Việc xây dựng thủy điện Trà Xom đã ảnh hưởng trực tiếp đến 117 hộ dân (103 hộ có đất sản xuất trong vùng dự án và 14 hộ nằm trong lòng hồ phải giải tỏa trắng) ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh - Bình Định. Diện tích đất thu hồi của các hộ dân nói trên là 362,42 ha, trong đó đất nông nghiệp 294,18 ha, đất phi nông nghiệp 16,73 ha và đất chưa sử dụng 51,51 ha.
Phớt lờ cam kết
Các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình này được đền bù thiệt hại theo quy định tại Quyết định số 253/QĐ-UBND ngày 2-5-2007 của UBND tỉnh. Cụ thể, với 14 hộ thuộc diện giải tỏa trắng, mỗi hộ được bồi thường 400 m2 đất ở, 600 m2 đất vườn, 1 ha đất sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhà ở cấp 4 theo các mức: hộ có 5 nhân khẩu trở xuống được diện tích nhà 50 m2, hộ từ 6-10 nhân khẩu là 70 m2 và hộ trên 10 nhân khẩu là 90 m2.
Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây nhà và quy hoạch đất sản xuất cấp cho các hộ dân. Đối với 103 hộ dân bị thu hồi đất sản xuất nằm trong vùng dự án, tỉnh sẽ giao đất để chủ đầu tư tiến hành khai hoang và giao đất canh tác tương ứng với diện tích bị mất cho các hộ này. Ngoài ra, các hộ bị ảnh hưởng còn được bồi thường thiệt hại về nhà, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu và được Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom hỗ trợ gạo, dầu thắp sáng... Tổng chi phí bồi thường là trên 42 tỉ đồng.
Nhà máy Thủy điện Trà Xom vẫn đang được thi công dù chưa hoàn tất việc đền bù
Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với dân để có mặt bằng thực hiện các hạng mục công trình, phấn đấu hoàn thành vào năm 2009. Tuy nhiên đến nay, việc đền bù cho các hộ dân và các chủ rừng vẫn chưa được thực hiện rốt ráo. Doanh nghiệp này mới chỉ chi trả hơn 35,5 tỉ đồng bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, còn nợ trên 500 triệu đồng. Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, có rất nhiều khoản Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom cam kết bồi thường, hỗ trợ cho dân nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, như: bồi thường về mồ mả; hỗ trợ di chuyển cho 14 hộ dân tái định cư, nước sinh hoạt, y tế, giống vật nuôi…
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom phải chi trả cho UBND huyện Vĩnh Thạnh hơn 15 tỉ đồng về thiệt hại rừng tự nhiên nhưng đến nay, công ty chỉ mới tạm ứng cho 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty này cũng còn nợ Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn hơn 652 triệu đồng thiệt hại về cây cối do xây dựng công trình.
Đình chỉ thi công nếu không đền bù
Ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết đã nhiều lần đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom giải quyết nhanh chóng việc đền bù, bồi thường thiệt hại cho dân rồi mới triển khai các hạng mục công trình nhưng doanh nghiệp này “làm lơ”. “Việc này đã gây không ít khó khăn cho đời sống nhân dân. Một số hộ dân không có đất sản xuất nên đã phát, đốt cây rừng làm nương rẫy, làm việc bảo vệ rừng vốn đã khó lại càng khó khăn hơn” – ông Lại nói.
Không chấp nhận với cách làm của Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã đề nghị UBND Bình Định đình chỉ việc thi công công trình của công ty này. Trước tình hình trên, đoàn công tác của Tỉnh ủy Bình Định đã đi kiểm tra thực trạng thi công công trình thủy điện Trà Xom và làm việc với chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư về giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Đề cập việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình thủy điện Trà Xom, lãnh đạo các sở NN-PTNT, Tài nguyên – Môi trường, Công Thương tỉnh Bình Định đều không đồng tình với cách làm của chủ đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom tập trung giải quyết đền bù và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. “Nếu không thực hiện đúng cam kết, tỉnh sẽ đình chỉ việc thi công công trình của doanh nghiệp” – ông Tùng nói.