(Tin Môi Trường) - Dễ bắt gặp tại nhiều nơi những vườn tượng hình khối ngô nghê, màu sắc lòe loẹt đến những những tượng đài ngàn tỉ hoành tráng nhưng vô hồn trơ trọi giữa không gian và sự dửng dưng tại những không gian nhiều người qua lại.
1. Có những dự án vài trăm tỷ nhưng chưa đưa vào sử dụng mà sân quảng trường đã bong vỡ, những tấm ốp nứt nẻ không được sửa chữa. Thậm chí có tượng đài hơn chục tỷ bị phản đối do lãng phí và chất lượng yếu kém ngay từ lúc xây cất dang dở.
Con đường gốm sứ ốp vào đê sông Hồng (Hà Nội) hoàn thành năm 2010. Sau 10 năm,“bức tranh” khổng lồ này xuống cấp nhanh trong sự thờ ơ của công chúng dẫn đến nguy cơ trở thành “rác” văn hóa đô thị rất khó thu dọn. Nó là ví dụ sinh động cho thực tế nhiều nơi, bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật thì cũng không thiếu “rác nghệ thuật”...
Tượng đài hàng chục, thẩm chí cả trăm tỷ đồng chưa khánh thành đã hỏng; Con đường gốm sứ Hà Nội trước nguy có trở thành "rác" nghệ thuật không tiền sửa chữa và rất khó khăn trong việc thu dọn. Ảnh tư liệu
Cho dù các nghệ sĩ luôn khát khao sáng tác những tác phẩm để đời nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng đủ can đảm mang tác phẩm của mình đặt trong không gian xã hội: nơi có những lời ngợi ca lẫn chê bai. Chính vì sự thận trọng ấy đã làm nên số ít nghệ sĩ công cộng danh tiếng và vô số nghệ sĩ vô danh. Các công trình nghệ thuật công cộng do Nhà nước đặt hàng hay tư nhân tự làm có những số phận khác nhau: có những công trình nhạt ý ngay giữa không gian lớn mà ít người quan tâm; nhưng cũng có công trình cũ kỹ bé nhỏ ở những nơi xa khuất nhưng vẫn được trân quý như dự án Nghệ thuật cộng đồng tại bãi rác Phúc Tân (Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng 15 nghệ sĩ thực hiện 2019-2020) rất được lòng công chúng.
Thực tế trớ trêu là có nơi tác phẩm làm ra tốn tiền nhưng bị ngó lơ, có nguy cơ biến thành “rác nghệ thuật”; ngược lại, các tác phẩm làm ra từ rác tái chế lại cải thiện bãi đổ rác tự phát trở thành không gian công cộng ưa thích của cộng đồng cư dân tại chỗ và thu hút cộng đồng khắp nơi, các lứa tuổi.
2. Một công trình nghệ thuật công cộng, bản thân nó là công sản và nó cần được bảo vệ, duy trì giống như các tài sản công khác như đường sá, vỉa hè, lan can bờ hồ, bóng đèn đường, cây xanh đô thị…Tất nhiên là một công trình nghệ thuật thì quy trình bảo dướng tốn kém và phức tạp hơn - đó là những công trình được xây dựng theo đơn đặt hàng của địa phương và đầu tư bởi công quỹ.
Câu hỏi đặt ra là các công trình nghệ thuật được hình thành từ vốn đóng góp xã hội thì sẽ được duy trì thế nào khi mà bản thân công trình còn thiếu nhiều yếu tố để được coi là công sản và được công quỹ bảo trì, được các cơ quan công quyền bảo vệ? Thực tế các tác phẩm nghệ thuật công cộng được hình thành từ nguồn đầu tư ngoài công quỹ được cộng đồng xã hội đón nhận đã tương tác với không gian/thời gian và cộng đồng nơi chốn hình thành nên tác phẩm đó. Dự án tại phố Phùng Hưng đã tựa vào các vòm cầu đá để đặt các tác phẩm hội họa, diêu khắc, sắp đặt. Dự án Phúc Tân thì tựa vào bức tường bảo vệ bờ sông nhưng cũng tựa vào nền các nhịp cầu Long Biên trông ra mênh mang mặt nước.
Dự án Nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân hình thành trên bãi đổ rác tự phát chân cầu Long Biên: biến bãi rác thành nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật hấp dẫn an toàn cả ngày lẫn đêm. Ảnh tư liệu
Cả hai dự án đều lấy ngữ cảnh lịch sử hình thành đường phố và quần cư bến bờ sông để tái hiện ký ức cộng đồng. Dự án cũng giới hạn vòng đời của tác phẩm đủ dài để hình thành một nếp sinh hoạt, một ấn tượng đủ để mọi người nhớ tới những thông điệp truyền tải… nhưng cũng không quá dài để đợi một tác phẩm mới sẽ thay thế nó trong tương lai. Quan trọng hơn cả là các tác phẩm tương tác với chính cộng đồng ấy, khơi dậy niềm kiêu hãnh của họ, bản thân làm cho cộng đồng ấy phát huy nội lực vật chất và tinh thần của chính họ thì họ sẽ là lực lượng duy trì, bảo dưỡng công trình tốt nhất.
Bà con Phúc Tân không đổ rác bừa bãi, họ nhặt các lốp xe làm bồn hoa, chai nhựa để trang trí hàng rào và sân chơi luôn sạch sẽ, an toàn cả ngày lẫn đêm; Còn bên vòm cầu Phùng Hưng đã diễn ra rất nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa tại đây, bà con đã không còn nhớ chỉ trước đó ít lâu, nơi đây nổi tiếng với mùi hôi hám của rác đổ, đi vệ sinh và đỗ xe bừa bãi. Thay vì theo đuổi kỷ lục to nhất, dài nhất, tốn kém nhất, phô phang dưới hào quang… thì các nghệ sĩ cộng đồng đã chọn cho mình vị trí khôn ngoan hơn: ẩn sau những nỗ lực cộng đồng dân cư, các cấp chính quyền địa phương, khích lệ cộng đồng tự sáng tạo không gian sống của mình, biến cuộc sống bình thường buồn tẻ hàng ngày thành những cuộc hội hè nghệ thuật bất tận.
Vì vậy, hãy biến rác thành nghệ thuật, đừng biến nghệ thuật thành “rác”.
Tiếc cho một không gian nghệ thuật cộng đồng
Cách Thành phố Tam Kỳ (Quảng nam) khoảng 12 km là làng chài Tam Thanh. Trước 2015, ngôi làng ven biển miền Trung này vốn rất đẹp, yên bình như cả ngàn làng quê khác. Làng nổi tiếng sau khi xuất hiện dự án “làng bích họa” do Quỹ văn hóa Hàn Quốc tài trợ. Các họa sĩ Hàn Quốc tới đây vẽ lên khung cảnh sống của bà con lên những bức tường đầu hồi, tường rào…thu hút nhiều du khách tới thăm.
Làng bích họa Tam Thanh khi mới hoàn thành và dần bị lãng quyên, phá hủy. Ảnh tư liệu
Các họa sĩ Việt Nam cũng nhập cuộc, vẽ lên thuyền thúng, mái chèo và đẩy mạnh truyền thông để kích cầu đầu tư du lịch. Bà con làng chài có thêm thu nhập từ trông xe đến bán buôn phục vụ du khách. Vậy nhưng món tiền lớn thì lại từ các nhà kinh doanh bất động sản mang đến: họ mua đất để chực chờ dự án du lịch lớn hơn hay đập đi để xây khách sạn. Những bức tranh vẽ trên tường cũng dần biến mất của cơn sóng đầu cơ nhà đất, những chiếc thuyền thúng tô màu cũng cũ mục dần do thời gian và do lực hút đã đổi hướng từ vẻ đẹp của các bức tranh mô tả cuộc sống sang núi tiền từ việc bán mảnh đất, ngôi nhà có vẽ bức tranh.
Rồi bà con làng chài loay hoay, bởi họ không thể trở thành họa sĩ để vẽ tiếp bức tranh tương lai, càng không thể trở thành đại gia bất động sản hay kinh doanh du lịch biển sau cuộc mua bán chớp nhoáng… họ nhìn ra biển xa, chờ cơn gió mới sẽ cuốn nốt các bức tranh đi xa.