(Tin Môi Trường) - Ông chủ thủy điện Thượng Nhật là ai mà lớn gan tích nước gây nguy hiểm cho người dân trong những ngày mưa bão, bất chấp yêu cầu của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế?
Ngay khi bão tạm tan, các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế khẩn trương lên phương án mở đường vào thủy điện Rào Trăng 3 tiếp tục tìm kiếm 12 công nhân mất tích.
Thủy điện Thượng Nhật chỉ cho xả nước một cửa trong sáng 16-11 trong khi Bộ Công thương yêu cầu vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn - Ảnh: Lực lượng chức năng cung cấp
Trong lúc đau thương này, mưa bão còn chập chùng, người dân chạy lũ nơm nớp lo sợ cho tính mạng của mình thì thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vẫn ngang nhiên tích nước bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương.
Ông chủ thủy điện này dường như vô cảm trước những tai họa tước mất nhiều mạng người ở thủy điện vừa xảy ra chưa lâu.
Sự coi thường pháp luật của thủy điện này đã diễn ra trong thời gian dài trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Sự dây dưa với sai phạm như thách thức này khiến dư luận đặt câu hỏi: Ông chủ thủy điện là ai mà lớn gan vậy? Chính quyền địa phương ngán ngại điều gì mà đến nay vẫn chưa xử lý nổi?
Thủy điện Thượng Nhật thuộc Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam. Lợi ích của thủy điện này đến nay cũng rất mơ hồ. Khởi công năm 2008, nhưng ì ạch mãi đến năm 2016 mơi tái khởi động. Dự kiến phát điện vào năm tới nên liên tục tích nước để chạy thử.
Ai cũng biết, khi tích nước đầy, gặp mưa lớn như thời gian qua thì buộc thủy điện phải xả nước cứu đập. Trong lúc nước dâng mà thủy điện xả nước thì vùng hạ du chỉ có chết.
Trước tình hình mưa bão uy hiếp đời sống của người dân hạ nguồn, UBND huyện Nam Đông và sau đó là UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu không được tích nước, tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn cho người dân mùa mưa bão nhưng thủy điện này vẫn phớt lờ. Hết cách, UBND huyện lệnh cho lực lượng công an đia phương cử người túc trực tại thủy điện để giám sát.
Vụ việc đến tai Bộ Công Thương – nơi cấp phép và giám sát hoạt động của các thủy điện. Lãnh đạo bộ này yêu cầu thủy điện ngừng tích nước nhưng chẳng nhằm nhò gì với những người quản lý thủy điện này.
Ngày 14-11, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ, đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.
Thế nhưng, nay đã là sang 17-11, hình thức xử lý, mức xử lý đối vớithủy điện Thượng Nhật vẫn chưa có.
Đừng vòng vo nữa, cũng đừng lừng khừng ngán ngại nữa, pháp luật quy định rất chặt chẽ về quy trình tích nước, xả nước của thủy điện kèm theo đó là các mức xử phạt nếu vi phạm, kể cả xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng. Sự dây dưa kéo dài của thủy điện Thượng Nhật có một phần trách nhiệm do xử lý không cương quyết của chính quyền địa phương và Bộ Công Thương.
Một Thượng Nhật mà đã thế thì cũng không khó hình dung quyền thế của hệ thống thủy điện đang ầm ầm xả nước ngay mùa mưa lũ trên khắp nước.
Khi thủy điện xả nước nhấn chìm ruộng vườn, nhà cửa của người dân thì các cơ quan chức năng khẳng định là đúng quy trình. Vậy các cơ quan chức năng hãy làm đúng quy trình xử lý sai phạm được pháp luật quy định đối với những thủy điện bất chấp sự an toàn của người dân hạ du.
Đừng để thủy điện trở thành nỗi ám ảnh của người dân và buộc lòng họ phải liên tưởng thủy điện là con cháu của… Thủy tinh.