(Tin Môi Trường) - Từ hàng chục “giấy phép con” do UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cấp, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã ung dung khai thác đất vượt thời gian, mốc giới. Nhiều m3 đất đã được vận chuyển đi bán kiếm lời khiến đồi núi tan hoang.
Ngày 28/6/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1188/QĐ-UBND (Quyết định 1188) quy định về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Căn cứ vào Quyết định này, từ tháng 7/2019 đến nay, UBND huyện Hữu Lũng đã “ồ ạt” cấp phép cho gần 20 hộ dân trên địa bàn huyện thực hiện việc san lấp, cải tạo mặt bằng với mục đích làm nhà ở và sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, lợi dụng “tấm bình phong” này và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền, ngành chức năng địa phương trong quản lý, giám sát sau cấp phép, thậm chí có dấu hiệu bao che, nhiều hộ dân đã cố tình khai thác vượt quá thời gian, mốc giới được cấp phép. Hậu quả là hàng triệu m3 đất bị đem đi bán kiếm lời, khiến đồi núi tan hoang, tài nguyên quốc gia bị thất thoát nghiêm trọng.
Từ "giấy phép con" của UBND huyện Hữu Lũng, nhiều cá nhân vô tư xúc đất đem bán.
Đơn cử, tháng 10/2019, UBND huyện Hữu Lũng cho phép Cty TNHH MTV Ngọc Quê cải tạo 2.210m2, tổng khối lượng đất được phép khai thác là 36.000m3 tại xã Minh Sơn với lý do tạo mặt bằng phục vụ dự án trồng rau sạch. Thế nhưng theo người dân địa phương, Công ty này đã khai thác trái phép cả chục ha đất trên địa bàn, sau đó đất được bán về các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để phục vụ san lấp mặt bằng, gây thất thoát lớn về tài nguyên, khoáng sản.
Về hồ sơ xử lý vi phạm của Công ty Ngọc Quê, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn Lý Quốc Việt cho biết, “cái này là huyện cấp phép, huyện xử lý nên xã không nắm được. Vừa rồi Công ty lại xin cải tạo mặt bằng để trồng rau bò khai, tỉnh đã xuống thẩm định rồi.”
Chưa hết, cũng tại xã Minh Sơn, với lý do cải tạo mặt bằng, ông Hoàng Văn Hùng đã khai thác đất vượt mốc giới, khối lượng cho phép tại thôn Lót – Bồ Các. Ghi nhận thực tế cho thấy, việc cải tạo mặt bằng chỉ là cái cớ. Khu đất mà ông Hùng tiến hành san gạt rất nham nhở, còn đất đã được múc cạn và vận chuyển về tỉnh Bắc Giang tiêu thụ.
Trao đổi với PV, ông Chủ tịch UBND xã Minh Sơn thừa nhận và cho biết, “đang phải làm kiểm điểm về vụ việc này”. Khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ xử lý vi phạm thì vị này lý giải, tất cả hồ sơ xã xử lý đã giao cho Thanh tra huyện, hiện UBND xã không còn giữ!?
Tương tự, ngày 26/9/2019, UBND huyện Hữu Lũng cấp phép san lấp, cải tạo mặt bằng cho ông Nguyễn Đình Vũ tại thửa đất số 110, tờ bản đồ số 33 xã Đồng Tân. Theo giấy phép, thời gian san lấp, cải tạo mặt bằng được thực hiện 45 ngày, khối lượng vận chuyển là 2.100m3. Tuy nhiên, hết thời hạn cải tạo mặt bằng, thửa đất vẫn như một “bãi chiến trường” nham nhở, bên vách núi dựng đứng khi một khối lượng lớn đất đã được vận chuyển đi nơi khác.
Cũng tại xã Đồng Tân, với lý do cải tạo mặt bằng, lợi dụng sự buông lỏng của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát, có trường hợp đã san phẳng cả quả đồi với diện tích lên tới cả chục ha, hàng triệu m3 đất bị đem đi tiêu thụ.
"Giấy phép con" ở huyện Hữu Lũng khiến đồi núi nham nhở, tan hoang, cảnh quan bị phá vỡ, tài nguyên bị thất thoát nghiêm trọng.
Làm việc với PV về việc thực hiện Quyết định 1188 của UBND tỉnh Lạng Sơn trên địa bàn huyện, ông Cao Văn Hòa - Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Hữu Lũng cho biết, từ khi có Quyết định 1188, UBND huyện Hữu Lũng đã cấp phép cho khoảng 17 hộ gia đình thực hiện việc san lấp cải tạo mặt bằng, trong đó một số hộ có vi phạm và đã xử lý .
Tuy nhiên, khi PV hỏi số liệu cụ thể UBND huyện Hữu Lũng đã cấp phép san lấp, cải tạo mặt bằng theo Quyết định 1188 và hồ sơ thể hiện việc xử lý vi phạm của ngành chức năng thì vị này hứa, “cái này đã giao cho chuyên viên tổng hợp, tôi sẽ sao chụp lại và gửi lại cho PV đầy đủ. Sau nhiều ngày chờ đợi và PV cũng đã nhiều lần liên hệ lại nhưng đều không nhận được thông tin phản hồi từ vị lãnh đạo Phòng này.