(Tin Môi Trường) - Ngày 06/11, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với Mạng lưới Tri thức Trẻ Việt Nam toàn cầu, tổ chức Hội thảo trực tuyến Công tác dự báo, phòng chống, giảm thiểu các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Banner chính của Hội thảo
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh những tháng cuối năm 2020, tại Việt Nam đã liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão lớn, tần số liên tiếp, gây ra mưa lớn, dông, lốc đổ bộ vào Miền Trung.
Mưa lớn trên diện rộng dẫn tới tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều địa phương, nhiều sông lớn ở khu vực Miền Trung liên tiếp phá vỡ kỷ lục các trận lũ lịch sử năm 1979, 1999, 2010 và 2016.
Lũ quét và sạt lở đất liên tiếp xảy ra với diễn biến phức tạp, khó lường đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về người, tài sản, đặc biệt là thảm kịch tại Thuỷ Điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế, và vụ sạt lở đất kinh hoàng tại Đoàn kinh tế - Quốc Phòng 337 đóng trên địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và hàng loạt vụ sạt lở ở Quảng Nam.
Bên cạnh đó, hiện tượng sạt lở bờ biển cũng diễn biến rất phức tạp tại các cửa biển ở khu vực các tỉnh Miền Trung, ví dụ như biển Cửa Đại Quảng Nam thời gian vừa qua.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV, Bộ TN và MT đã trình bày nội dung về Tính phức tạp của nghiệp vụ dự báo bão tại Việt Nam hiện nay.
Đại diện Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ NN và PTNN, TS Lê Quang Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác Quốc tế đã giới thiệu về Hệ thống quản lý thiên tai tại VN và thúc đẩy KHCN trong PCTT.
Khán giả được nghe PGS.TS Đỗ Hoài Nam ,Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trình bày nội dung Sơ bộ đánh giá thiệt hại do lũ lụt tại Quảng Bình 20 - 22/10/2020.
Tại Hội thảo các diễn giả trình bày những nội dung về các kỹ thuật cảnh báo mưa và lũ sử dụng vệ tinh viễn thám, radar, PERSIANN, PDIR-Now được phát triển và áp dụng ra sao ở Trung tâm khí tượng thuỷ văn và viễn thám, Hoa Kỳ.
Mô hình dự báo bão sử dụng lưới mesoscale, ensemble data assimilation và nonlinear dynamical systems nói về giới hạn về độ chính xác của dự báo cường độ bão mà các mô hình bão trong tương lai.
Các nghiên cứu phát triển các công cụ kết hợp giữa mô hình khí tượng và mô hình thủy văn. Các ứng dụng của bộ công cụ kết hợp khí tượng - thủy văn có thể tính toán mô phỏng động lực khí tượng thủy văn trong các điều kiện thời tiết cực đoan (như mưa, lũ, hạn hán…) đang được phát triển tại Mỹ và trên thế giới. Và tiềm năng ứng dụng cũng như liên hệ cho Việt Nam.
Hội thảo còn được nghe trình bày tham luận về Công tác truyền thông PCTT ở Việt Nam, về Đề xuất xây dựng hệ sinh thái kết nối cộng đồng hỗ trợ các hoạt động phòng chống, cứu hộ thiên tai…
Tại phiên phiên thảo luận mở giữa các diễn giả khách mời, người điều hành và khán giả đặt câu hỏi trực tiếp, không khí trao đổi thông tin sôi nổi, thân thiện; thúc đẩy mạnh mẽ, tạo tiền đề hướng đến nhiều sự hợp tác, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ về phòng chống thiên tai trong và ngoài nước trong tương lai. Sau khoảng gần 06 hoạt động liên tục, Hội thảo kết thúc tốt đẹp.