(Tin Môi Trường) - Bắt đầu từ năm 2005, ngày 23/11 hằng năm được lấy làm ngày “Di sản văn hóa Việt Nam” với mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam trong toàn dân.
Trong các loại hình di sản, cây cổ thụ được coi là di sản thiên nhiên nếu đạt được các tiêu chí nhất định. Đó là những cây gỗ lớn, cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, có từ lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch... Sau 10 năm tổ chức thực hiện, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 3.975 Cây di sản thuộc 125 loài ở 54 tỉnh, thành phố trong cả nước…
“Tôn vinh” cây xanh, thực ra là nối tiếp một truyền thống lâu đời của người Việt Nam khi các cây cổ thụ còn được trân trọng gọi là... cụ cây, vì gắn với biết bao ký ức của cả cộng đồng quanh nó, thậm chí còn được linh thiêng hóa. Rất nhiều cây cổ thụ đã trở thành các “chứng nhân lịch sử” qua thời gian.
Chè Shan tuyết Giàng Pằng được công nhận là Cây di sản Việt Nam6 cây cổ thụ trăm tuổi vào danh sách Cây Di sản Việt NamXác lập cây lộc vừng cổ thụ là Cây di sản Việt Nam
Không phải cây xanh nào cũng "xứng tầm" là cây di sản, nhưng mọi cây xanh đều đáng quý. "Quỹ" cây xanh của một làng bản, thị xã, thành phố, hay của một quốc gia chính là “vốn màu xanh” quý giá cho hiện tại và tương lai. Nên tôi muốn gọi cây xanh là một thứ “di sản” hay một thứ “tài sản” của cả cộng đồng. Phải, “di sản cây” - một di sản thiên nhiên vô giá.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam đạt 14,6 triệu hecta đất có rừng vào năm 2019 với độ che phủ ước đạt 42%. Nhưng trên toàn lãnh thổ, những khu rừng nguyên sinh nguyên vẹn chỉ còn 0,25%.
Độc đáo cây di sản ở An Giang. Ảnh: Báo An Giang
Bão lũ và sạt lở đất ở miền Trung gần đây hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng… và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song dù bất luận là nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt. Và tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị.
Trước đề xuất này của Thủ tướng, những ai quan tâm tới môi trường cũng đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và có thêm động lực trong phong trào trồng cây xanh.
Những năm gần đây, cả nước cũng đã xuất hiện những phong trào trồng cây xanh như là “Quỹ Một triệu cây xanh cho Việt Nam”, “Một triệu cây xanh - Thêm cây, thêm sự sống…”, “Gia đình trồng cây xanh”… do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát động. Chắc chắn rằng, đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh của người đứng đầu Chính phủ sẽ tiếp thêm động lực cho các phong trào hiện có.
Làm được như vậy, chúng ta không những làm tăng số “tài sản cây xanh” trên cả nước, mà trong tương lai, trăm năm hay vài trăm năm sau, con cháu chúng ta sẽ có cơ hội nối dài thêm danh sách cây di sản. Nói gì thì nói, nếu như các cụ ta ngày xưa không có ý thức trồng và giữ gìn cây xanh, ngày nay không thể có nhiều cây di sản như vậy để chúng ta công nhận. Việc này cần được tiếp nối.
Cây di sản ở Côn Đảo. Ảnh: Internet
Tôi nhớ trong lời mở đầu ca khúc “Bài ca người thợ rừng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Người thợ rừng” trong ca khúc đã đặt ra câu hỏi: “Ai bảo rừng xanh là quái ác?” và rồi tự trả lời rằng: “Tôi bảo rừng xanh là quý giá…”. Tôi mong không phải chỉ có những người thợ rừng, mà tất cả mọi người dân đều nhận thức được điều này để “Bên rừng dù cho khi nắng rát/ Bên rừng dù cho khi gió rét/ Ta đến với rừng mang trong lòng ngàn vạn lời ca”.
Đó có thể coi là những ứng xử tử tế với “mẹ thiên nhiên”. Làm được điều ấy, việc chúng ta có thêm những di sản thiên nhiên, những cảnh quan nhân văn sinh thái hoàn toàn là điều có thể trở thành hiện thực.