớt hồng; thời gian ra hoa kéo dài từ trước Tết nguyên đán đến cuối tháng 3.
“Nhiều người mặc định rằng, đào trồng ở vùng Tây Bắc là đào rừng, nghĩa là đào mọc tự nhiên, được người dân vào rừng chặt để bán. Họ gọi lâu dần thành quen”, đại diện huyện Vân Hồ nói.
Đại diện huyện Vân Hồ cũng khẳng định, chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn đúng đắn. Những người sử dụng, tiêu thụ là những người tiếp tay cho sai phạm, cần phải được lên án.
“Cần hiểu rõ chỉ đạo của Thủ tướng để không bị hiểu sai. Ở đây, cần làm rõ khái niệm “đào rừng” và “đào Tây Bắc trồng ở vùng cao, do người dân trồng”, vị lãnh đạo huyện Vân Hồ chia sẻ.
“Nên có xác nhận, chỉ dẫn địa lý”
Trao đổi với VietNamNet ngay khi vừa tham dự cuộc họp từ huyện về, Chủ tịch xã Lóng Luông - Tếnh A Chìa cho biết, người dân trong xã đang lo lắng trước thông tin cấm khai thác, chặt bán đào rừng trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Tếnh A Chìa, xã Lóng Luông có 1.400 hộ dân với khoảng 300ha trồng cây đào lấy hoa để bán ngày Tết.
“Cây đào là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương những năm gần đây. Tại xã Lóng Luông, mỗi hộ trung bình có vài ngàn m2 đất nương, đồi trồng đào. Những hộ trồng quy mô lớn lên tới vài ba hecta. Mỗi nhà có vài trăm, thậm chí vài ngàn gốc đào trong vườn.
Đơn cử, trồng quy mô như hộ ông Tếnh A Sồng, Tếnh A Vờ (mỗi hộ trồng 3ha) ngay gần mặt đường quốc lộ 6, gần với trụ sở UBND xã”, Chủ tịch xã Lóng Luông cho biết.
Năm 2019, từ 300ha trồng đào tại xã Lóng Luông, người dân thu được hơn 10 tỷ đồng tiền bán gốc, bán cành cho thương lái về dưới xuôi kinh doanh.
Những cây "đào rừng" được trồng trên nương, rẫy tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Cao Anh Tuấn
“Trung bình mỗi hộ dân thu nhập vài trăm triệu tiền bán đào mỗi năm. Đó mới chỉ là thống kê sơ bộ, vì nhiều gia đình không bán theo vườn mà tự chặt cành, bán gốc, giá trị mang lại rất lớn. Nó là nguồn thu ổn định, chủ lực nhiều năm qua ở Lóng Luông”, ông Tếnh A Chìa nói.
Chủ tịch xã Lóng Luông giải thích, đào là loại cây tán thấp, không thể mọc được trong rừng, vì nó sẽ bị che khuất bởi những cây tán cao. Loại cây này trồng trong rừng cũng không sinh trưởng được.
Tại Lóng Luông, người dân trồng đào trên nương, trên đồi của gia đình. Do cây đào trồng lấy hoa phát triển rất nhanh, chỉ sau 3 - 4 năm là có thể khai thác, thu hoạch được. Theo kinh nghiệm, bà con thường trồng gối các lứa cây, có kỹ thuật chiết cành để tạo giống, bán hết vườn đào năm nay, sẽ có lớp mới để gối vụ.
Đào cũng được trồng xen canh tại các đồi mơ, đồi mận… do các loại cây này thu hoạch theo mùa vụ khác nhau.
Chủ tịch xã Lóng Luông cho biết thêm, theo hướng dẫn của huyện, các xã có diện tích trồng đào làm kinh tế sẽ viết kiến nghị lên huyện để từ đó huyện báo cáo lên tỉnh, lên Trung ương.
“Nếu không phân biệt rõ đào rừng là đào mọc tự nhiên trong rừng, khác cây đào do người dân trồng trên nương rẫy thì hàng trăm ha đào sẽ không được bán vào vụ Tết này.
Chúng tôi kiến nghị địa phương xác nhận nguồn gốc cây trồng, chỉ dẫn địa lý, các hộ dân kê khai nhà trồng bao nhiêu gốc, trồng tại đâu, thời gian trồng… để được khai thác đào giống như các cây lâu năm làm kinh tế”, ông Tếnh A Chìa nói.