Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hãy lắng nghe những chia sẻ khách quan nhưng cũng rất hóm hỉnh của anh Noor Tahir- một người đàn ông Irắc công tác tại Đại sứ quán Qatar- đã có hơn 12 năm sống, làm việc và gắn bó với Việt Nam.
-Nếu nói về Việt Nam, anh muốn nói gì?
Với tôi, Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Tôi yêu Việt Nam.
-Hơn 12 năm qua, anh gặp những khó khăn gì trong quá trình hòa nhập với cuộc sống của người Việt?
Thật ra ban đầu mới sang thì cũng khó khăn, giờ thì đỡ hơn rồi. Việt Nam căn bản là tốt, chỉ trừ một số thứ là hơi ức chế. Tôi cũng chịu khó tìm hiểu văn hóa của người Việt nên cũng khá là sành. Bạn bè Việt Nam gọi tôi là “ma xó” vì cái gì cũng biết. Tôi học thêm tiếng Việt qua các em nhỏ và cụ già, qua việc hát karaoke và đến giờ thì tôi nói khá giỏi. À, tôi yêu món bún đậu mắm tôm của Việt Nam nữa!
-Anh vừa nói thỉnh thoảng ức chế với một số thứ?
Vâng, đặc biệt là vấn đề giao thông.
-Cụ thể hơn?
Giao thông Việt Nam là cái lạ nhất mà tôi được thấy. Luật thì rất là “dễ”. Mỗi người có thể tham gia giao thông theo một cách sáng tạo của riêng mình, rất là đơn giản. Tuy nhiên, có cảm giác người Việt Nam ai cũng có công việc bận, nên họ chen chúc nhau, cố vượt lên, cố đi trước cho “kịp”, rồi lại tắc đường… Nhiều ông lái xe trên đường cao tốc, lên xe là cứ đi một làn bên tay trái, xe sau có bấm còi xin vượt cũng mặc kệ, cứ thản nhiên đi như đường của riêng mình. Hai anh ô tô đang đi, có khi tự nhiên dừng lại giữa đường chỉ để… nói chuyện.
Nước các bạn mất rất nhiều tiền để làm đèn đỏ. Người ta làm đèn đỏ không phải để cho đẹp đâu mà là để xem xét cái vấn đề giao thông hàng ngày. Tôi thấy đèn đỏ người ta vẫn đi. Đèn xanh, cả dòng người đang đi thì đột nhiên có người dừng lại để nghe điện thoại hoặc để làm việc gì đó…
Mà ức chế nhất là ông xe buýt, ông xe tải và ông taxi. Những đối tượng này tôi nghĩ là họ không biết luật giao thông là gì, hoặc có thể người ta có xe to nên người ta coi thường những người đi xe nhỏ hơn. Rất nguy hiểm. Tôi cũng xem báo hàng ngày và thấy không có tháng nào mà không có người chết do bị xe buýt, xe tải hay taxi đâm.
-Ồ, anh đang “gãi” đúng “chỗ ngứa” của giao thông Việt Nam rồi đấy...
Không phải mình chỉ nói suông thế đâu mà rất nhiều lần rồi được chứng kiến. Xe buýt thì lạng lách, xe tải thì chỉ thích đua. Không biết bao lần tôi bị giật mình bởi tiếng còi xe vô tội vạ. Nếu mình sai và người ta bấm còi thì ok, đằng này mình đang đi rất đúng luật cũng bị “dọa” cho một phen hú vía. Có hôm, trên đường đi công tác về, vào khoảng 2h rưỡi sáng, đường vắng không có ai cả, tôi thấy một taxi tư nhân vừa chạy xe vừa bấm còi theo nhạc điệu. Hay có lúc chờ đèn đỏ, có lẽ người ta sốt ruột, buồn tay nên bấm còi… cho vui. Chả hiểu bấm cho ai và đang đèn đỏ thì ông ấy định đi đâu nữa…
Biết lái ô tô từ năm 14 tuổi nhưng phải sang Việt Nam tôi mới tập đi xe máy, và cảm giác là choáng. Mình đang đi thẳng, tự nhiên có một ông từ trong ngõ phóng vọt ra, hoặc rõ ràng là xi-nhan rẽ phải xong cuối cùng lại rẽ trái… Mình phải hết sức tập trung và căng thẳng. Nhiều lúc căng thẳng quá, tôi phải dừng lại bên lề đường để thở, lấy lại tinh thần rồi mới đi tiếp.
-Nói thế, để sống “lành lặn” được 12 năm ở Việt Nam, chắc anh phải có bí kíp gì đó?
Tôi phải có mẹo chứ (cười). Hồi mới sang Việt Nam, nói thật là tôi không dám đi bộ sang đường đâu, kinh hoàng lắm. Giờ thì biết rồi, cứ đi thôi. Nếu mình sợ, mình chờ đến lượt thì không bao giờ qua được đường, mình phải giống người ta, cứ đi rồi người khác phải tránh, yên tâm (cười).
Sang Việt Nam, hầu như tôi phải học lại cách lái xe từ đầu. Theo đúng “gu” của người Việt. Hồi đầu tưởng khó lắm, nhưng cuối cùng lại thấy dễ. Luật ở nước ngoài quy định rất chặt chẽ còn ở Việt Nam thì cứ thế mà đi, không ai than phiền, ý kiến. Rất nhiều người Việt, tôi đã nói chuyện và được biết họ có tâm lý “tôi tự do, xe là tôi mua bằng tiền của mình nên tôi thích làm gì thì làm”. Thật ra không nói nhưng tôi biết cũng nhiều người thấy khó chịu. Bị cướp cả quyền lợi của mình cơ mà.
-Ý anh là…?
Đúng, quyền lợi. Rất nhiều lần, đèn xanh, tôi bắt đầu đi thì có nhiều thanh niên lao lên, vượt qua ngay trước mũi xe. Tôi ức lắm. Tôi nghĩ mình đã tôn trọng họ, tôn trọng quyền lợi của họ nên đã dừng lại khi đèn đỏ, nhường quyền họ qua đường. Vậy khi đèn xanh, thì họ phải để quyền lợi đấy cho tôi và những người khác chứ. Bản thân tôi rất rõ ràng, kể cả 2h đêm, kể cả không có ai, tôi vẫn nghiêm túc thực hiện tín hiệu đi đường.
Đã nhiều lần tôi chứng kiến cảnh người ta đái bậy lên “bức tranh dài nhất thế giới”- con đường gốm sứ nổi tiếng của Việt Nam. Thậm chí nhiều người thản nhiên thể hiện “sự sung sướng” ngay gốc cây, lề đường mà không thèm vào nhà vệ sinh, dù nó ở ngay bên cạnh. Mà người dân sống quanh đó cũng không có ý kiến gì, cứ như đó là một “chuyện thường ngày ở huyện”.
-Thật ra thì những vấn đề mà anh vừa nói không phải người Việt Nam không biết, nhưng có lẽ lâu dần thành quen nên người ta cứ ngấm ngầm chấp nhận…
Đấy, đấy mới là vấn đề. Chắc chắn không phải mình tôi khó chịu về những thói quen xấu đó mà bất cứ người Việt nào yêu và tự hào về dân tộc Việt thì cũng có chung cảm xúc như tôi. Nhiều lúc tôi thấy buồn cười vì không hiểu sao đang đi ngoài đường, thấy một người ngã xe thì bao nhiêu người đứng lại giữa đường, không phải để giúp đỡ mà chỉ để hỏi nhau “Ngã thế nào? Ngã kiểu gì?”… cuối cùng là tắc đường, ảnh hưởng đến người khác. Đó là thói quen tò mò, không tốt.
-Thế bên nước anh, những trường hợp như thế, người ta xử sự như thế nào?
Tôi nói thì nguời ta lại cười “úi xời, cái ông Tây này cứ khen nước của mình thôi”. Nhưng nói thật ở Irắc, nếu thấy có người bị ngã, công an và cấp cứu chưa kịp đến thì người dân đã bế người bị nạn vào bệnh viện rồi. Hoặc thấy đánh nhau thì sẽ dừng lại can ngăn “Thôi, anh này bớt giận một tí, anh kia bớt giận một tí”… Tức là người ta dừng lại có mục đích chứ không phải để xem cho thỏa tò mò.
-Ở Việt Nam mà làm thế là dễ “ăn đòn” oan lắm đấy ạ!
Bên nước tôi nếu mà nhìn thấy cảnh trộm cắp trên tàu xe hoặc nơi đông người là người ta xông vào đánh luôn, bị ăn đòn luôn đấy. Không chỉ một người mà mọi người hùa nhau vào đánh luôn… Tôi cũng biết là ở Việt Nam, trong trường hợp đó, mọi người thậm chí còn quay đi, giả vờ làm lơ không nhìn thấy, chỉ vì sợ bị trả thù. Như thế hơi hèn nhỉ.
Có thể nó xuất phát từ lòng ích kỷ…
Cách đây một tháng, tôi lái xe trên cầu Thăng Long thì thấy một vụ tai nạn và có người chết. Tâm lý lái xe khi gặp trường hợp này là thường vứt lại tiền lẻ để giải đen, theo như người Việt Nam quan niệm là “phí qua đường”. Thế mà, tôi thấy có một người đàn ông tuổi tầm 40-50, ăn mặc khá lịch sự đang đi nhặt từng đồng tiền lẻ cho vào túi áo.
Thật sự lúc đó tôi thấy khổ thân người ta thế. Không còn là người nữa, lấy những đồng tiền lẻ của người chết rồi, không biết họ làm được cái gì, mua được cái gì. Mọi người đều nhìn ông ấy với ánh mắt ái ngại. Tự nhiên tôi cũng thấy xấu hổ.
Và tôi nghĩ những người Việt Nam đi đường cũng sẽ thấy xấu hổ. Nếu ông Tây nước ngoài lần đầu sang Việt Nam nhìn thấy cảnh này sẽ sốc và thốt lên “trời ơi, người Việt Nam là thế này à?”. Những người như tôi, ở Việt Nam lâu rồi thì đã hiểu bản chất của người Việt, hiểu rằng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” và xã hội nào thì cũng có người tốt người xấu. Nhưng họ chỉ là khách qua đường và họ sẽ không hiểu, sẽ đánh giá không hay về người Việt Nam.
--Với vai trò là đại sứ văn hóa giữa Việt Nam và nhà nước Qatar, anh đã làm được những gì cho hai dân tộc?
Giữ trọng trách làm cầu nối giữa hai nền văn hóa, tôi cũng cố gắng để cộng đồng người Ả Rập hiểu hơn về Việt Nam và ngược lại. Tôi có dịch một quyển sách từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập, dày 300 trang tên là “54 dân tộc Việt Nam” và đem tặng cho các đại sứ Ả Rập. Tôi giới thiệu về văn hóa Việt Nam, những phong tục, tập quán đẹp lâu đời, những kỉ niệm vui và cảm nhận thú vị của tôi trong suốt hơn 10 năm gắn bó với Việt Nam…
Nhìn chung thì đất nước Việt Nam rất thanh bình. Người Ả Rập sống theo đạo Hồi và kiểu sống của chúng tôi khác rất nhiều so với văn hóa Việt Nam. Một người Ả Rập theo đạo Hồi mà sống và tồn tại ở Việt Nam hơn 12 năm trời thì có nghĩa là Việt Nam cực kỳ thoải mái, chứ không hề phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi đã sống và tôi còn lấy vợ người Việt, cuộc sống rất hạnh phúc.
Anh cũng đã có con gái, anh định giáo dục cháu bằng phương pháp của mình hay thuận theo dòng chảy giáo dục của Việt Nam?
Con tôi là con lai nên cái gì cũng sẽ lai, kể cả cách giáo dục cũng lai. Con gái Ả Rập bây giờ rất giống với con gái Việt Nam ngày xưa. Tôi sẽ chắt lọc những cái gì tốt đẹp nhất của hai nền văn hóa để dạy con.
-Vậy, theo anh, phải làm gì để phát huy những cái tốt đẹp và bài trừ những thói quen xấu xí của người Việt?
Tôi nghĩ cần thắt chặt luật pháp, xử phạt nghiêm minh hơn nữa. Người Việt rất sợ bị “đánh” vào kinh tế nên tốt nhất cứ quy ra tiền mà xử phạt… Bên cạnh đó, chúng ta phải tích cực truyền thông để “đánh” vào ý thức của mỗi người. Sở dĩ những thói quen xấu xí có cơ hội lan rộng chỉ vì cái ý nghĩ «dại gì mà không... ai cũng thế mà...». Nếu mỗi một người đều nghĩ «người ta thế, mình phải khác», có lẽ những người có tật xấu sẽ phải e ngại nhìn lại mình để sữa chữa, thay vì cứ nhởn nhơ vô tư vì có nhiều đồng minh xấu tính như mình… Hy vọng mỗi con người Việt Nam sẽ cố gắng một tí để đất nước này ngày càng tốt đẹp hơn…