(Tin Môi Trường) - Bộ Tài chính cho biết, Formosa Hà Tĩnh lỗ luỹ kế đến 2019 hơn 25.380 tỷ và đang khó trả các khoản nợ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng, ngành sản xuất sắt, thép và kim loại khác là một trong các lĩnh vực hoạt động thiếu hiệu quả và đóng góp vào ngân sách rất hạn chế của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2019.
Hai doanh nghiệp FDI lớn trong ngành là công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) và công ty thép Posco Yamoto Vina có tình hình tài chính không lành mạnh trong hai năm liền 2018 và 2019.
Trong đó, Formosa Hà Tĩnh lỗ luỹ kế tới hết 2019 khoảng 25.380 tỷ đồng. Tổng tài sản của Formosa tới cuối năm ngoái khoảng 286.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 100.800 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu sản xuất kinh doanh, doanh thu từ hoạt động tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 72.000 tỷ đồng, lỗ trong năm hơn 11.500 tỷ đồng, số lỗ này gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2018. Công ty nộp ngân sách hơn 51 tỷ đồng.
Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Formosa ở mức thấp (0,6 lần), cho thấy công ty dùng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn, cùng với việc nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, dẫn đến khả năng thanh toán nhanh ở mức rất thấp với hệ số 0,19 lần. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ.
Một góc của dự án Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Tương tự, doanh nghiệp thép Posco Yamoto Vina cũng báo lỗ trong năm 2019 là 2.780 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 1.000 tỷ của năm trước và khó trả nợ.
Theo Bộ Tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành sản xuất thép vẫn gặp khó khăn vì đến năm 2019 do giá sắt, thép trong xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình hình ngành thép toàn cầu đã có dấu hiệu khởi sắc trong năm nay.
Ngược lại với doanh nghiệp sản xuất thép, nhóm ngành linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi, quang học đang kinh doanh có hiệu quả. Hai "ông lớn" Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) và Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) thuộc Tập đoàn Samsung, chiếm đến 48% tổng doanh thu toàn ngành.
Trong năm 2019, SEV Bắc Ninh lãi trước thuế hơn 37.360 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 2.860 tỷ đồng. SEV Thái Nguyên lãi trước thuế hơn 48.550 tỷ đồng và nộp ngân sách gần 2.080 tỷ, tăng hơn 60% so với năm trước.